Nhớ về thảm họa

Giác Ngộ - Ngày 11-9 vừa qua trở thành ngày đặc biệt được giới báo chí trong và ngoài nước khắc họa đậm nét, bởi đó là một dấu mốc lưu lại hai sự kiện, cũng là hai thảm họa từ nước Mỹ và Nhật Bản.

>> Tính cách Nhật Bản: Tự nhận biết số phận và được rèn luyện theo Phật giáo

Sự kiện thứ nhất là kỷ niệm 10 năm (11-9-2001 – 11-9-2011) vụ khủng bố ở Mỹ, phe khủng bố đã dùng hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại NewYork làm khoảng 3.000 người chết, tàn phá nhiều tài sản...

248_my.jpg

Sự kiện ngày 11-9-2001 chấn động toàn cầu

Chúng ta thường nghĩ rằng hòa bình là sự vắng mặt của chiến tranh, rằng nếu các quốc gia hùng mạnh sẽ giảm các kho vũ khí vũ khí của họ thì chúng ta có thể có hòa bình. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào các loại vũ khí, chúng ta thấy rằng vũ khí nằm trong tâm trí của chúng ta, trong thành kiến ​​riêng, nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết.

Ngay cả khi chúng ta vận chuyển tất cả các quả bom lên mặt trăng thì gốc rễ của chiến tranh và gốc rễ của những quả bom vẫn còn đó, trong trái tim và khối óc của chúng ta, và sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ tạo những bom mới.

Hoạt động cho hòa bình chính là phải nhổ gốc rể của chiến tranh từ chính trong chúng ta và từ trái tim của con người.

HT.Thích Nhất Hạnh

Và quan trọng là từ sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về khủng bố, an ninh của chính trường Mỹ và đã thổi vào trong lòng người dân thế giới một nỗi nghi ngại, lo sợ về vấn nạn khủng bố, đánh bom liều chết…

Đồng thời, sau sự kiện ngày 11-9-2001, tất cả các sân bay trên thế giới đều có chung một nỗi lo đó là an ninh hàng không phải được thắt chặt hơn.

Sự kiện thứ hai đó là kỷ niệm 6 tháng kể từ ngày xảy ra trận động đất - sóng thần ở Nhật Bản (ngày 11-3-2011) làm hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Nỗi lo về phóng xạ từ những nhà máy điện nguyên tử (vốn được xem là hiện đại bậc nhất của Nhật cũng như của thế giới) đã làm cho nhiều người quan ngại về sự hiện đại hóa, về sự phát triển loại năng lượng có chứa nhiều nguy cơ này.

Dấu chấm hỏi từ câu chuyện của Nhật cũng là những bài học kinh nghiệm nhãn tiền mà các nước, trong đó có Việt Nam đặt ra để học hỏi, để vận dụng vào trong các chính sách phát triển kinh tế gắn liền với công nghệ mới, năng lượng mới…

Cả hai sự kiện mà tôi vừa nêu đều mang lại những hậu quả tệ hại to lớn kéo dài nhiều năm, trong đó tổn thất tinh thần không thể nào đo đạc được. Cả thế giới bàng hoàng trước những sự kiện thuộc về thảm họa mà tất cả được đào xới nguyên nhân từ… con người. Bởi lòng tham, bởi lòng thù hận… đã đẩy đưa con người vào đường hiểm.

Những góc nhìn cận cảnh, những phân tích về tác động từ vụ 11-9-2001 được các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng như giới báo chí gợi mở nhưng rồi điều mà người ta rút ra vẫn là: sự bất ổn từ chính con người đã dẫn đến những hành động cực đoan, thái quá, làm cho toàn cầu trở nên bất ổn. Chẳng thế mà có tác giả trong Giác Ngộ số 606 đã bày tỏ góc nhìn: Xã hội đang “nóng” lên vì bạo lực!

Triết lý “Tâm bình thế giới bình” lại có luận chứng, luận cứ để chứng minh. Rõ ràng, từ vụ 11-9, hàng loạt những điểm nóng liên quan đến Hồi giáo cực đoan đã xảy ra những cuộc đánh bom tự sát, và những kẻ thực hiện hành vi vốn là những người được nhồi nhét bởi suy nghĩ “tử vì đạo” hoặc vì “chánh nghĩa” nhưng thực tế là họ đã và đang gây ra quá nhiều bất ổn cho xã hội.

Cuộc sống hiện đại ngỡ là sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn nhưng do tâm con người chứa nhiều bạo động, thích bạo lực, hành xử với nhau bằng bom mìn, súng đạn nên đã phá vỡ đi sự bình yên từ tâm đến cảnh. Bài học ấy từ vụ ngày 11-9 cũng như hàng loạt những cuộc đánh bom khủng bố, chiến tranh trên thế giới đã và đang diễn ra không biết có được nhắc nhớ từ những thảm họa như đã nêu trên?

a_sau1.jpg

Một bé gái đứng giữa những cây nến cầu siêu cho các nạn nhân động đất - sóng thần - Ảnh: Reuters

Còn sự kiện ngày 11-3 tại nước Nhật lại là một bài học khác về việc đối diện với thiên tai và cả giải quyết hậu quả của thiên tai. Ở đó người ta không quên nhắc đến tinh thần Nhật Bản, tinh thần bi-trí-dũng tương đồng với cốt cách nhà Phật mà chúng ta đã từng ngợi ca sau khi trận động đất, sóng thần lịch sử vừa diễn ra ở Nhật.

Thế giới thán phục và ghi vào tận sâu trong tâm khảm mình bài học nhường nhịn, kỷ luật, ngăn nắp, lạc quan… ngay cả khi đối diện với cái chết, với đói rét và nhiều thứ khác thuộc về phần người trong chính những con người giống mình.

Và chắc chắn không ít người cũng đã hổ thẹn tự hỏi: tại sao người Nhật hay thế mà mình thì không được, ngay cả khi mình là Phật tử?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày