GN - Cuộc đời là một hành trình thử thách, thay đổi và trưởng thành khi chúng ta biết chấp nhận nó.
Sự kiên nhẫn sẽ làm ta bình tĩnh, tránh gãy đổ. “Tại sao” - sẽ làm cho cánh cửa trí tuệ ta mở ra với thế giới xung quanh. Đó là ngọn nến được thắp lên trong căn phòng tăm tối, là ánh đèn đường rực sáng khi phố thị vào đêm, là ngọn lửa sinh lực của vũ trụ ban phát cho muôn vàn sự sống đang chuyển động trong thế giới này.
Người biết nhẫn là không để ngọn lửa ngu muội đốt cháy hết trí tuệ của mình
Người xưa tạo ra chữ “nhẫn” có hai phần (忍), phần trên là cái mũi dao bén nhọn, phần dưới là trái tim. Với ngụ ý, hàng ngày cái tâm của ta phải va chạm với rất nhiều thứ nguy hại như tham lam, nóng giận, ganh tỵ… cho nên ta phải luôn tỉnh táo trước những thứ đó để không nguy hại đến bản thân mình. Chúng ta biết rằng kẻ thù độc hại nhất của tâm là sự nóng giận. Nếu không biết kiềm chế cơn nóng giận thì ắt sẽ sinh sự, mà hậu quả của nó thì không thể lường trước được.
Người biết nhẫn không phải là người yếu hèn, mà ngược lại là con người có đầy sức mạnh, vì chỉ có sức mạnh và nghị lực phi thường mới chiến thắng được bản thân. Người biết nhẫn là con người luôn bình tĩnh, mà chỉ có bình tĩnh thì mới giải quyết được mọi chuyện một cách thấu đáo. Người biết nhẫn không những tránh nguy hại cho mình mà cũng tránh được cho người khác, làm cho các mối quan hệ dần trở nên tốt đẹp hơn.
Người biết nhẫn là người có lòng nhân, biết chuyển bại thành thắng, biết ứng biến mọi lẽ cho phù hợp. Người biết nhẫn còn là một nhà giáo dục tuyệt vời, vì mình nhẫn đúng sẽ giúp cho người khác tỉnh ngộ và tự sửa mình cho tốt hơn.
Trong Phật điển có một câu chuyện rất hay về vấn đề này. Sau khi thành đạo, Đức Phật đi giảng cho nhiều nơi. Giáo lý của Ngài là bình đẳng không phân biệt giai cấp, chính vì thế mà ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của giai cấp Bà-la-môn thời bấy giờ. Một hôm Đức Phật đang giảng thuyết thì có một người Bà-la-môn đến phỉ báng, dùng mọi lời để nhục mạ Ngài. Ông ta cho rằng giáo lý của Ngài là tà thuyết, Ngài đã phá vỡ mọi nền tảng gia đình… Ngài đáng phải bị đuổi ra khỏi nước. Đức Phật vẫn không hề phản ứng lại trước thái độ của người Bà-la-môn kia. Sau đó Ngài mới hỏi rằng:
- Này ông Bà-la-môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng, họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai!
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì nó vẫn là của ông thôi!
Tâm nhẫn và câu nói đầy trí tuệ của Đức Phật đã cải hóa được con người kia, là một bài học sâu sắc trong cách hành xử.
Nhẫn nhịn bản chất của nó là tốt đẹp và cần thiết. Trong cuộc sống, nếu chúng ta chỉ vì những lời nói bóng gió, những lời qua lại ở đâu đâu mà cũng để tâm, buồn giận thù hằn thì cái khổ trước nhất là ta phải gánh chịu. Chỉ có nhẫn và biết xả bỏ mọi tật xấu, kiềm chế trước những hành động lời nói không tốt của người, đừng quá cố chấp hay quan tâm tới nó thì lòng ta mới được an vui và thanh thản.
Người biết nhẫn là không để ngọn lửa ngu muội đốt cháy hết trí tuệ của mình. Mà một khi ta sáng suốt thì dù việc gì có khó khăn cách mấy cũng tìm ra hướng giải quyết. Biết nhẫn là biết lựa chọn thời cơ, biết tránh thế đối đầu khi ta chưa đủ sức. Biết nhẫn là biết khôn khéo không để đối phương thăm dò và để cho những hành động sau thêm chắc chắn. Người biết nhẫn cũng như một vị tướng tài ba vậy. Vì “người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người đánh giỏi thì không thua, người thua khéo thì sẽ không chết” (Lời tựa Vạn Kiếp tông yếu truyền thư - Trần Khánh Dư).
Nếu nhẫn giúp ta bình tĩnh sáng suốt thì “tại sao” sẽ đưa ta đến vô cùng vô tận của bến bờ tri thức. Một người năng động và có tư duy khoa học thì phải luôn biết đặt câu hỏi để tri kiến tường tận mọi sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh. Ta biết hỏi “tại sao” và ta bằng mọi cách để tìm ra đáp án của nó tức là ta tư duy, mà ta tư duy tức là ta tồn tại. Ta sẽ biến kho tàng kiến thức của nhân loại làm của riêng ta, lúc ấy ta không phải là cái bình được đổ đầy nước mà là một ngọn nến được thắp lên. Và chỉ có sáng suốt thì mới dễ cảm thông, có sáng suốt mới hiểu mình hiểu người. Có như thế thì mới sống đúng nghĩa và đích thực…
“Tại sao” - cần thiết để tạo nên hạnh phúc - nó giúp ta nhìn lại cái vị trí, công việc của mình có phù hợp chưa, đó có phải là hạnh phúc của mình theo đuổi hay không. Câu trả lời sẽ giúp ta cải thiện hơn trong điều kiện có thể. Tại sao - quan trọng cho sự trưởng thành - nó giúp ta kiểm tra lại những cái ta đã biết, những cái đã được truyền dạy để từ đó ta mở rộng tầm nhận thức của mình. Đó là những cánh cửa mới được mở ra để ta thấy cái thế giới hôm nay đẹp hơn, lộng lẫy hơn hôm qua. “Tại sao” - kích thích cho bộ não khỏe mạnh và trẻ trung - nó giúp ta vượt qua ngưỡng tồn tại bình thường để đạt đến ngưỡng sống cao hơn, giúp ta vượt qua những chịu đựng bó buộc, những sợ sệt cố hữu của áp chế vốn có của những gì tồn tại trước. “Tại sao” - mối quan hệ chân thành - nó giúp ta và những người xung quanh xích lại gần hơn, nó hướng ta và người cùng đến sự thật, loại bỏ những nghi ngờ không đáng có. Nó là con đường dẫn đến các mối quan hệ tốt đẹp. Nếu ta hỏi “tại sao” thì người khác cũng sẽ có điều kiện tương tự như vậy. Có thể nói câu hỏi “tại sao” và việc đi tìm đáp án của nó là mang đến sự đổi khác cho thế giới.
Đào Thái Sơn