Nhân năm học mới: Hãy gieo những ý niệm tốt đẹp cho học sinh

Giác Ngộ - Tháng 9 là mùa tựu trường của hàng triệu học sinh các cấp. Trong không khí náo nức của ngày hội khai trường vẫn còn đó đôi điều trăn trở bên cạnh những niềm vui…

"Chạy trường", bài học gian lận!

Từ đầu hè báo chí đã phản ánh không khí "chạy trường" của phụ huynh ở khắp nơi, nhất là những nơi học sinh đông, trường thì đủ dạng như ở TP.HCM. Có những lúc cao điểm phụ huynh phải thức cả đêm để nộp hồ sơ cho con mình được vào "trường ngon", "trường điểm". Xin phép không nêu những tên trường cụ thể, chỉ nêu hiện tượng có thật ấy trong thời buổi mà người ta coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất, lâu dài. Dường như nhiều phụ huynh lại hiểu điều đó một hướng hoặc theo nghĩa giáo dục tốt là ở một trường ngon, trường chuẩn thôi thì phải? Chính vì thế mà ai cũng cố để con mình được chen chân vào "trường điểm" dù nhiều khi phải bỏ tiền ra "chạy", thông qua sự quen biết, gửi gắm.

khaigiang.jpg

Hiện tượng bất chấp khả năng của con cái mà bằng mọi giá đưa con vào "trường ngon" đã ít nhiều làm hại các em. Cái hại đầu tiên chính là khi bước vào ngôi trường chuẩn nào đó thì chính học sinh lại không đủ "chuẩn" để theo kịp lịch học và cả khối lượng kiến thức nâng cao mà trường ấy đưa ra. "Chuẩn" về sức khỏe và "chuẩn" về học vấn không đáp ứng được trường điểm mà mình đang học nhưng lại bị phụ huynh lo lót để vào nên các em phải cố, nhiều em vì quá sức nên bị stress, thậm chí phải nhập viện trong tình trạng hoang mang, lo lắng…

Đã lỡ phóng lao thì phải theo lao và vì "danh dự bản thân", "danh dự gia đình" nên học sinh dù học không nổi ở trường "ngon" nhưng vẫn không dám bày tỏ nguyện vọng, và có bày tỏ thì cũng khó làm lại. Điều này càng làm cho học sinh sợ hãi, áp lực tâm lý càng đè nặng lên các em.

Thêm vào đó, "bài học" chạy trường của cha mẹ và việc nhà trường gật đầu cho phụ huynh "chạy" sẽ là một bài học "ấn tượng" về sự gian dối mà tự thân học sinh sẽ ngầm thẩm thấu một cách tự nhiên. Tất nhiên, nó không được biểu hiện ngay thành hành động nhưng nó ngấm trong suy nghĩ các em, về sau các em cũng sẽ… chạy chọt. Và chắc chắn, khi đủ trình độ để nhận biết về sự thật của việc chạy chọt kia các em sẽ có cái nhìn như thế nào về những người thầy, nhân danh nhà giáo - con người mô phạm, không cần nói thì cũng biết!

Theo luật nhân quả, chúng ta sống như thế nào, chúng ta hành động như thế nào (cũng như suy nghĩ và nói năng) đều đưa đến kết quả tương ứng. Nhân xấu sẽ đưa đến quả xấu, nhân thiện lành mới trổ hoa tốt đẹp. Và với cái nhân gian lận trong "chạy trường" như hiện tượng thường thấy hàng năm, nhất là vào trước năm học mới như hiện nay đã gieo vào đầu thế hệ trẻ những mầm xấu và những nguy cơ biểu hiện nhân cách xấu về sau!

images346934_2a.jpg

Nỗi lo của học sinh nghèo

Học sinh nghèo có một nỗi lo chung đó là tiền trường, tiền sách vở… Nỗi lo ấy ám ảnh trong đôi mắt trẻ thơ, có nhiều em mang đôi mắt buồn vì nhà mình nghèo, không đủ điều kiện đi học, dù học không tệ. Như tác giả Nguyên Cẩn đã đề cập trong Câu chuyện trong tuần (Giác Ngộ 552) thì ít nhiều làm thui chột nhân tài, làm cho nhân tài không phát huy được hết sở trường của mình.

Có đi và tiếp xúc với những trẻ em nghèo nơi miền quê heo hút của tất cả các tỉnh, thành ở Việt Nam mới thấy những ước mơ của các em thật bình dị, trong đó ước mơ "được đi học" là ước mơ chung, lớn nhất. Bất đắc dĩ các em mới phải nghỉ học và đi làm phụ giúp gia đình. Nỗi niềm của học trò nghèo không phải thầy cô giáo không thấy, ngành giáo dục không hay biết nhưng nhiều khi "lực bất tòng tâm". Cuộc sống khó khăn, gánh nặng cơm áo còn đè lên vai người thầy với đồng lương giáo viên còm cõi thì có muốn giúp học trò cũng đành bó tay. Điệp khúc ấy chúng ta vẫn nghe đâu đó, trong tiếng thở dài và tiếng nấc của người thầy khi nói về học trò, nói về đời sống của giáo viên. Đặc biệt giáo viên vùng núi thì càng khó, khó hơn nữa là công tác vận động học trò dân tộc, học trò nghèo đi học. Cái nghèo vây quanh nên gia đình các em lo cái no trước cái chữ, trước chuyện học hành bởi "có thực mới vực được đạo" mà!

Trong chương trình "Tiếp sức người thầy" được phát sóng trên Đài Truyền hình TP.HCM, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người thầy một buổi đứng lớp, một buổi phải chạy vạy mưu sinh trong khó khăn. Và chất lượng cuộc sống của người thầy thấp thì tâm trí đâu mà đầu tư giáo án, bài giảng cho tốt? Đấy lại là một câu hỏi và một quy luật mới làm cho nỗi lo về chất lượng giáo dục kém được đặt ra dưới dạng một bài toán nan giải!

khaigiang1.jpg

Tiếp sức cho giáo dục

Mở các báo và xem các thông tin về từ thiện trên truyền hình trong những ngày đầu năm học mới, chúng ta bắt gặp những chương trình "tiếp sức" thật ý nghĩa mà các cá nhân, các tổ chức xã hội dành cho học sinh, sinh viên. Ví dụ như chương trình học bổng "Bạn tôi - người vượt khó", "Tiếp sức đến trường"… của Báo Tuổi Trẻ, chương trình Đuốc sáng Đông Du vừa khởi động và được giới thiệu trên Thanh Niên… Ngoài ra, các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện, từ thiện cũng thực hiện chương trình "chia sẻ đến trường" nhằm khuyến học, khuyến tài cho các em học sinh, sinh viên. Những tín hiệu vui ấy từ cộng đồng có lẽ là niềm hạnh phúc cho bất kỳ ai quan tâm đến giáo dục, đến việc "trồng người" trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Những trao gửi yêu thương từ những chương trình tiếp sức cho học trò, sinh viên nghèo như thế vừa giúp các em có điều kiện học tập, vừa ươm mầm sẻ chia trong các em với cam kết "đáp đền, tiếp nối" để ý nguyện chia sẻ, nâng đỡ cao đẹp được lan rộng, đi xa trong cộng đồng. Và thực tế đã chứng minh, hầu hết các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhận được sự tiếp sức của xã hội, từ đòn bẩy ấy các em có được thành công thì về sau các em lại trở thành thành viên tích cực góp sức cho công cuộc "trồng người". Đó có lẽ lại là một sự thật khác, biểu hiện hiệu ứng dây chuyền trong việc trao gửi yêu thương, để ngọn lửa học hành trao truyền và nối tiếp, để tinh thần chia sẻ tương thân tương ái chuyển tiếp từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ sau một cách liên tục, ngày càng lớn mạnh…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày