Người trẻ đi chùa - Kỳ cuối: Có một mô hình sinh hoạt mới

Người trẻ đi chùa - Kỳ cuối: Có một mô hình sinh hoạt mới
Giác Ngộ - Ngày 21-3 vừa qua là đợt sinh hoạt đầu tiên của CLB Thanh niên Phật giáo Q.5 (TP.HCM) – do ĐĐ.Thích Lệ Minh (Phó thường trực BĐD PG Q.5) làm Chủ nhiệm. Gần 100 thành viên là các bạn trẻ Phật giáo tham gia sinh hoạt với các chủ đề khác nhau, theo định kỳ 2 tuần một lần vào ngày Chủ nhật tại chùa Vạn Phật.

Buổi sinh hoạt đầu tiên ai cũng cảm nhận: "Đây là một mô hình sinh hoạt mới, hấp dẫn giới trẻ". ĐĐ.Lệ Minh thay mặt CLB chia sẻ:

Tôi rất vui khi thấy sự hiện diện của các thành viên đều là người trẻ, giàu nhiệt tâm và tinh thần học Phật tham dự. Các thành viên đều nở nụ cười tươi và sự phấn khởi với mô hình sinh hoạt tu học mới này. Đây là thành công khởi đầu sau bao tháng ngày ấp ủ dự án của BĐD PG Q.5 và Ban điều phối CLB, hôm nay mới có cơ hội thực tập và đi vào sinh hoạt chính thức.

- Mô hình sinh hoạt mới này được xây dựng dựa trên những tiêu chí và nội dung gì, thưa thầy?

- CLB đề cao tinh thần nhập thế của Phật giáo, gương mẫu trong đời sống đạo đức, sống đẹp, sống có ích mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

CLB với tiêu chí: "Thanh niên Phật giáo luôn tinh tấn, tịnh hóa thân tâm, sống thiện lành" đã nói lên tinh thần siêng năng trong học tập và thực hành giáo pháp; không ngại gian lao, không từ khó nhọc, góp phần phát triển Phật giáo và xây dựng đất nước.

- Vậy, với những tiêu chí ấy thì theo thầy, điều gì làm giới trẻ thích thú, hấp dẫn các bạn? Và CLB làm sao để "giữ chân" các bạn trẻ?

- Đến với CLB, các bạn được lắng nghe pháp thoại, chia sẻ pháp đàm, những bài học đạo đức giáo dục kỹ năng sống hiểu biết và thương yêu. Sinh hoạt văn nghệ là các ca khúc Phật giáo để hiểu sâu sắc hơn lời Phật dạy được chuyển tải qua âm nhạc cùng với những nhạc khúc của Trịnh Công Sơn có âm hưởng tính triết lý nhân sinh. Bên cạnh đó, CLB tạo nhịp cầu nối để gặp gỡ và giao lưu với các vị khách mời là: Người thành đạt trong kinh doanh để lắng nghe sự chia sẻ con đường dẫn đến thành công trong công việc; các vị nhân sĩ trí thức để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm sống quý báu; người đương thời có tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục đối với xã hội; những tấm gương người tốt việc tốt, vượt lên chính mình để cải thiện cuộc sống.

Tham gia công tác xã hội, các chương trình từ thiện như ủng hộ trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo, khuyết tật; thăm và tặng quà cho trẻ em đường phố; hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo hiếu học và sinh viên vượt khó.

Ngoài ra, CLB còn tổ chức những buổi dã ngoại, du lịch tâm linh, giao lưu văn hóa với các vùng miền trong nước để tìm hiểu các danh lam thắng cảnh.

- Sinh hoạt tại CLB thì các bạn trẻ được gì? Một kết quả cụ thể mà trên tinh thần xây dựng CLB các thành viên chủ chốt tính toán, dự liệu?

- Các bạn được hòa mình trong không khí sinh hoạt của tuổi trẻ, sống hiểu và thương, tư duy tích cực và kiện toàn mọi khả tính thanh cao để trở thành một người Phật tử thuần thành và một công dân tốt cho xã hội.

Mô hình sinh hoạt thành công không hẳn đạt chỉ tiêu về số lượng mà là chất lượng, nội dung và phương thức hoạt động phong phú để mời gọi các thanh niên đến với giáo lý đạo Phật như một con đường tỉnh thức, sống tốt đạo đẹp đời. Với sự yểm trợ của chư tôn đức Tăng Ni BĐD PG Q.5 và sự nhiệt tâm của Ban điều phối thì mục tiêu đưa đạo Phật đến với thanh niên và giới trẻ mà CLB mong muốn chắc chắn sẽ đạt được như nguyện.

- Cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ!

Phản hồi sau 2 kỳ "Người trẻ đi chùa":

* Đúng như báo nêu, tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay đi chùa là để giải nhiệt, giảm stress, cầu nguyện cho bản thân nhiều hơn, vì cuộc sống hiện tại quá xô bồ, nhiều bất trắc chứ thực chất không phải muốn học và tu theo Phật. Với thực trạng có nhiều bạn trẻ hiểu chưa đúng về đạo Phật, mà Đức Phật đã từng nói "Tin mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta". Do vậy, để bạn trẻ có căn bản về Phật pháp, đến chùa là để tìm cầu Phật pháp thì cũng cần những hoạt động thiết thực hơn, không khuyến khích hương khói quá nhiều… (Thanh Phong, thphongtran@...)

* Nếu học Phật chưa sâu mà đã muốn làm "pháp sư", giảng nói sai ý Phật thì thêm tội. Do vậy tôi nghĩ các bạn trẻ không nên chấp vào hiểu biết của mình (vốn rất cạn cợt) mà để diễn bày, kiến giải những lời dạy của Phật, thậm chí cãi nhau. Như thế các bạn chỉ tạo thêm trở ngại mà thôi. Hãy cứ học và hành cho thật thuần thục thì chính đời sống an lạc, khiêm hạ, nhẫn nhục, từ tốn… của các bạn là bài pháp hay đấy! (Đàm Trung, Hà Nội)

* Theo tôi, cốt tủy lời Phật dạy là luật nhân quả. Tin vào nhân quả thì chúng ta cứ thế tạo những điều thiện lành trong cuộc sống, đồng thời không dính vào những điều xấu ác. Và việc đến chùa, tán dương, lễ bái Phật cũng là một hành động đẹp, song việc làm đó phải trên cơ sở của lòng tôn kính Phật chứ không phải vì cầu cạnh cho mình mà tới. Phật không phải là vị ban cho chúng ta thứ này, thứ nọ mà chính chúng ta là người tạo ra những xấu tốt cho chính mình. (thuha13…@yahoo.com.vn)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày