GN - Trên cuộc đời với muôn ngàn lối rẽ, để chọn cho mình một hướng đi đúng là điều mà nhiều người mong muốn. Trong cuộc xô đẩy của dòng đời, cũng có không ít người có nghị lực vươn lên khi vấp ngã.
Từ một con nhang hầu đồng ….
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê miền sơn cước thuộc khu phố Đồng Tâm, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nơi mà Phật pháp giống như một cái gì đó quá xa vời mà chị Lê Thị Hồng chẳng bao giờ biết đến. Nơi này, những hủ tục ma chay được duy trì bởi các thầy mo và răm rắp làm theo những lời phán của các “cô đồng cậu bóng”.
Năm 21 tuổi, chị Lê Thị Hồng bị một cơn bệnh nặng tưởng đã không thể qua khỏi, bao nhiêu thuốc thang dường như vô hiệu. Trong lúc quẫn trí nghe ai bảo gì thì làm nấy, chẳng cần biết là đúng hay sai. Và định mệnh đã đưa chị đến các phủ và đền để rồi nghe sự hướng dẫn của “thầy Tám”, “thầy Ba” phán bảo chị có “căn tứ phủ” và được “cô Ba”, “cô Chín” độ mạng. Kể từ đó, chị đã đến các phủ, các đền với những cuộc hầu thâu đêm suốt sáng, người chồng vì thương vợ nên cũng lặn lội tháp tùng đưa vợ theo mỗi khi các cô, các cậu phán bảo đến chỗ này, chỗ khác để cúng bái.
Rồi cuộc đời rẽ sang một hướng khác, một cơ duyên khi chị gặp vị thầy thuốc Đông y và được ông hướng về với đạo Phật. Ban đầu, chị cũng ngỡ ngàng và ngạc nhiên với một tôn giáo mới lạ mà mình chưa bao giờ được nghe nhưng sau đó được một người bạn cùng xóm dẫn đến chùa Giáng (Tường Vân tự) tại thị trấn Vĩnh Lộc để làm công quả vào các ngày lễ, Tết. Từ đó, chị có cơ hội tìm hiểu và tiếp thu Phật pháp qua sự hướng dẫn của chư Ni.
Tìm về với ánh sáng Phật pháp
Trong một lần cùng những người bạn đến chùa Hương (Hà Nội) để hành hương vào dịp Tết, khi vào động Hương Tích, chị nhìn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm mà bảo với mọi người rằng,
|
trong mơ mình hay thấy người này về khuyên mình nên hồi đầu hướng Phật nhưng chẳng biết đó là ai, nay mới biết chính là Bồ-tát. Từ đó, niềm tin sâu đối với Tam bảo trong chị càng trỗi dậy mãnh liệt.
Rồi như một thói quen, hàng tuần chị theo những người bạn đạo vượt hàng trăm cây số về với đạo tràng Trúc Lâm Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa) để nghe pháp, học hỏi giáo lý và tu tập. Dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, chị dần hiểu hơn về con đường mình đang đi và phát tâm quy y Tam bảo với TT.Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc) và được thầy bổn sư ban cho pháp danh là Chân Từ Hàng. Và cũng từ đây, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị trở thành ngôi Niệm Phật đường để những người bạn đạo quanh xóm quay về tu tập trong những ngày 30, mùng một, 14 và rằm.
Cuộc sống bình lặng trôi qua nếu như không có biến cố vào cuối năm 2012, chồng chị bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông. Sự bàn tán của xóm giềng và cả gia đình bên chồng đã khiến chị rơi không ít nước mắt, nỗi khổ đau vì người thân qua đời, thêm sự dị nghị của người xung quanh tưởng như chị không thể đứng dậy nổi. Nhưng nhờ sự động viên của chư Tăng Ni và những người bạn đạo, chị hiểu hơn về giáo lý vô thường Đức Phật đã dạy, Phật tử Chân Từ Hàng đã bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, thành tâm cầu nguyện thông qua câu kinh, tiếng kệ để hồi hướng cho người chồng quá cố và cố gắng nhẫn nhịn sống, nuôi dạy hai con.
Cuối cùng, điều kỳ diệu và nhiệm mầu của Phật pháp đã đến khi tuần 49 ngày của chồng chị diễn ra, mọi người thân đều tập hợp về và được lắng nghe những lời dạy của chư Tăng Ni. Họ đã dần hiểu ra và cảm thông cùng chị. Có lẽ, chính họ cũng đã có nhân duyên với Phật pháp từ nhiều đời nên khi nghe những lời pháp vi diệu, họ đã nhận ra hướng đi mới cho cuộc sống. Họ không còn trách hờn “tại vì chị đi chùa, theo Phật nên chồng chị mới mất”.
“Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”, những con người hiền lành bình dị ở đây đã được ánh sáng Phật pháp cảm hóa và cuối cùng được trở về con đường hiền thiện. Từ đây, kinh kệ và thực tập thiền quán không còn xa lạ với họ nữa. Niềm ao ước lớn nhất của những người Phật tử nơi miền sơn cước này là mong muốn có một ngôi chùa và chư Tăng Ni để hướng dẫn tu học. Riêng bản thân của Phật tử Chân Từ Hàng, chị luôn thầm cảm ơn ánh sáng Phật pháp đã giúp chị vượt qua bao thăng trầm của cuộc đời và vững niềm tin nơi cuộc sống.