Nhà sư có hàng trăm người con nuôi

Tính đến đầu năm 2011, UBND xã đã trao 46 quyết định giao nhận con nuôi cho thầy. Khuyến khích các chùa thành lập cơ sở nuôi dưỡng.

Nhiều người ghé thăm tịnh thất Bồng Lai đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi đây quanh năm rộn tiếng trẻ con khác hẳn với vẻ trang nghiêm, yên tĩnh để tu hành. Hiện tại tịnh thất đang nuôi dưỡng 76 trẻ, thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó gần phân nửa là các bé dưới ba tuổi, nhiều trẻ chỉ đôi, ba tháng, vài ngày tuổi. Mỗi bé một hoàn cảnh, bé mồ côi cha mẹ, bé khác không biết gốc tích do bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới sinh ra.

Mở lòng cưu mang trẻ bất hạnh

Quãng thời gian thơ ấu của thầy Thích Thiện Minh là những tháng ngày đầy cơ cực, nghèo đói, thiếu thốn quanh năm. Đến năm 21 tuổi, căn duyên đưa thầy xuất gia tu hành, quy y cửa Phật. Với tâm nguyện tu hành để làm việc thiện giúp đời, cứu giúp số phận nhiều đứa trẻ kém may mắn, thầy tìm xuống vùng đất xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu bây giờ để mua đất, lập tịnh thất. Chỉ có một số tiền ít ỏi, thầy tự vào rừng lấy cây, khuân đá để dựng lên ngôi tịnh thất bằng lá. Dần dần chùa được sửa sang, xây dựng thêm nhờ tấm lòng của Phật tử.

“Khoảng năm 1992, một lần thầy đi ngang chợ, thấy một bé gái lang thang, ăn đồ ăn dư của người ta cho rất tội nghiệp. Hỏi ra mới biết cháu bị cha mẹ bỏ lại, không ai nhận nuôi. Thấy vậy, thầy đưa cháu về chùa. Hiện cháu đang theo học ĐH tại TP.HCM” - thầy kể lại. Từ đó, thầy luôn mở rộng lòng đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi. Phật tử khắp nơi khi biết có những trường hợp như vậy đều đưa trẻ đến đây. Nhiều cháu bị người ta mang bỏ lại trước cổng chùa.

Nhà sư có hàng trăm người con nuôi ảnh 1

Thầy Thích Thiện Minh ẵm một cháu nhỏ bị bỏ rơi.

Thời gian đầu, việc chăm nom các cháu, thay tã lót, bế ẵm đều chỉ mình thầy lo liệu. Có cháu còn nhỏ, thầy xin những phụ nữ gần chùa cho các cháu bú sữa nhờ. Sau này khi chùa nhận nhiều cháu, có những bảo mẫu làm công quả tình nguyện phụ giúp. Kinh phí để nuôi các cháu phần lớn đều nhờ sự hỗ trợ của Phật tử khắp nơi. Ngoài ra, thầy đi xin sữa, tã và quần áo để lo cho các cháu. Thầy tâm niệm: “Vất vả, khó khăn thầy không quản ngại, kể cả phải chấp nhận đi xin, làm thêm một số việc để có thêm tiền mua đồ chơi, đóng tiền học cho các cháu. Chỉ cần thấy các cháu khỏe và học tốt, thầy và mọi người ở đây thấy vui rồi”.

Tạo điều kiện học hành

Mỗi khi đưa một trẻ bị bỏ rơi về chùa, thầy Thích Thiện Minh đều gửi đơn xin UBND xã Tân Hòa nhận các em làm con nuôi. Các em có giấy khai sinh mang họ trước khi xuất gia của thầy và nhập hộ khẩu vào địa chỉ tịnh thất. Tính đến đầu năm 2011, UBND xã đã trao 46 quyết định giao nhận con nuôi cho thầy. Số còn lại là những trẻ mồ côi nên ít nhiều đều có giấy tờ khai sinh cũ từ gia đình. “Cốt của người tu hành là giúp được nhiều người khác cùng được hạnh phúc chứ không phải chỉ bản thân mình ở nơi thâm sơn cùng cốc tu hành đắc đạo. Vì vậy, cưu mang, chăm sóc, dạy dỗ các cháu là việc phước thiện, người tu hành như thầy nên làm. Khi đã nhận cháu về, cần phải nghĩ tới tương lai các cháu, tạo thuận lợi nhất cho các cháu đi học và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Vậy nên thầy nhận các cháu là con” - thầy trụ trì chia sẻ.

Vào các tối trong tuần, thầy mời giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Việt về dạy thêm cho các cháu nhỏ. Những cháu lớn hơn cũng được học hành theo đúng tâm nguyện. Hỏi về chuyện định hướng tương lai sau này cho các cháu, thầy chia sẻ: “Khi đến tuổi trưởng thành, các cháu đều tự quyết định con đường mình phải đi. Thầy không bắt ép các cháu tu hành, bởi phải có căn duyên mới xuất gia. Hiện nhiều cháu đang học, có cháu đã đi làm, có cháu cũng có gia đình riêng, lâu lâu về thăm chùa. Thấy các cháu được như vậy, tâm thầy mãn nguyện lắm”.

Khuyến khích các chùa thành lập cơ sở nuôi dưỡng

Nhà nước luôn có chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, bị cha mẹ bỏ rơi. Các cơ sở tôn giáo nhận nuôi trẻ là việc làm nhân đạo và được Nhà nước, tổ chức quan tâm, ủng hộ. Đứng ở góc độ quản lý, chúng tôi thường phối hợp với địa phương hướng dẫn các cơ sở tôn giáo chính sách pháp luật liên quan tới việc nhận nuôi dưỡng trẻ. Nếu chùa nhận nuôi một số lượng trẻ vừa đủ sẽ khuyến khích, vận động để thành lập một cơ sở nuôi dưỡng. Bởi có vậy thì việc chăm sóc sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, học hành cho các em cũng tốt hơn, đảm bảo theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước.

Bà NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG, Phó phòng Bảo trợ xã hội - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày