GN - Tháng Bảy, trời Sài Gòn sụt sùi giăng lối mưa thưa! Lối mưa này như một nét chấm phá đã đẩy đưa tâm hồn tôi về sự suy tưởng quanh đời người. Vậy là thêm một mùa Vu lan Báo hiếu nữa lại về, làm sống dậy trong tâm hồn tôi, tâm hồn các anh, tâm hồn các chị và cả tâm hồn của các em nữa… những ký ức đong đầy nỗi nhớ thương sâu nặng về mẹ!
Mùa Vu lan không chỉ là khoảnh khắc thời gian để mọi người có dịp bày tỏ lòng hiếu thảo với mẹ, mà còn là một giá trị lưu cưu tuyệt vời của tình mẫu tử chan chứa yêu thương.
Hẳn nhiên, trong mỗi người đều có một niềm hạnh phúc kính nhớ riêng tư về mẹ! Với tôi là một người mẹ yêu quý đã tận hiến cuộc đời gầy guộc, xác xơ nơi chốn quê nghèo miền Trung chống lưng với trời, bán mặt cho đất chống chọi với bao ngày đông tháng hạ để tìm cái ăn cái mặc nuôi sống gia đình mình. Và mỗi con người là một nghiệp dĩ, một đời riêng không ai giống ai, phải không các anh, các chị và các em? Với tôi, nghĩ nhớ mẹ từ hoài niệm ấu thơ ùa về trong những ngày tháng Bảy, ngày Báo hiếu Vu lan! Cả một sự mang nặng đẻ đau, không chỉ là người đã sinh thành ra tôi mà mẹ còn là cái nôi nuôi dưỡng và “chỗ ẩn” tốt nhất cho đời tôi. Mẹ đùm bọc, chở che, chăm sóc, lo lắng cho tôi mỗi khi “trở trời hơi gió”. Mẹ còn là một “gia sư” luôn theo sát bên tôi, căn dặn giáo huấn những điều nhân nghĩa đạo lý, khuôn phép, nhất là cách sống ở đời biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương tha nhân, thương người thương mình… Mẹ nuôi tôi nên hình nên vóc, nên dáng dấp bản lĩnh con người biết chống chọi với thế gian nghiệt ngã, biết đứng dậy khi vấp ngã giữa cuộc đời với nhiều cạm bẫy, những tính toan mờ ám… Nay con đã lớn khôn thành người trong một đời sống ổn định, con được ăn chén cơm thơm, mặc chiếc áo nguyên lành, tất cả là sự xác tín từ công ơn trời biển của mẹ vun đầy.
Mùa Vu lan Báo hiếu đang về, trong tận cùng trái tim đầy cảm xúc, con dành một vị trí trang trọng nhất để cài lên đó một đóa hồng thắm tươi rạng rỡ với ý nghĩa thiêng liêng tưởng niệm mẹ hiền! Đồng thời con cũng kính dâng lên mẹ yêu một chén cơm trắng chan đầy vị ngọt mà trong đời nghèo của mẹ chưa một lần được ăn, một chén cơm ngon thơm thảo của ruộng đồng do chính mẹ làm ra. Cho dù, trong mảnh đất bạc màu ấy không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ thấm đẫm chan hòa, từ ruộng cạn đến đồng sâu nơi nào cũng có những dấu chân chai sạn của mẹ hằn in. Mẹ phải vật lộn, phải oằn lưng cày xới để trả nợ cho đời đói nghèo cam khổ cứ bủa vây vay trả trả vay mãi không thôi. Con biết, mẹ đã gồng gánh đời con đi qua những tháng ngày lận đận, đói ăn, thiếu mặc, lại thêm miệng tiếng thế gian xoay chuyền trăm bề! Con biết, mẹ đã ngậm ngùi nuốt từng giọt nước mắt mặn chát như vắt kiệt đời mẹ dành cho con. Con thấm thía với ý nghĩa câu hát dân gian ở quê nhà “bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”...
Làm sao con quên được, ngày mẹ chuyển kiếp nhân sinh ra người thiên cổ. Vì nhân duyên cách trở, con không được may mắn diễm phúc nhìn thấy hình hài mẹ lần cuối, bởi cỗ áo quan vô tình kia đã đóng chặt hình hài mẹ từ bao giờ. Con của mẹ là đứa bé dại khờ, măng tơ chỉ biết vật vã khóc than một cách yếu đuối vô vọng, như chính tâm hồn con trẻ “ăn chưa no lo chưa tới”. Giờ đây, chắc mẹ đang “ngậm cười” ở bên kia thế giới, khi biết con của mẹ đã đi qua những tháng ngày phiêu dạt, gặp duyên lành đã thành người tử tế, xóa phận đời đắng chát qua đi.