Nhà hàng, karaoke... “mọc” cạnh chùa Dơi

Chùa Dơi (còn gọi là chùa Mahatup, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) - một trong bảy nơi được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chọn là điểm dừng chân tiêu biểu của vùng ĐBSCL - đang bị xâm hại nghiêm trọng khi dự án nhà hàng du lịch đang “mọc” bên cạnh chùa...

Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang cử đoàn công tác vào Sóc Trăng tìm hiểu vụ việc.

chua doi 1.jpg

Chánh điện chùa Dơi được xây lại năm 2007 cần được bảo vệ nghiêm ngặt - Ảnh: C.Quốc

Karaoke ngay cạnh chùa

Gần 450 tuổi

Chùa Dơi được xây dựng năm 1569 với họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa đều mang sắc thái văn hóa Khmer. Theo một tài liệu của Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, dơi có mặt tại đây lúc bắt đầu xây dựng chùa hoặc trước đó. Hiện không ai nắm được chính xác có bao nhiêu dơi sinh sống trong khu vực chùa nhưng ước tính có vài chục ngàn con.

Tại quyết định công nhận chùa này là di tích nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1999, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) đã nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong khu vực di tích chùa Dơi. Thế nhưng tình hình thực tế hoàn toàn ngược lại: nhà hàng, khách sạn, phòng karaoke đã mọc lên hoành tráng tại đây khiến khu vực này trở nên náo nhiệt.

Theo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng, ngày 9-1 đoàn kiểm tra liên ngành 814 của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện năm phòng karaoke tại dự án này hoạt động không có giấy phép và chỉ nằm cách khuôn viên chùa Dơi chừng 10m, trong khi theo quy định phải cách 200m. Trước đó không lâu, tại nhà hàng của dự án này đối diện cổng chùa đã được cho thuê tổ chức tiệc cưới linh đình.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại chủ đầu tư đã xây dựng xong khu nhà hàng, một dãy kiôt, sân bãi giữ xe và đang xây một khu vui chơi trong khuôn viên dự án.

Đơn vị được cấp phép đầu tư xây dựng dự án là Công ty cổ phần quốc tế Satraco (gọi tắt là Công ty Satraco). Theo giấy chứng nhận đầu tư do chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký cấp cho Công ty Satraco ngày 28-12-2011, dự án trên có tổng diện tích hơn 20.000m2, trong đó diện tích đất Nhà nước giao hơn 12.000m2, phần còn lại là đất mượn của chùa Dơi. Đây là dự án khu du lịch - nhà hàng - khách sạn với quy mô gồm khu nhà hàng, khách sạn cao cấp (khách sạn 100 phòng, nhà hàng có khả năng phục vụ 1.200 khách) và một nhà hàng phục vụ các món ăn chay khoảng 100 khách.

Khi chủ đầu tư bắt đầu triển khai dự án đã bị người dân khu vực quanh chùa phản ứng bằng cách gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan tỉnh Sóc Trăng. Theo người dân, năm 2000 UBND tỉnh đã có quy định không cho mua bán và cho xe vào đậu tại cổng chùa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cho dơi. Tuy nhiên khi được cấp phép đầu tư dự án, Công ty Satraco đã mở nhà hàng kinh doanh ăn uống, giải khát và khu vực bãi đỗ xe cũng được giao cho công ty, người dân muốn mua bán phải trả tiền thuê mặt bằng cho đơn vị này 3 triệu đồng/tháng.

Lo lắng cho dơi

Theo hòa thượng Kim Rêne - trụ trì chùa Dơi, phần đất mà Công ty Satraco xây dựng dự án đã được thỏa thuận và có ký hợp đồng với chùa.

chua doi 2.jpg

Khu vực kiốt đang được đầu tư xây dựng cách chùa Dơi chừng 20m - Ảnh: Chí Quốc

Tuy nhiên, theo ông Sơn Ngọc Hoàng - phó giám đốc Trường Văn hóa nghệ thuật Sóc Trăng, việc xây dựng khu du lịch, nhà hàng, khách sạn sát chùa Dơi là không ổn vì âm thanh tiếng ồn tại đây phát ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trú ngụ của dơi, dễ làm dơi sợ và bay đi nơi khác. Đề cập thực trạng di tích chùa Dơi đang bị xâm hại nghiêm trọng, một nhà nghiên cứu văn hóa ở ĐBSCL đề nghị giấu tên nói bản thân ông rất đau xót khi chứng kiến những điều đang đi ngược lại với mọi nỗ lực bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm (Trường đại học Cần Thơ), dơi là động vật hoang dã, cần sự yên tĩnh, nếu bị con người tác động quá nhiều thì chúng sẽ không còn gần gũi với con người. Ông cũng cho rằng số lượng dơi tại chùa Dơi hiện nay ngày một ít đi có một phần nguyên nhân do con người gây ra.

Sẽ rà soát, chấn chỉnh

Trao đổi với phóng viên chiều 11-1, một lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết chùa Dơi là “đặc sản” không chỉ của miền Tây Nam bộ mà còn của cả nước nên phải bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2007 khi hay tin chánh điện chùa bị cháy, bộ đã vào kiểm tra và xuất quỹ dự phòng 4 tỉ đồng để xây lại đúng nguyên trạng. “Bộ đã nhận được thông tin tỉnh cho xây dựng dự án nhà hàng, khách sạn, karaoke xâm hại di tích này nên bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa thành lập đoàn kiểm tra để báo cáo tình hình, đề xuất hướng xử lý. Lãnh đạo bộ cũng cho biết tới thời điểm hiện tại bộ chưa nhận được bất cứ văn bản, tờ trình nào đề xuất cho xây dựng nhà hàng, khách sạn khu vực chùa.

Trong khi đó, ông Mai Khương - chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - cho biết bản thân ông là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng chưa được UBND tỉnh đưa vấn đề này ra bàn ở Ban thường vụ. Còn ông Nguyễn Tánh, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Sóc Trăng, nói HĐND tỉnh đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, rà soát vụ việc và sở đã cung cấp các cứ liệu về chùa cho đoàn công tác này. “Thời gian đoàn công tác làm việc chắc khoảng một tuần nên tôi chưa thể nói gì trong lúc này” - ông Tánh cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày