GN - Rất nhiều nhân viên văn phòng ở khu vực Kamiyacho thuộc thành phố Tokyo, một khu vực thương mại nằm giữa Roppongi và Toranomon, được hưởng lợi rất nhiều từ không gian yên tĩnh của chùa Komyoji mà thầy Shoukei Matsumoto đã kiến tạo cho công chúng sử dụng vào các ngày trong tuần.
Là người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Otera no Mirai (Quỹ Học bổng Phật giáo Nhật Bản), Matsumoto đã khởi xướng nhiều dự án khác nhau để xây dựng lại những ngôi chùa bị hư hoại tại Nhật Bản và thu hút nhiều du khách đến các cơ sở Phật giáo.
Thầy Shoukei Matsumoto
Nơi sân thượng của chùa Komyoji thường đông khách vào giờ nghỉ trưa, khi những nhân viên công sở ghé vào với hộp cơm hoặc những cuốn sách yêu thích. Đôi khi họ chẳng mang theo gì mà chỉ muốn được thư giãn, hoặc có một buổi nói chuyện cởi mở và chân thành với một nhà sư.
Trong những dịp đặc biệt, các sự kiện như buổi hòa nhạc, các lớp thiền tập và hội thảo sẽ được tổ chức tại chánh điện chùa, nơi những hình ảnh khởi nguyên của ngôi chùa được tôn vinh.
Thầy Matsumoto giải thích: “Có ít người muốn ngồi cả buổi để nghe những bài thuyết pháp khó hiểu và hàn lâm. Tôi tin rằng việc tạo nên một điều gì đó có thể lôi cuốn cả năm giác quan là quan trọng, và nó nhất định phải là một điều thú vị , giống như âm nhạc”.
Thầy Matsumoto, 36 tuổi, là một nhà sư xuất gia cách đây nhiều năm, chọn cách từ bỏ cuộc sống thế tục để có thể hòa nhập vào đời sống, sinh hoạt Phật giáo bắt nguồn từ niềm tin cho dù không có nghĩa vụ phải làm như thế.
Tốt nghiệp Đại học Tokyo vào năm 2003, thầy đã không hề đắn đo phải lựa chọn bất kỳ công việc nào khác, và thậm chí đến tận ngày nay, thầy không nghĩ mình phù hợp với vai trò một nhân viên văn phòng trong bộ đồ vét và đeo cà-vạt.
“Tu tập là giữ một khoảng cách vừa đủ với những người thường mà vẫn có sự ảnh hưởng tốt lên họ. Hai thế giới không phải là hoàn toàn cách biệt. Tôi hiểu rằng luôn có bóng tối và đau khổ trong xã hội, và tôi muốn trở thành một người đem đến những gợi ý cho sự chuyển hóa”.
Matsumoto thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo và luôn khiến cho bản thân bận rộn bằng việc tạo ra những ý tưởng mới. Thầy sáng lập Hội Oyatsu Otera (Hội hỗ trợ thực phẩm từ thiện tại chùa) và đó là nỗ lực nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ đơn thân bằng cách quyên góp thực phẩm đã được dâng cúng cho các ngôi chùa.
Hầu hết các bài thuyết giảng của thầy Matsumoto đều hướng đến chư Tăng Ni trẻ. Ngoài ra, thầy cũng mở các khóa học dành cho sinh viên đại học, doanh nhân bởi vì thầy tin rằng giáo lý đạo Phật có thể được áp dụng cho việc quản lý kinh doanh.
Từ năm 2012, Matsumoto đã đóng vai trò là người đứng đầu trung tâm bồi dưỡng quản trị tự viện với khoảng 90 người tốt nghiệp mỗi năm, chủ yếu là chư Tăng Ni trẻ và những người trông coi các hoạt động của các ngôi chùa.
Chùa chiền có thể giúp tạo kết nối, chia sẻ những giá trị tâm linh và đời sống nội tâm mà mỗi cá nhân đều khao khát. Thầy Matsumoto cho biết việc gia tăng số lượng Phật tử sẽ mang đến nhiều sinh động, thậm chí còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của ngôi chùa.
“Chùa được xây dựng xung quanh các gia đình, các mối quan hệ huyết thống và ý thức cộng đồng trong khu vực. Ngày nay, các gia đình và cộng đồng đang dần tan rã, nhưng mọi người lại muốn hình thành các mối liên kết khác. Tôi cảm thấy cần phải tạo ra một tinh thần cộng đồng mới trong một xã hội cởi mở, đa dạng hơn và ngôi chùa cần nâng dần vai trò đó của mình”.
Trong đất nước Nhật Bản hiện đại, bản chất của việc tu tập Phật giáo dường như đã bị hiểu sai bởi rất nhiều người. Người ta nghĩ rằng đạo Phật bao gồm việc thờ cúng tổ tiên và chăm sóc mồ mả. Nhưng theo thầy Matsumoto, giáo lý Phật giáo thực sự nên được truyền dạy là cách đánh thức thiện tâm trong chính mỗi người.
Quan niệm của Matsumoto là hãy để mọi chuyện được diễn ra tự nhiên. Thầy cho rằng không quá quan trọng để có ý kiến về các xu hướng gần đây như thăm mộ trực tuyến, dịch vụ tưởng niệm Internet và dịch vụ chia sẻ nơi an nghỉ (hakatomo).
“Thế giới đang thay đổi, và không có lý do gì để phủ nhận thực tế đó. Giáo lý Phật giáo cho rằng tất cả sự vật thế gian chỉ là tạm thời. Một ngôi chùa không thể ngăn cản thời gian trôi đi, điều quan trọng là chúng ta chấp nhận những gì sẽ đến và hành động sao cho phù hợp”, thầy bày tỏ.
Người ta thường thắc mắc làm thế nào các nhà sư có thể xử lý sự căng thẳng, bởi vì dù thế nào thì họ cũng chỉ là con người.
“Tôi là con người nên cũng có khi tôi rơi vào những cảm xúc tiêu cực, nhưng tôi không phủ nhận những cảm xúc đó hay chú trọng vào chúng. Tôi nhận thức tình huống đó bằng chánh niệm và chấp nhận rằng bản thân mình có mặt tiêu cực”, thầy nói.
Buổi hòa nhạc tại chùa Komyoji
Cho đến bây giờ, thầy Matsumoto dành sức khỏe và năng lượng của mình để đào tạo và cố gắng giúp đỡ những ngôi chùa hiện có. Với hơn 400 người tốt nghiệp từ trung tâm của mình, thầy cảm thấy rằng đã đến lúc để chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nơi thầy hy vọng sẽ nhìn thấy chùa chiền kết nối với cộng đồng và xã hội.
Thầy Matsumoto biết cách cập nhật công nghệ kỹ thuật và ông lên kế hoạch tận dụng lợi thế của các trang mạng xã hội để truyền bá sự uyên thâm của Phật giáo.
“Ngôi chùa sẽ tụt lại phía sau nếu họ không biết sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Giờ đây chúng tôi dễ dàng hơn để làm những gì mình muốn, vì nhận được sự đồng thuận từ thế hệ đi trước”.
Bảo Thiên - Anh Thư
(theo The Japan Times)