Nhà có rác

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GN - Hàng ngày, con đường đất nhỏ nhà tôi có hai chiếc xe lấy rác đi ngang, bất kể mưa nắng. Đó là hai chiếc xe cút kít sơn màu đồng, mỗi chiếc có một người công nhân môi trường đô thị đẩy. Mặc mưa hay nắng, mỗi chiếc xe đi một bên đường, đi tới đâu họ gõ những âm thanh leng keng để nhà nhà đem rác ra bỏ. Nhiều nhà bỏ rác gọn gàng vào túi nhựa, chạy theo xe bỏ vào vì muốn giúp cho chị công nhân đỡ vất vả. Có nhà gom rác gọn gàng và phụ chị bỏ rác lên xe.

Chị công nhân vui tính, đôi khi thấy tôi mang rác ra bỏ, hỏi: “Nhà chú ít rác ghê, chả bù mấy nhà khác”. Tôi cười mà không trả lời chị.

Rác là những thứ thải ra trong quá trình sử dụng như ăn uống, tất nhiên việc đổ rác mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhưng nhà tôi rất ít khi có rác. Đơn giản bởi nhà có hai vợ chồng, tôi lại hay có công việc giao tiếp bên ngoài, ít cơm nhà. Vợ ở nhà ăn một mình, nấu nướng đơn giản, có khi chỉ tô mì gói. Chợ thì gần, nhưng nếu có hai người ăn cũng chỉ món canh, món mặn, nên ít đi. Vì thế nhà không có rác hoặc ít rác.

Nhưng bây giờ nhà có rác. Chị công nhân vệ sinh đánh kẻng leng keng, con gái Út mang cả ba túi rác lớn ra đổ. Chị công nhân vệ sinh cười: “Vậy là nhà có rác”. Chị cười vui: “Có rác có nghĩa là có người về”. Ai dám nói là người công nhân vệ sinh chỉ làm công việc thu gom rác không tinh tế? Rác cũng là cách cho biết cuộc sống của một gia đình như thế nào đó mà. Và chỉ duy nhất việc bỏ rác, chị đã nhận ra nhà tôi có người về.

Thật vậy, mấy đứa con ở xa. Khi con cái về kèm theo mấy đứa cháu thì vợ đi chợ từ sáng sớm. Đứa nói mẹ nấu phở, đứa khác thích ăn bánh canh, rồi là món gì đó mà thời bé mẹ nấu cho ăn, những món ăn ấy đã nằm trong ký ức. Mấy bà bán rau, bán thịt, bán gà… bán được hàng, bà nào cũng vui cười, hỏi mà không cần câu trả lời: “Mấy đứa nhỏ về chơi phải không chị?”. Trái với ngày thường, mấy bà chỉ bán chút ít thì nay bán nhiều, có bà còn nhón thêm thứ gì đó không tính tiền như cùng muốn cộng niềm vui. Bếp lửa nhà reo nhiều hơn, tiếng xào nấu lan tỏa mùi thơm. Và bữa cơm trở nên rộn rịp vì nhà có người về. Và vì thế mà nhà có rác nhiều hơn. Rác là vỏ trái cây mấy đứa con mua về, gọt ra bỏ tủ lạnh. Rác là rau củ được cắt, được lặt bỏ thứ thừa. Là mấy hộp sữa cháu uống, là bánh kẹo lột ra… Nói chung lúc nào cũng có rác khi nhà có bóng người về.

Vậy đó cuộc sống! Những đều đặn của bữa cơm vắng bóng người trở nên rộn ràng trong sum họp. Bát đũa nằm lâu trong tủ bỗng reo vui vì được đem ra dọn trên bàn. Ngay cả ngăn đá ít khi dùng đến nay đầy ắp thức ăn. Cả giỏ rác buồn hiu vì không có rác bỏ vào tự hào vì mình đã làm trọn chức năng dọn rác. Cứ tưởng rác chỉ là những thứ bỏ đi, làm cho nhà sạch, phố sạch. Rác còn là niềm vui của một gia đình, cho biết cuộc đoàn viên.

Buổi chiều phố vướng những đám mây, nắng len lỏi ném xuống con đường từng vệt vàng. Chị công nhân môi trường đô thị đẩy chiếc xe rác qua con đường, tiếng chuông của chị lắc kêu leng keng. Nhà vội mở cửa đợi. Hôm nay nhà có rác. Và xe rác lại di chuyển đến cuối đường. Âm thanh tiếng chuông cứ nhỏ lần, nhỏ lần. Chị công nhân cười, nói: “Hôm nay nhiều nhà có rác”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày