Nhớ thi sĩ Bùi Giáng

GN - Chiều cuối năm, ngồi bên bờ sông trước hiên nhà, ngắm nhìn ánh nắng vàng nhẹ buông mềm mại như tà áo lụa phơi trải xuống dòng sông quê, nắng chầm chậm đổ bóng như lưu luyến trong giây phút chia xa cuối ngày, lòng tôi rưng rức nhớ biết bao nhiêu điều kỷ niệm bất chợt ùa về ngập tràn trong tâm tưởng. Ơi dòng sông gắn bó máu thịt đời tôi với tuổi thơ một thời bơi lội tắm sông rong ruổi đuổi chim bắt cá, những ngày thả diều nô giỡn cùng những đứa trẻ mục đồng trên những bãi bờ cỏ non...; rồi lớn lên với tháng ngày cắp sách đến trường làng, trường huyện. Những buổi chiều về chạy ùa xuống sông bên nhịp cầu Cẩm Lệ ngồi ngắm những chuyến đò ngược xuôi về bến. Những đêm giao thừa ngồi thức quanh bếp lửa canh nồi bánh tét cùng bè bạn râm ran câu chuyện và nghe tiếng củi lửa tí tách reo cười, tiếng pháo nổ đì đùng, những chú chó, chú mèo cong đuôi chạy ùa ra cánh đồng trống trải.

Thi si Bui Giang.jpg

Buổi chia tay thi sĩ Bùi Giáng ở Sài Gòn 1995 trước lúc về quê

Chiều 30 tết xúm xít cùng nhau bên ly rượu cuối năm cùng dăm người thân bên láng giềng mà thấp thỏm chờ những người bạn đi xa không biết có về kịp tết nay không? Trầm lắng nhìn xuống dòng sông và ngồi ngắm những đóa thọ vàng bên hiên nhà nở hồn hậu, tươi tắn sắc màu như ngầm chờ một nàng xuân sắp đến, bỗng dưng tôi lại dậy lên một niềm xúc cảm khó tả, một nỗi nhớ mênh mang đến vô bờ. Nhớ bạn và chờ một nàng xuân:

Em là chị, em là anh
Em là con gái mang tên con người.
(Màu hoa trên ngàn - Bùi Giáng)

Nhắc đến người em gái thơ mộng một bờ thanh thiên mùa xuân là nhớ đến một hồn thơ đất Quảng là thi sĩ Bùi Giáng (Duy Hòa, Duy Xuyên, Quảng Nam - 1926 - 1998) người đã mở ra mùa xuân thi ca trong cõi người ta cho quê nhà cố quận và khắp cùng thiên hạ:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
(Mưa nguồn - Bùi Giáng)

Bùi Giáng - người thi sĩ xuân thu cổ độ đã tha phương cố quận chan hòa, đã rời xa xứ Quảng đi biệt chưa về kể từ mấy chục năm ròng mà ông chưa từng về thăm lại quê xưa. Tâm hồn ông là cả một phương trời quê nhà nguyên thủy và xuân về Tết đến, cuộc đi và cõi về của ông là nhịp điệu đề huề rỗng rang thơ túi rượu bầu, ngao du ngày tháng:

Tết về Tết ở Tết đi
Tết từ ba bận Tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về.
                                         (Bùi Giáng)

Thi sĩ Bùi Giáng thể hiện trong thơ và trong cuộc đời ông là cả một mùa xuân bất tận, là Màu hoa trên ngàn với mưa nắng bốn mùa, đất đá cỏ cây, chuồn chuồn châu chấu, con người, ngựa xe… tất cả đều hiện thể là mùa xuân vui vẻ thập thành. Thơ ông là cả một tâm tình tha thiết với mùa xuân nguyên vẹn, nguyên sơ của đất trời và của lòng người. Đó là tâm xuân, là mùa nguyên xuân. Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra (Nguyễn Du):

Tình tôi xuân thắm thiết tha
Bốn mùa xuân tất cả là xuân luôn.
(Bùi Giáng)

Mùa xuân đang đến với Cẩm Lệ quê tôi - một chốn nơi hiền hòa, bình dị. Ngồi lại cùng nắng chiều cuối năm nhìn khói bếp nhà ai tỏa lan, ôm ấp những mái nhà, lòng lặng thầm ngắm mùa xuân đang đến với mọi người. Ngoài kia cỏ cây sông núi đang thắm nhuần hương trời sắc đất mùa xuân. Lòng tôi càng xao xuyến tơ chùng nhớ tới người xưa, nhớ bạn bè gần xa và cảm xúc dạt dào cùng anh em Bên hiên chiều Cẩm Lệ:

Cuối năm ngồi với nắng chiều
Quê hương chén rượu ai người tri âm
Thọ vàng dăm đóa ngoài sân
Hương thời gian thoảng thương gần nhớ xa.
(Dạ Tịnh)

Cẩm Lệ xưa là một làng quê của huyện Hòa Vang thuộc phủ Điện Bàn nay là một quận của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây là ngã ba sông, điểm gặp gỡ của sông Thu Bồn - Vĩnh Điện, sông Cẩm Lệ và sông Hàn. Mỗi ngày những chuyến ghe bầu ngược xuôi lên nguồn xuống biển. Cẩm Lệ với sông nước dịu dàng như chiếc nôi ru, bốn mùa xanh thắm nước mây hòa điệu sắc màu. Nhịp cầu Cẩm Lệ soi bóng như chiếc lược ngà cài trên mái tóc duyên dáng người thục nữ. Dòng sông với đôi bờ gần gũi, có bến đò sớm chiều cần mẫn đưa đón người qua sông đi chợ, đi làm việc công sở cùng những tà áo trắng tới trường. Cứ thế, tiếng nói cười, tiếng gọi đò vang động trên sông làm rộn rã một bến quê từ lúc tinh mơ cho đến tận đêm khuya:

Gọi đò tiếng nhạn kêu sương
Bóng ai lữ khách đêm trường nhớ quê.
(Nguyễn Nhứt )

Cẩm Lệ quê tôi có nhiều chùa cổ, đình làng, miếu lăng, cây đa bến đò… cùng những cây cổ thụ tỏa bóng mát xuống những con đường đất quanh xóm thôn. Hàng năm diễn ra nhiều lễ hội đặc trưng của một vùng miền trong nền nếp cội nguồn văn hóa lúa nước cổ truyền của người Việt. Tất cả đã khắc sâu trong tâm trí tuổi thơ tôi như chùa Thọ Quang, đình Lỗ Giáng, cồn Lăng Ông… cùng Lễ hội Thần nông - Hòa Xuân, Lễ hội Mục đồng - Hòa Châu…

Hòa quyện cùng bao thanh âm sống động đời thường là tiếng chuông chùa sớm khuya như gõ vào cánh cửa tâm hồn xua tan những hỗn tạp ta bà để chắt lọc chút dịu êm giúp đời thêm tươi mát.

Tiếng gọi đò qua sông, tiếng nhạn kêu sương, sông nước êm đềm với ngày tháng nhẹ nhàng trôi trong tiếng chuông chùa ngân nga là thông điệp yêu thương như lời thơ trong tập “Mưa nguồn” của Trung Niên thi sĩ nhắn nhủ:

Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
(Mưa nguồn - Bùi Giáng)

Tà áo xanh là tà áo xuân. Tà áo lụa phơi trải xuống dòng sông Cẩm Lệ quê tôi với đời sống dân dã, thanh bình, bốn mùa thơm lúa ngô khoai, có bãi rau La Hường, có ngôi trường làng, có ngõ chợ quê, có hàng tre xanh soi bóng xuống bờ sông trưa hè.

Ngày xưa, quê tôi có thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng gần xa, nay lại có bánh khô mè, bánh tráng cuốn thịt heo mà khách lữ đường xa một lần ghé về thưởng thức sẽ rất khó quên. Cẩm Lệ quê tôi là vậy, một làng quê hiền hòa, có đồi núi Hòa Cầm với dòng sông trước mặt mở ra cung đàn hòa ngân tiếng hát, câu hò chan chứa trữ tình trong điệu ru bao dung của tình cha nghĩa mẹ:

Thương cha mẹ một đời hai vai trĩu nặng
Quang gánh mùa xuân đi rải những con đường.
(Miên Long)

Dòng sông Cẩm Lệ với đôi bờ, bờ Bắc và bờ Nam. Nhà tôi ở bờ Bắc và tôi chèo thuyền qua quê ngoại của mình bên kia sông mà tôi thầm gọi là phương ngoại. Tôi về đây ở một thời gian dài, không gian nơi đây bên bờ Nam sông Cẩm Lệ thấm đẫm chất xưa, là một làng quê với ruộng lúa bờ tre, vườn cà liếp cải… Vườn nhà ngoại tôi với một gian nhà cổ ẩn trong một khu vườn ven sông lắm cây nhiều trái, góc vườn có một Quan Âm các có 5 ngọn núi Ngũ Hành sơn mở ra trước mặt và dòng sông êm đềm chảy trước hiên nhà cùng những cây mù u cổ thụ quanh năm soi bóng xuống dòng sông yên ả, thanh bình. Thời đó có những bạn bè khắp nơi về tụ hội, những nghệ sĩ ngao du, những tâm hồn rộng mở đã cùng nhau ngồi uống trà đàm đạo từ lúc tinh sương hay những buổi chiều vàng nhẹ buông ngắm mây trời bảng lảng.

Trong đó nhớ nhất là thi sĩ Trần Đới, người thường mắc võng bên thềm sông hay bên hiên Quan Âm các với gương mặt phương phi, nhàn nhã và phong cách nhẹ nhàng như một Tiên ông :

Qua bờ thực tại là đây
Giữa con giữa đá giữa cây lá về
Bốn bề thăm thẳm muôn bề
Vẫn trong giọt nhựa Bồ đề trong con.
(Trần Đới)

Về đây để lắng hồn nghe tiếng thơ, tiếng hát của dòng sông quê hương. Ở đó, nhà ngoại tôi, ngôi từ đường như một khu vườn thơ, vườn thiền yên tĩnh, con người dễ hoà điệu với thiên nhiên. Vào những đêm trăng rằm cùng bạn bè thân hữu, chúng tôi chèo thuyền trên sông cùng đàn ca sáo thổi, ngâm thơ, hát hò thâu đêm:

Ta về trăng cũng về theo
Đò nghiêng nước chảy bước chèo chống qua
Đôi bờ sương đọng cỏ hoa
Bàn chân khuya chạm bao la đất trời.
(P. Thư Cưu)

Cẩm Lệ với những buổi chiều thật đẹp, thật thơ mộng, nước mây kỳ ảo lay động lòng người. Buổi chiều khói lam từ bếp nhà ai tỏa kín đôi bờ sông quyện lấy những bờ tre ruộng lúa như nhịp thở yêu thương, dịu dàng như chiếc nôi ru. Quê nội tôi là Hòa Xuân, quê ngoại Hòa Châu hợp thành Xuân Châu. Từ đó Cẩm Lệ - Xuân Châu là mùa xuân nguyên khởi, là nguồn cảm hứng thi ca đi suốt đời tôi:

Qua Xuân - Châu thấy trời xanh
Một vùng sông nước long lanh cung đàn
Bờ tre ruộng lúa mơ màng
Nước non hòa quyện mang mang đất trời
Ta về rũ áo rong chơi
Vui cùng cây cỏ nói cười với sông
Tịnh tâm là đóa hoa hồng
Ý thành tâm nguyện cánh đồng tâm linh
Lời thơ ý nhạc câu kinh
Về đây hòa khúc tự tình vô ngôn
Giong thuyền qua một dòng sông
Cười lên một tiếng tỉnh hồn ngàn năm.
(Nguyên Quang)

Chiều cuối năm, ngồi bên hiên nhà cùng với những người bạn thân thiết biết bao chừng, những người cùng sinh ra và lớn lên với dòng sông quê nhà, lòng bồi hồi khôn tả. Vậy là một năm nữa sắp trôi qua! Bao nhiêu buồn vui tan theo dòng nước. Dòng đời như nước chảy qua cầu! Tịnh tâm nâng chén cùng bè bạn, ký ức tuổi thơ bơi lội trên sông hiện về hồn nhiên trong trẻo như giọt nắng đầu xuân.

Lặng lẽ ngắm những đóa thọ vàng, những bông cúc trắng mà quá đỗi bâng khuâng. Chợt nhớ, nhớ lắm một chiều cuối năm ở Sài Gòn, trước lúc lên đường về quê ăn tết, tôi tìm đến thăm và cũng để chia tay thi sĩ Bùi Giáng. Sau vài ly rượu gạo, đôi câu không đầu chẳng cuối, ông nhìn tôi với đôi mắt xa xăm như hoài niệm quê nhà:

Mai mi về ngoài nớ? Tôi dạ và hỏi lại:

Bác có nhớ quê mình không? Ông im lặng hồi lâu rồi cất giọng trầm buồn:

Nhớ, nhớ cháy cả ruột gan! Nhiều lần ta định bụng về thăm, nhưng ta chẳng có quà gì, về tay không cũng ngại...

Tôi quá xúc động chẳng nói được nên lời. Chợt ông hỏi giấy bút để viết vài dòng gửi gắm đôi lời thăm hỏi đến anh em, bà con ở quê nhà:

 Anh em xứ Quảng, Đà thành
 Có còn vui vẻ thập thành mừng xuân
 Kể từ bốn chục năm ròng
 Giáng chưa có dịp về thăm quê nhà
 Đôi dòng chúc tụng thiết tha
 Xót vì thơ mộng mà ra phụ lòng
(Thư xuân gửi anh em xứ Quảng,
Đà thành -1995 - Bùi Giáng)

Phụ lòng mà tự nói ra, tự trách mình như ông kể cũng hiếm lắm thay!

Thôi thì cảm ơn trời đất, cảm ơn mùa xuân, vì rằng mình có được cái may mắn một đời còn gắn bó bên dòng sông quê - dòng sông Cẩm Lệ. Ơi Cẩm Lệ! dòng sông chảy mãi trong tôi một đời tha thiết. Là cội nguồn tâm tình là mùa xuân suốt đời tôi.

Cơn gió chiều cuối năm khẽ lay động cành mai như bàn tay vẫy chào. Những đóa hoa mai tươi thắm đang nở nụ cười duyên đón chào mùa xuân:

Thưa rằng: nói nữa lại sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.
(Mưa nguồn - Bùi Giáng)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày