GNO - Một hoạt động nhằm phục hồi lại những văn bản, đồ cổ và đồ tạo tác vô giá cổ bị hư hỏng trong trận lũ lụt gần đây ở Jammu và Kashmir đã bắt đầu ở Ấn Độ.
Nằm ở Bảo tàng Sri Pratap Singh thuộc Srinagar (SPS), gần 90% các hiện vật đã bị hư hỏng không thể cứu vãn được.
Nhiều bảo vật Phật giáo trong Bảo tàng Sri Pratap Singh bị hư hại do lũ lụt
Nhiều trong số các bản thảo Gilgit thế kỷ thứ VI - các kinh văn Phật giáo lâu đời nhất - được cho là đã đã bị phá hủy bởi lũ lụt gần đây, báo Press Trust of India đưa tin.
"Ngoài các bản thảo, các đồ tạo tác khác như khăn choàng Kashmir, tác phẩm điêu khắc tinh tế và tranh tượng bằng giấy bồi đã bị phá hủy", Saleem Beg, cựu giám đốc Indian National Trust For Art and Cultural Heritage (Intach) cho biết.
Khảo sát của Intach cho thấy việc xử lý các hiện vật bị hư hỏng có thể đã làm tồi tệ hơn những bức tranh và các hiện vật vô giá khác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Một nhóm chuyên gia gồm 3 thành viên, đứng đầu là Giám đốc Bảo tàng Quốc gia đã đến Kashmir để xông hơi khử trùng và đánh giá sơ bộ hư hại, báo cáo của The Times of India.
Beg nói rằng sự mất mát về mặt lịch sử và văn hóa rất nghiêm trọng. "Bản thảo Sharada cổ bằng tiếng Phạn và (ngôn ngữ) Kashmir cũng đã bị hư hỏng nặng trong trận mưa lớn".
"Hồi giáo đến Kashmir vào thế kỷ XIV nhưng có một sắc lệnh thuộc thế kỷ XVI sử dụng cả hai ngôn ngữ Sharada và Ba Tư cho thấy Sharada vẫn được sử dụng trong 200 năm. Có một vài khăn choàng cổ tốt nhất bao gồm một chiếc tặng cho Nữ hoàng Victoria. Bảo tàng đã được thành lập vào năm 1898".
Khi nói đến sự thờ ơ của các quan chức trong nỗ lực để cứu các hiện vật bị hư hỏng, ông đã cho thấy hình ảnh của những con chó giẫm chân lên trên những chiếc khăn choàng cổ.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng không phải tất cả đều bị hư hại và những bước đi như đóng băng, hút bụi và loại bỏ oxy có thể giúp khôi phục lại một số hiện vật.
Trận lũ lụt đã cướp đi hơn 400 sinh mạng và tàn phá cả 2 phần Kashmir của Ấn Độ và Pakistan với việc mưa không ngừng dẫn đến lũ lụt trên sông Jhelum.
Văn Công Hưng (Theo International Business Times)