Nhà nghèo mới hay con thảo…

GN - Những ngày này, toàn lực xã hội dồn cho việc phòng, chống đại dịch Covid-19, thảm họa của toàn cầu: thế giới có hơn 72,3 vạn người nhiễm, gần 3,4 vạn người tử vong, làm xáo trộn đời sống xã hội của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.


anh HKhoa.jpg
Bệnh nhân quốc tịch Czech (bệnh nhân số 53) đi ra rồi quay lại cảm ơn y bác sĩ khi xuất viện ngày 30-3 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trong sáng nay, cả nước có 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh - Ảnh: Hữu Khoa / VnExpress

Tình hình về đại dịch bệnh này trở thành tin nóng hàng đầu trên các mặt báo, các kênh thông tin chính thống cũng như mạng xã hội, được cập nhật theo giờ như bản tin về chiến sự.

Đúng vậy, chưa bao giờ chúng ta thấy cuộc chiến với đại dịch nóng đến thế. Điều ít ai có thể tưởng tượng được, đó là những quốc gia phát triển như Ý, Tây Ban Nha, Anh, cả Mỹ… lại trở nên u ám vì số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhiều, như số người chết ở Ý đã vượt qua Trung Quốc, có ngày gần 800 người phải chấm dứt sự sống vì dịch bệnh, phần lớn là do không đủ nhân lực và phương tiện cứu chữa.

Với Việt Nam ta, cả nước dốc sức cho “cuộc chiến” với sự lây lan của virus Corona chủng mới để giành lại sự sống, an toàn cho người dân, trong đó có cả những người khách nước ngoài đến Việt Nam mang theo mầm bệnh, cũng được điều trị.

Hàng vạn người Việt từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp nơi đã chọn cách an toàn bằng việc trở về quê hương. Không chỉ khó khăn mà có thể nói là rất khó khăn, nhưng quê hương vẫn đón các người con của mình. Nhiều nơi được sử dụng làm trung tâm cách ly, cả sinh viên các trường đại học tại TP.HCM cũng phải nhường chỗ trú khiêm tốn của mình nơi các ký túc xá cho bà con từ xa về.

“Nhà nghèo mới hay con thảo…”, trong hoàn cảnh đại dịch bệnh, điều đáng mừng là triết lý mà cha ông chúng ta đã đúc kết qua ca dao tục ngữ không phải là ngôn từ khô héo nữa, mà xanh tươi đầy nhựa sống.

Nhìn cảnh những con người hy sinh vì người khác mà lòng rưng rưng xúc động: cả đội ngũ y bác sĩ, quân đội… phục vụ ở các trung tâm cách ly ở các ký túc xá phải trải chiếu nằm bên lề đường sương gió; các bạn trẻ, người già chia sẻ từng cái khẩu trang; anh Trần Minh Quang, trú tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế dốc tiền túi làm buồng sát khuẩn miễn phí để nơi công cộng cho các mẹ, các chị đi chợ sử dụng, yên tâm bươn chải mưu sinh và ổn định nếp nhà…; tiến sĩ Đào Anh Quang dùng tiền tích cóp của một giảng viên để chế nước rửa tay sát khuẩn tặng không cho bà con…

Triết lý trong hoạn nạn như đại dịch này không cần đến những lý luận logic như trong sách vở, không qua danh vị, chức vụ, tài sản sở hữu, trình độ học vấn, kể cả tôn giáo… mà giản dị là sự sẻ chia cụ thể, chung tay chung sức, ý thức và kỷ luật theo mệnh lệnh chung của toàn xã hội, trong mục tiêu chung là hạn chế sự lây lan, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Trong tinh thần duyên sinh, một cá nhân không thể có sự an toàn khi cộng đồng mà cá nhân ấy sinh sống bị lâm vào dịch bệnh. Do đó, an toàn cho xã hội cũng chính là an toàn cho bản thân. Ý thức điều đó để tuân thủ những nguyên tắc căn bản về y tế một cách hiểu biết, tránh những cực đoan như lo âu quá mức cần thiết, hay ỷ lại ở năng lực bảo hộ của thế lực siêu nhiên theo niềm tin mù quáng.

Bài học vỡ trận của nước Ý, nơi được xem là quốc gia phát triển với thành tựu y học tiên tiến nhưng lại có số người chết vì nhiễm Covid-19 cao kinh hoàng... là sự minh chứng cho điều đó.

Thích Pháp Hỷ/Báo Giác Ngộ

>>> Bài liên quan: Corona - Biến cố của thế kỷ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày