GNO - Trong thời gian qua, nhiều ngôi chùa Khmer bị cháy do nến.
Cụ thể như: khoảng 4 giờ sáng ngày 13-8, cháy ngôi chánh điện chùa PraSathKong (ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên); khoảng 16 giờ, ngày 25-8, cháy toàn bộ nội thất chánh điện chùa Bưng Cóc (ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú); khoảng 5 giờ sáng, ngày 15-9, cháy ngôi chánh điện chùa Cos Tung (ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung).
Ước tính thiệt hại cả 3 ngôi chùa trên gần 2 tỷ đồng.
Chùa PôThi SaThaRam tiên phong trong việc dùng bóng đèn điện - Ảnh: Khemrinh
Theo Đại tá Trần Văn dưỡng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Sóc Trăng): “Qua khảo sát hiện trường bị cháy cho thấy, các chùa trên hầu hết không có trang bị thiết bị PCCC”.
Thiết nghĩ, việc duy trì phong tục cúng nên của bà con Phật tử và đốt nến trong mùa Nhập hạ ở các chùa Khmer là việc làm rất đáng trân trọng, nhưng đôi lúc cũng cần có sự linh hoạt, thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời gian.
Chùa Pô thi Satharam (P.7, TP.Sóc Trăng) được xem là chùa tiên phong cho phong trào vận động Phật tử quyên tặng bóng đèn, dây điện… thay vì cây nến trong mùa Nhập hạ. Mỗi năm, nhà chùa chỉ nhận vài cây nến để thắp trong chánh điện, vừa giảm nguy cơ hỏa hoạn, vừa giúp Phật tử tiết kiệm. Còn tại chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu, ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên), Phật tử đã nhiệt tình ủng hộ đề xướng của vị trụ trì trong việc thay đổi cúng dường bóng đèn và dây điện thay cho nến.
Với sự tiên phong của 2 chùa Sà Lôn và Pô thi Satharam, việc nhân rộng mô hình quyên góp bóng đèn điện thay nến ở nhiều địa phương khác sẽ giảm bớt tối thiểu nguy cơ cháy chùa trong mùa Nhập hạ.
Theo ý kiến của Hòa thượng Tăng Nô, Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Kh’leang (TP.Sóc Trăng): “Mong bà con Phật tử có thể hạn chế dâng cúng cây nến, mà có thể ủng hộ nhà chùa trả phí sử dụng điện. Về phía nhà chùa cũng cần hạn chế đốt cây nến to, chỉ nên đốt một cây nến nhỏ… vừa góp phần đảm bảo an toàn cho nhà chùa vừa giữ được phong tục của dân tộc mình”.
Khemrinh
---------------
* Bài vở cộng tác trang Bạn đọc - Giác Ngộ vui lòng gửi về địa chỉ e-mail: bandocgiacngo@gmail.com. Tin, bài chọn đăng đều có nhuận bút theo chế độ của tòa soạn!