Nhà sư dịch truyện tranh cổ vũ cho hòa bình

Sư Thalangalle Somasiri và những tác phẩm đã xuất bản tại Sri Lanka
Sư Thalangalle Somasiri và những tác phẩm đã xuất bản tại Sri Lanka

GNO - Là người từng trải với quê hương Sri Lanka trong các cuộc xung đột dài hàng thập kỷ, Sư Thalangalle Somasiri cảm thấy cảm động sau khi đọc loạt truyện tranh "Hadashi no Gen", trong đó mô tả những hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima.

Nhà sư yêu hòa bình đã phát hành tập 1 và 2 của "Hadashi no Gen" ở Sri Lanka vào mùa xuân này sau khi dịch chúng sang tiếng Shinhala, một trong những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong nước.

Sư Somasiri, 55 tuổi, là trụ trì của một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Sri Lanka được gọi là Sama Maha Viharaya, còn được gọi là "Heiwa dera" (chùa hòa bình) trong tiếng Nhật Bản, ở ngoại ô Colombo, cố đô của Sri Lanka.

Sư thăm Nhật Bản vài lần mỗi năm và tham gia vào việc truyền bá Phật giáo cho đồng hương của mình tại chùa Lankaji ở Katori, tỉnh Chiba, nằm gần sân bay quốc tế Narita.

Ở tuổi 12, sư Somasiri đã đươc thế phát xuất gia. Sư đã đến Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1988 để nghiên cứu tại Đại học Taisho ở Tokyo. Sư đã xuất bản sách giáo khoa tiếng Nhật và sách về truyện cổ Nhật Bản tại Sri Lanka. Sư Somasiri cũng là thành viên của Câu lạc bộ P.E.N. Nhật Bản, nơi hội tụ của các nhà văn tìm kiếm hòa bình và đấu tranh cho tự do ngôn luận.

Mùa hè năm ngoái, nữ tu Yoko Matsubayashi (76 tuổi), sống ở Yokohama giới thiệu cho sư Somasiri loạt truyện tranh "Hadashi no Gen".

Sư Somasiri đã đọc xong loạt truyện tranh này, được viết bởi Keiji Nakazawa (1939-2012), nói về những trải nghiệm riêng của tác giả được miêu tả thông qua nhân vật chính, Gen, là một nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima vào ngày 6-8-1945.

"Thái độ cố gắng của Gen trong cuộc sống đã dạy cho chúng ta ý nghĩa của hòa bình và lòng can đảm", sư Somasiri nói.

Xung đột tại quốc gia Sri Lanka kéo dài trong khoảng 25 năm và mới chấm dứt cách đây 6 năm. Hơn 70.000 người được cho là đã bị thiệt mạng trong các trận chiến và chủ nghĩa khủng bố, và ngôi chùa của sư Somasiri đã là nơi trú ẩn tạm thời cho khoảng 20 trẻ mồ côi do bạo lực, và các nạn nhân khác của bạo loạn.

Cảm động trước loạt truyện tranh, sư Somasiri thăm lại Mái vòm Bom Nguyên tử và Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ở Hiroshima vào mùa thu năm ngoái. Những trải nghiệm đã củng cố quyết tâm của sư dịch loạt truyện tranh sang ngôn ngữ Sri Lanka.

Để làm việc này, sư Somasiri thức dậy lúc 2 giờ sáng và làm việc trên bản dịch đến 5 giờ sáng, thời điểm công phu hàng ngày.

Vào cuối tháng Ba này, sư Somasiri đã tổ chức lễ ra mắt ấn phẩm "Hadashi no Gen" đầu tiên phiên bản tiếng Shinhala tại chùa Lankaji. Bà Matsubayashi cũng tham gia lễ kỷ niệm ở đó.

Sư đặt mục tiêu xuất bản tất cả 10 tập của loạt truyện ở Sri Lanka trong vòng 5 năm.

Sư cũng có kế hoạch dịch "Nagasaki no Kane", được viết bởi Takashi Nagai (1908-1951), một bác sĩ, về trải nghiệm của mình với tư cách là một nạn nhân của bom nguyên tử thả xuống Nagasaki vào 9-8-1945.

"Đó là một nhiệm vụ của một người tu hành như chính tôi, để cầu nguyện cho hòa bình", sư Somasiri nói.

Văn Công Hưng (Theo The Asahi Shimbun)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày