GN - Không khó khăn lắm để tìm được nhà anh Sơn “đục đẽo” bởi người dân khu phố 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ vốn đã rất thân quen với chàng thanh niên luôn nở sẵn nụ cười trên môi.
Từ bé, Sơn đã mê cái nghề “đục đẽo” như là duyên nghiệp, gặp khúc cây nào bỏ đi, những gốc gỗ vô tri, vô giác lại mang về để biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật rất đẹp mắt. Những ngày dài mày mò để tạo dáng cho chúng có được một hình tượng quen thuộc trong đời sống thật sự thấm đẫm mồ hôi và cơ cực. Nhưng ngược lại, Sơn không hề nản chí, càng vất vả càng hun đúc thêm niềm đam mê bởi mỗi tác phẩm ra đời khẳng định một hướng đi đúng. Điều tâm đắc nhất với Sơn là những tác phẩm điêu khắc gỗ các tôn tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Phật bà Quan Thế Âm… phục vụ cho nhu cầu tâm linh của Phật tử.
Phan Văn Sơn và tác phẩm của mình
Sơn nhớ lại những ngày khăn gói ra Hà Nội để học nghề từ các “lò” điêu khắc gỗ nổi tiếng, rồi những ngày chăm chỉ, vất vả rèn luyện tay nghề để thỏa niềm đam mê, yêu thích điêu khắc. Không phụ công, chỉ trong 6 tháng sau, Sơn đã có tay nghề vững chắc từ sự sáng tạo, cần cù, chịu khó và kiên trì học hỏi không ngừng để nắm bắt những bí quyết cơ bản từ những nghệ nhân có tay nghề cao.
Trở về quê hương, Phan Văn Sơn mạnh dạn mở xưởng cho riêng mình. Ban đầu, gia đình và nhiều người thân, bạn bè khuyên anh nên chọn hướng đi khác dễ kiếm tiền hơn nhưng niềm say mê điêu khắc đã không làm anh thay đổi.
Sơn cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, vững chí, có đầu óc nhạy bén, sáng tạo để có được những sản phẩm độc đáo, mới lạ, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, cần phải nắm chắc lịch sử, nguồn gốc, thân thế của từng nhân vật. Đặc biệt các hình tượng tâm linh thì càng phải làm đúng như lịch sử, nét đẹp vốn đã được truyền từ bao đời. Với tôn tượng của Đức Phật thì nghệ nhân cần có cái tâm trong sáng hướng Phật thì tác phẩm mới đạt yêu cầu…”.
Với tay nghề vững chãi, Sơn thường được các chùa, Phật tử đến nhờ thực hiện các hình tượng Đức Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Bà Quan Thế Âm… được chế tác từ các lại gỗ quý như căm xe, gỗ hương… an vị trong những ngôi chùa, tịnh thất.
Hiện nay, Phan Văn Sơn còn nhận dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên chưa có việc làm tại địa phương, giúp họ có nghề ổn định. Với Sơn, đó là cách đóng góp thiết thực nhất cho cộng đồng.
Chia tay chúng tôi, Sơn vẫn giữ nụ cười rất lạc quan và tự tin. Với nghị lực và sự đam mê nghề, chúng tôi tin rằng, cơ ngơi của Sơn rồi sẽ không ngừng phát triển và vươn xa. Những tác phẩm gỗ nghệ thuật từ bàn tay của người thanh niên này sẽ thật sự đi vào lòng người. Như những tôn tượng Sơn chế tác phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh đã thật sự được bà con Phật tử tin tưởng.