Như hoa thầm lặng

GN - Hơn bốn năm trước, một lần từ Huế vào Đà Nẵng chị gọi và báo sẽ đến thăm tôi vì “có chút việc”. Từ cuộc gặp giữa bốn người với “quà ở xa” là mấy trái bắp luộc, ý tưởng hình thành một cơ sở chữa bệnh miễn phí cho người nghèo đã được “vất vả lo toan”.

Trong một bài viết của nhà báo Lê Anh Dũng về những “nỗi niềm”trong việc vận động thành lập, có đoạn rất thực: Thiên tai gắn với hậu quả chiến tranh làm cho người dân Đà Nẵng gánh chịu nhiều bệnh tật, có những bệnh nan y mà người dân nghèo phải bán mọi tài sản, chạy vạy, vay tiền để vào chữa trị ở các bệnh viện chuyên ngành tại TP.HCM, Hà Nội…

2-Lễ khánh Arnh1-thành.JPG


Lễ khánh thành Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa

Khi ấy, không phải là không có tiếng cười… nhạo: Không có đồng nào mà lại “điên đảo mộng tưởng”trước chuyện phải tốn bạc tỷ! Nhưng cũng ngay trong cái buổi đầu khó khăn ấy, đã có những tấm lòng: ông Lê Gia Thích với 60 triệu đồng, anh Cư 30 triệu đồng và những người khác nữa...

Ngày 24-4-2011, tại Trường Đại học dân lập Duy Tân, Ban vận động ra đời, gồm 60 người, trong đó có những “cốt cán” như bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, thầy Thích Thế Tường, lương y Phan Hồng Long, các ông Huỳnh Văn Hoa, Huỳnh Hữu Trân, Nguyễn Bình Minh, chị Lê Thị Nguyện, Huỳnh Thị Hải Vân và nhiều thiện nguyện viên khác…

Hơn một năm sau, Ban vận động xây dựng Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa (NĐDTTSH) có thêm nhiều nhân sự mới như các lương y Huỳnh Sự, Phan Công Tuấn và nhiều thành viên khác…Ông bà Nguyễn Phước Hùng - Phạm Thị Hồng, chủ doanh nghiệp Khu du lịch sinh thái Suối Hoa ở Phú Túc, Hòa Vang, Đà Nẵng đã hiến một phần đất và hơn 3,7 tỉ đồng để xây dựng NĐDTTSH.

Và tháng 5-2013, cơ sở này bắt đầu hoạt động, với tâm nguyện nuôi dưỡng chăm sóc những đối tượng bệnh nhân nghèo theo phương pháp dưỡng sinh OHSAWA kết hợp y học cổ truyền dân tộc trong thời gian cuối đời của họ. Nếu may mắn họ được thoát khỏi bệnh tật thì rất tốt. Nếu không, họ cũng được chăm nuôi tử tế, được an ủi tinh thần và sẽ ra đi thanh thản trong ngôi Nhà tình thương ấm áp tình người.

Điều đáng nói là tất cả các thành viên trong ban điều hành đều không ai nhận bất cứ khoản tiền gì, chỉ có sự cống hiến không vụ lợi.

Giờ đây, NĐDTTSH đã có 48 phòng, trong đó 40 phòng chữa bệnh gồm 80 giường bệnh. Đến cuối năm 2013, cơ sở từ thiện này đã khám và chữa trị cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân, phần lớn là những bà con sinh sống tại địa phương và đồng bào dân tộc Cà-tu. Rồi tiếng lành đồn xa: một số người ở Quy Nhơn, Sài Gòn cũng đã tìm đến…

*

Riêng tôi, thì xin phép được “ngẫm ngợi”, rằng, giữa lúc những cái xấu đang “ngập úng”, chẳng lẽ lại không cần nói về cái tốt? Ấy là, sơ lược về những con người mà đầu tiên phải nhắc đến là bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, người nêu ý tưởng và là trụ cột của việc hình thành cơ sở từ thiện này, dù tôi biết, giờ đây khi đã quá cái ngưỡng thất thập nhi tòng sở dục bất du củ (*), chị không muốn nói về mình.

Sau năm 1975, chị tiếp tục đảm đương công việc của một bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện lớn. Rồi hơn hai mươi năm qua, chị đã gây dựng được hai cơ sở như thế, trong đó có một cơ sở tại chùa Diệu Hạnh (TP.Huế). Là một bác sĩ Tây y được đào tạo bài bản và có thêm mấy mươi năm trong nghề nhưng chị đã tìm về phương pháp dưỡng sinh theo nhà thực dưỡng người Nhật Ohsawa. Cái “hướng” này rất phù hợp với điều kiện chữa trị của những người ít tiền: gạo lứt và muối mè là bài thuốc căn bản và dài lâu trong việc duy trì sự sống, chống lại bệnh tật.

1-BS.Phạm thị Xuân Quế.jpg
Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế

Ấy là, thầy Đức Vân, người đã rời bỏ những tiếng động phố phường để lên đây, ngày đêm chăm sóc người bệnh với đôi tay dung y từ mẫu / lắng lòng nghe nhịp gõ từ tim, như “miêu tả” của một nhà thơ nữ… Ấy là lương y Huỳnh Sự, Phan Công Tuấn và những đồng nghiệp mỗi tuần ba lần lên đây làm việc miễn phí. Ấy là chú Trí, là chị Quyền, là cháu Định và cả những bệnh nhân như Hưng, như Nghiêm, như cô Día người dân tộc Cà-tu… ngày ngày bền bỉ qua những việc làm thầm lặng mà không thể thiếu với mong muốn giúp được chút gì đó cho những người cô đơn nghèo khó. Ấy là cả cháu Tí 14 tuổi đến đây “học đạo” để về hướng dẫn cho những bà con Cà-tu nghèo khổ của mình…

Thực ra, giữa cái tên của một cá nhân và việc làm của người ấy, cũng khó mà có một sự… khu biệt: hành động là sự thể hiện của bản chất, chẳng phải sao?

*

Có công việc từ thiện nào mà không mang tính xã hội, luôn “kêu gọi” sự chung tay của tất cả mọi người, nhất là trong bước “khởi đầu nan”? Trong lần trò chuyện mới đây, những người “chung tay” cho cơ sở này đang lo sao cho có được nguồn điện ổn định (với “con số” không nhiều lắm là 100 triệu đồng). Mong sao có thêm những tấm lòng nhân ái đến với cái nơi “heo hút” này và sẻ chia sự khổ đau của những số phận không may. Lẽ nào không tin vào truyền thống của dòng tộc Việt, vốn bền chặt với tình cảm “người trong một nước”?

*

Khám bệnh-Nhà TT SHoa.JPG


Khám bệnh tại Suối Hoa

Lên Suối Hoa vào một ngày trời âm u; ban đêm, gió núi vẫn ầm ào rền rĩ. Tự dưng lại hiện ra… câu kinh Thánh: “Phước cho những kẻ nghèo khó, vì sẽ được no đủ”. Vì sao? Bởi vì, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh vẫn còn có những tấm lòng đồng bào, những người hiểu nhân-quả là một định luật của vũ trụ như lời của một trong những người giàu nhất thế giới Henry Ford (1863-1947) người sáng lập Công ty Ford Motor: “Trên thế giới có nhiều người tin vào sự luân hồi. Một số chỉ tin một cách hời hợt mơ hồ, nhưng cũng không ít người hiểu luân hồi là một quy luật của sự sống, và quy luật ấy có ý nghĩa rất sâu xa”. Bởi vì… kinh Pháp cú cũng lại hiện ra; In the same way, with merit done / when from this world to another (Cũng vậy các phước nghiệp, Ðón chào người làm lành).

Từ Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa nhìn về hướng đồng bằng, đời sống hiện ra. Như những đóa hoa giữa núi rừng hoang dại. Như nụ cười. Thầm lặng. Và đang thầm lan. Trong sắc xanh của niềm hy vọng…

Xin phép được ghi thêm địa chỉ, để những người hằng tâm hằng sản biết mà chia sẻ, giúp đỡ những đồng bào bất hạnh: Nhà điều dưỡng tình thương, Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, thôn Phú Túc, Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, BS.Phạm Thị Xuân Quế - ĐT: 0927.559.695- 0994.311.799; hoặc thầy Thích Đức Vân - ĐT: 0120.7668.990.

Nguyễn Đông Nhật

________________

(*)  Ở độ tuổi 70 thì sống theo sở thích của bản thân nhưng không vượt ra ngoài lễ giáo (Luận ngữ).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày