Nhớ mùa Trung thu cũ

GNO - Một mùa Trung thu nữa lại về. Bước ra phố trong đêm, tôi choáng ngộp vì ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng. Hai bên vỉa hè, người người bày biện  gian hàng bánh Trung thu nhan nhản. Trẻ con thành thị tụm năm tụm bảy xách đèn lồng điện tử nói cười nhốn nháo.

Tết Trung thu ngày xưa không như bây giờ. Những chiếc đèn lồng điện tử chẳng thể nào có trong quá khứ. Hồi ấy, trẻ con chỉ chơi đèn lồng do chính tay mình làm lấy. Đứa giàu nhất xóm cũng chỉ mua đèn lồng thủ công ngoài chợ.

trung thu.jpg


Ảnh minh họa

Ngày ấy cứ mỗi lần sắp đến ngày Trung thu là trẻ con trong xóm nhốn nháo. Sau những buổi tan học, đứa nào cũng đi tìm thanh tre khô đem về nhà chuốt mỏng. Bước kế tiếp là đi mua keo dán, dây thun, giấy kiến và một số phụ kiện cần thiết khác.

Nói thì dễ, nhưng tiền luôn là vấn đề nan giải. Những đứa con nhà khá giả thì tiền với chúng chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn như tôi thì lại là chuyện to lớn vô cùng. Vì vậy tôi thường phải để dành tiền quà cả tháng để đầu tư vào món đồ chơi cho đêm Trung thu.

Trẻ con xóm tôi đứa nào cũng có thể làm đèn lồng. Ngay từ nhỏ chúng đã quen với món đồ chơi dân dã này nên học từ đàn anh, và rồi tự làm lấy. Đèn lồng có muôn hình vạn trạng, nhưng chúng tôi chỉ làm đèn ông sao. Nó khá đơn giản nên đứa nào cũng có thể làm được. Chỉ có những đứa khéo tay mới nghĩ đến việc làm đèn hình cá chép, búp sen, bươm bướm… Những chiếc đèn lồng cầu kỳ như thế đòi hỏi phải mất cả tháng mới hoàn thành.

Nhiều khi làm một mình nản, chúng nghĩ đến việc hợp tác để làm một chiếc lồng đèn cá mập to hoành tráng. Những thằng lười biếng thì chỉ nhặt một vỏ lon bia đem về, dùng mũi dao nhọn rọc sóng dọc theo chiều thẳng đứng, sau đó ấn nhẹ xuống cho có độ cong là có ngay chiếc đèn lồng trái châu xinh xắn. Nó tiện lợi hơn bất cứ chiếc đèn lồng nào khác vì do bằng nhôm nên không bị cháy rụi. Dù vậy nó vẫn bị gán hai chữ “lười biếng” cho “ông tướng” nào xách đèn lồng đó.

Chúng tôi chơi Trung thu trước ngày rằm tháng Tám ít bữa. Đêm đến, bọn trẻ cả xóm nhộn nhịp như hội chợ Tết. Dưới ánh trăng chiếu sáng, từng tốp cầm lồng đèn dạo quanh khắp xóm, hát ca, nô đùa. Đây cũng là dịp để trẻ con chúng tôi so sánh tài khéo tay với nhau. Nếu làm đèn lồng đẹp, được bạn bè ngưỡng mộ, chúng sẽ nối đuôi theo sau tung hê, reo hò.

Người lớn cũng tham gia cuộc vui này. Họ đốt lửa trong đêm, bỏ tiền mua ít bánh kẹo phát cho chúng tôi. Đứa nào cũng muốn tranh phần hơn, tay xách đèn, tay giành quà nên đôi khi nến trong đèn lồng phát cháy. Cuộc vui thường kéo dài đến khuya. Mải cho đến khi ông trăng ẩn vào mây, chúng tôi mới tắt nến xách đèn quay về nhà.

Nhớ những năm mưa rơi như trút nước vào mùa Trung thu, trẻ con chúng tôi cụt hứng, đốt đèn treo trước nhà và ngồi ngắm mưa. Có đứa quay quần cùng gia đình ăn bánh dẻo, uống nước trà và xem ti-vi. Còn tôi, ngồi bó gối trước thềm, ngước lên nhìn trăng và cầu mong sau này ba mẹ làm có tiền, để mỗi năm tôi đều được ăn bánh Trung thu.

Nhà đốt đèn dầu loe loét, lại gặp phải cơn mưa nên muỗi tràn vào nhà như dân tị nạn. Ba mẹ lặng lẽ ra ngồi ngoài hiên cùng tôi. Cả gia đình ngắm trăng mắc nước, nghe chẫu chàng hát và đưa tay đập muỗi không ngừng. Chỉ thế thôi nhưng tôi thấy lòng ấm cúng, lâng lâng.

Rồi những mùa Trung thu sau đó, chúng tôi lớn dần. Đám trẻ con trong xóm ngày nào giờ ra dáng trưởng thành. Chúng tôi chuyển lên trường huyện, trường tỉnh rồi vào đại học. Những chiếc đèn lồng ông sao, cá chép, bươm bướm bỏ lại làng quê.

Mỗi đứa một nẻo, quẩn quanh trong thế giới xô bồ của thị thành để kiếm tìm hạnh phúc. Một hạnh phúc tân thời cho những đứa trẻ hiện tại và tương lai với chiếc lồng đèn điện tử sặc sỡ. Những chiếc lồng đèn vô hồn, lạnh nhạt như những viên pin. Nó là biểu tượng của trí óc nhưng lại lười đi trên những đôi tay. Bồi hồi nghĩ về Trung thu ký ức, chợt thương làm sao những chiếc đèn lồng thủ công.

Đặng Trung Thành

* Bài viết là chia sẻ riêng, văn phong của tác giả đang sống và làm việc tại Bình Chánh, TP.HCM. Mời bạn chia sẻ những góc nhìn cuộc sống, mang tính thời sự, qua nhãn quan Phật giáo. Hoan hỷ gửi bài về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày