Nhớ mái chùa xưa…

GN - Lâu lắm rồi tôi không còn được nghe tiếng chuông chùa vang vọng. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, tôi cảm thấy nhớ da diết mái chùa trang nghiêm mà yên bình ngày nào. Công việc cứ tiếp nối công việc theo guồng quay vô tận, và thế là đầu tắt mặt tối với nhịp sống hối hả này, không còn có thời gian để thấy lòng mình thanh thản như ngày còn thơ bé.

Chùa xưa, ảnh minh họa bài Tâm Thanh.jpg

Mái chùa xưa - Ảnh minh họa từ internet

Ngày ấy, tôi còn là đứa trẻ thơ ngây, lúc nào cũng mong tới ngày rằm để được lên chùa cùng ba mẹ và các anh chị. Dần dần, việc đi chùa, lễ Phật đã trở thành một thói quen mà với tôi, lúc ấy là cả niềm hạnh phúc lớn lao. Nhìn đôi mắt sáng ngời Từ bi của chư Phật, tôi lại thấy lòng mình ấm áp hơn, nhẹ nhàng hơn.

Mái chùa thanh tịnh ấy còn là nơi gia đình tôi đặt một phần của cuộc sống vào đó - di ảnh của người chị gái đã ra đi từ khi tôi chưa kịp chào đời. Ngày còn bé, ba vẫn thường dắt tay tôi ra phía sau chánh điện, đến bàn thờ những người đã khuất quy linh vào chùa và nói với tôi “Chị Sáu của con đây nè!”. Bức ảnh trắng đen nhỏ xíu ấy đã phai màu cùng dòng chảy thời gian nhưng với tôi, và cả gia đình tôi, nó vẫn không bao giờ phai nhạt. Và tôi biết rằng, ở một nơi xa xôi lắm - trong cuộc luân hồi sinh tử này chị tôi chắc sẽ được thanh thản khi được tiếng kinh kệ soi sáng tâm mình.

Rồi những mùa Vu lan thiêng liêng, tôi đến chùa và được cài hoa hồng đỏ tươi trên áo. Ba và mẹ tôi cài hoa hồng trắng vì ông bà tôi đã khuất xa. Dù màu hoa có khác nhau nhưng nó mang một ý nghĩa chung duy nhất: hãy luôn giữ trọn đạo hiếu với đấng sinh thành.

Hay những mùa trăng rằm lung linh sắc màu, tôi cùng chúng bạn lăng xăng rước đèn tháng Tám, dạo một vòng quanh chùa để hòa mình vào đêm hội náo nhiệt của ngày Tết Trung thu. Và không thể nào quên được ngày mùng một Tết, gia đình tôi cùng nhau lên chùa thắp hương lễ Phật, đón nhận không khí của năm mới ở một nơi yên bình và trang nghiêm.

… Lắm lúc thấy nhớ những đường nét mờ ảo sau làn khói nhang nghi ngút. Nó làm đôi mắt tôi cay nhòe nhưng vẫn thích được đến để cắm nhang vào chiếc lư to đặt trước bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhiều lần bị phỏng tay vì không cẩn thận nhưng lòng thấy bình an vì những lời cầu nguyện an bình cho cha mẹ, anh chị  như đã đến với Ngài.

Nhiều lúc nghĩ lại, thấy mình trẻ con quá. Nhưng tới bây giờ, lòng mình vẫn giữ trọn một niềm tin vào con đường mà Phật đã sáng soi. Đó là con đường của điều hay, điều tốt, của tâm Từ bi, của lòng yêu thương vạn vật. Và tôi luôn khắc ghi hai chữ Nhân-Quả để tự răn mình.

… Đi xa nhớ mái chùa xưa nhiều lắm. Mọi thứ giờ đây cũng chẳng có gì thay đổi, chỉ có khác biệt một điều thôi. Đó là tôi đã không còn được lên chùa thường xuyên như hồi còn bé, thay vào đó là công việc bộn bề. Tôi không thể tìm ra cho mình một khoảng lặng chậm rãi để được quay về với chính bản thân mình, để được sống trong sự thanh tịnh của tâm hồn. Và vì vậy, tôi khát khao giờ đây có thể quỳ trước chư Phật, suy ngẫm những việc đã làm, nhắc nhở bản thân mình sống sao để có ích hơn cho đời, để tích thêm phước lành, nghiệp thiện.

Tự nhiên muốn sống chậm lại, thật chậm, để nghe tiếng kệ lời kinh, để được mở rộng trái tim mình, để mang hạt giống yêu thương gieo mầm hạnh phúc…

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày