GNO - Với đề tài "Di sản văn hóa Phật giáo VN", nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong buổi nói chuyện chuyên đề hàng tháng tại chùa Phật học Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) diễn ra chiều 1-11 đã bàn đến vấn đề “nóng” là linh vật (sư tử).
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tại buổi nói chuyện
chuyên đề "Di sản văn hóa Phật giáo VN" - Ảnh: Bảo Toàn
Theo đó, đây là vấn đề đẩy dư luận đến chỗ phản ứng rất mạnh, chính quyền quan tâm, mà tiêu biểu là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 8-8-2014 đã có công văn số 2662 đề nghị không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Và Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh Việt Nam ra công văn ngày 19-8-2014, giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, ở các chùa cổ, đặc biệt là chùa Phật Tích miền Bắc vẫn còn tượng sư tử đá từ thời Lý. Đó là những hình tượng sư tử đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh sư tử là những con thú rất thân thuộc như voi, tê giác, trâu, ngựa là những vật ăn chay - một sự gởi gắm của ông bà ta về mặt tư tưởng.
So với các nước khác trong khu vực thì hình tượng sư tử rất hung dữ nhưng khi vào Việt Nam thì tượng trở thành tươi vui, rất hiền hòa, cho thấy sự tiếp biến văn hóa của tổ tiên ta rất tinh tế.
Buổi nói chuyện thu hút đông người quan tâm, tham dự
Mẫu sư tử thời Lý được nhà nghiên cứu giới thiệu tại buổi nói chuyện
Ngoài ra, tại buổi nói chuyện, định nghĩa di sản của Phật giáo cũng được ông Trần Đình Sơn chia sẻ, “khi nói đến di sản văn hóa tức là người ta muốn nói đến tài sản của ông bà tổ tiên chúng ta đã để lại nhiều đời nay trên đất nước này. Và đó là di sản chung của các dân tộc Việt Nam. Còn truyền thống là những cái mà tổ tiên ta từ đời này qua đời khác tôn trọng và làm theo”.