GNO - Tri ân Hòa thượng Viện trưởng - Người dành cả một đời cho sự nghiệp Hoằng pháp và Giáo dục...
Để thấy mình nhỏ bé
Bốn năm chợt thoáng qua nhanh. Hồi tưởng lại ngỡ như mới ngày hôm qua. Thầm tri ân Thầy tổ, cha mẹ, đàn na tín chủ đã tạo duyên lành để tôi được học dưới mái trường Phật học viện này.
Nhớ lại… mới ngày nào tuyển sinh khóa XI mà bây giờ đã tuyển sinh khóa XIV. Bốn năm cho tôi rất nhiều khi được sống trong một môi trường vô cùng thuận lợi: Ba năm tu học nội trú tại Nội viện. Kính tri ân Hòa thượng Viện trưởng cùng chư tôn đức, quý Phật tử ngoại hộ đã cùng tạo thắng duyên này.
Nhìn lại... (Ảnh: TGCC)
Nhớ là ngày nào chuẩn bị vào nội trú, bao lo lắng, ngỡ ngàng. Nhớ lời chia sẻ của Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng kiêm Trưởng ban Quản viện: “Huynh đệ cần thay đổi cách nghĩ, thay vì nghĩ ‘bị’ bắt buộc nội trú, hãy nghĩ rằng từ nay mình ‘được’ nội trú”. Năm tháng qua nhanh, nay nhìn lại, nghĩ về lời nói của thầy, thật sự đúng là chúng tôi “được” rất nhiều.
Bốn năm Cử nhân giúp tôi trưởng thành hơn về suy nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề để thấy mình nhỏ bé. Một chút lạ. Nhưng đến một lúc, trưởng thành hơn, người ta lại thấy “cái tôi” của mình được bào mòn. Cũng có thể lúc đó là lúc chúng ta chánh niệm, tỉnh giác về “cái tôi”; còn những lúc không khéo kiểm soát thì chúng ta cũng nghĩ mình lớn lắm. Bạn và tôi nhỉ?
Để trưởng thành hơn
Bốn năm trải qua nhiều chuyện mà đôi khi chúng tôi nói đùa với nhau là “Sống qua ba chế độ”. Chúng tôi trưởng thành hơn trong cách nghĩ, biết nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh hơn ngoài trình độ Phật học được nâng cao mỗi ngày.
Biết đúng sai chỉ là một cặp phạm trù mang tính tương đối.
Hiểu được rằng có nhiều chuyện mình không thể lấy quy chuẩn của mình để áp đặt lên người khác.
Cùng là huynh đệ đồng học nhưng mỗi người sẽ suy nghĩ và theo đuổi, chí hướng khác nhau. Cách thức nhìn nhận, đánh giá vấn đề cũng theo đó mà ít nhiều có sự khác biệt. Đồng học mà còn như thế thì sau này, giữa muôn trùng cuộc tương ngộ, người với ta có quan điểm, suy nghĩ khác nhau âu cũng là lẽ thường.
“Hai con người trộm nhìn qua lỗ nhỏ
Người kia với tâm hồn minh mẫn
Sẽ nhìn thấy ánh sao lung linh”.
(Đoản thơ của F. Hilaire)
Để hiểu người, hiểu đời thêm chút nữa
Biết suy nghĩ mỗi người có khác giúp chúng ta tôn trọng và lắng nghe hơn ý kiến, quan điểm của người. Vì mỗi người có xuất thân, hoàn cảnh, môi trường sống khác nhau. Vì lẽ đó, tuy cùng là Thích tử nhưng “cái thấy” cũng khác nhau. Lúc đó ta sẽ thấy mình bao dung, rộng lượng hơn với lỗi lầm của người.
“Nếu con thực sự tiến bộ, con sẽ thấy rằng không một ai, không một nhân cách nào đáng để con phải đáp trả hay chuốc hận cả. Con sẽ chỉ còn thấy những người mà con cần mở rộng trái tim yêu thương tử tế với họ bằng cách đưa họ thoát khỏi sự tham lam, giận dữ và ảo tưởng” (trích: Giận để thương - V. Vajiramedhi).
Cuộc đời thật sự là một chuyến tu hành. Ở đó, nhường nhịn nhau một chút, bao dung nhau một chút thì dù con đường có hẹp cũng vì lòng người mà chợt hóa thênh thang. Bất giác nhớ lại lời chia sẻ của một người huynh đệ:
“Nếu ta đem sở trường của mình để đánh vào sở đoản của người thì chắc chắn một ngày họ sẽ lấy sở trường của họ để đánh lại sở đoản của ta”.
Cho nên hành xử ở đời cần phải biết người biết ta, sẵn lòng bao dung khi có thể.
Để yêu thương người, yêu thương ta
Chợt thấy yêu thương người, yêu thương ta hơn. Nhất là khi ta từng trải qua thất bại. Thất bại giúp ta có thêm cơ hội để dễ dàng đồng cảm với người. Ta sẽ thấy yêu thương phận người nhiều hơn. Ai cũng có những nỗi khổ riêng, ai cũng có những duyên nghiệp, ai cũng có nỗi lo. Có người khổ vì tiền bạc, lại có người đau vì tình cảm bên cạnh những người muộn phiền về danh vọng, lời khen tiếng chê…
Người như thế ta nào có khác. Hay phải chăng trong người thấp thoáng hình bóng chính ta. Lại thấy yêu thương chính mình.
Miên man đôi dòng viết vội. Viết cho bạn hay viết cho chính tôi, điều đó cũng không còn quan trọng. Vì tôi biết trong bạn có tôi và ngược lại. Cảm ơn những tháng ngày sinh viên, những tháng ngày sống nội trú. Tri ân Hòa thượng Viện trưởng - Người dành cả một đời cho sự nghiệp Hoằng pháp và Giáo dục. Tri ân những người thầy trong Ban Quản viện qua các thời kỳ đã tạm gác lại bao công việc nơi trụ xứ để về đây nâng đỡ và đồng hành cùng chúng con.
Cảm ơn bạn, những huynh đệ đồng học, những người tôi có duyên lành được tiếp xúc. Và cả những người tôi ít khi tiếp xúc. Bởi trong cuộc hồng trần này, một thoáng gặp nhau đã là nhân duyên.
Thích Nhật Đạo
Mời chư Tăng Ni chia sẻ kỷ niệm về Học viện Phật giáo
Hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, bên cạnh chuỗi các sự kiện diễn ra tại cơ sở 2 (H.Bình Chánh, TP.HCM) do Học viện tổ chức, Giác Ngộ online kính mời chư Tăng Ni đang theo học, đã từng học, trưởng thành từ môi trường này viết chia sẻ kỷ niệm, chủ đề: "Học viện trong tôi".
Đó có thể là những kỷ niệm của buổi đầu nhập học, những thay đổi trong tự thân khi về tu học tại đây; là câu chuyện đáng nhớ với một tiết học, môn học hay một vị lãnh đạo Học viện hay vị giáo thọ khả kính đã cho mình bài học lớn, suốt đời không quên; là những kinh nghiệm - trải nghiệm thú vị từ quá trình rèn luyện ở ngôi trường có bề dày 35 năm, để rồi sau đó đi học lên cao hoặc về làm Phật sự tại địa phương và thấy việc học quá ý nghĩa, thiết thực...
Những kỷ niệm, chia sẻ của quý Tăng Ni sinh đang học và chư tôn đức cựu Tăng Ni các khóa chắc chắn sẽ góp phần tăng thêm niềm vui cho ngày Đại lễ - đã được Đức Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện đánh giá "sự kiện lần này đánh dấu sự trưởng thành của Học viện, đồng thời cũng khẳng định vị thế giáo dục Phật giáo của một cơ sở thuộc GHPGVN".
Bài chia sẻ cùng hình ảnh của câu chuyện, xin hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com. Ghi rõ bài "Học viện trong tôi". Trân trọng đón chờ bài vở của quý Tăng Ni sinh, cựu sinh viên Học viện từ nay đến 10-12-2019. Bài hay sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ tuần báo và Giác Ngộ online.
GNO |