Như ông bà nội, ngoại của mình...

GNO - Đó là những ông cụ, bà cụ mà tôi gặp trong chương trình Niềm vui bất ngờ lần 5 hôm chiều 26-1 và sáng qua, 27-1-2014 ở Quế Lộc và Sơn Viên (Nông Sơn, Quảng Nam).

Những khuôn mặt hom hem vì tuổi già, cũng như thời gian khắc nghiệt tô vẽ thành những nếp nhăn sâu hóm. Những mái tóc bạc phơ, đôi tay run run của các cụ cứ nắm chặt tay tôi trong niềm hoan hỷ, như gặp con cháu đi xa về, mà thương...

anh 4.jpg


Đến thăm và tặng quà cụ Phan Thị Bích Vân,
nhân vật trong bài "Bóng tùng" của con - Ảnh: Hà Thị Nuôi

Niềm vui bất ngờ lần 5 - năm 2014 tặng 50 phần quà, tới bà con nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi ở Sơn Viên và Quế Lộc (Nông Sơn, Quảng Nam) trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, tổng trị giá 15 triệu đồng do Phật tử, bạn trẻ trên Facebook chung tay yểm trợ.

Những đôi bàn tay xương xẩu chống gậy và những mái tóc lơ phơ tuổi già bạc thếch ấy làm tôi nhớ ngoại của mình, và thật sự xem các cụ như ngoại mình vậy. Lại gặp những câu chuyện na ná của ngày xưa ngoại kể, trong những ký ức chập chờn lúc nhớ, lúc quên. Có cụ 80, nhớ con trai chết trẻ rồi kể mà rưng rưng: "Chi mô, hắn mới có ba mươi, chưa dzợ, bịnh, cái chết ngang rứa đó".

Rồi có cụ thì nói: "Chừ già rồi, không biết mần chi ăn, chờ tiền trợ cấp hàng tháng của người già thôi... thầy ơi (cụ thấy tôi đầu ít tóc, lại đeo tay nải nên tưởng nhà sư - NV)".

Tiền già mà cụ nói là số tiền 180.000 đồng nhà nước dành cho các cụ 80 tuổi trở lên, chừng đó không biết cụ sẽ ăn uống ra sao, và còn bệnh tật khi mà cháu con không có? Câu hỏi cứ làm tôi đau đáu nghĩ về rồi chợt nhớ tình làng nghĩa xóm chắc chắn đong đầy khi trong câu chuyện của cụ có bóng dáng thằng cháu hàng xóm hay chị nhà kế bên vẫn thường qua quét dọn dùm, thậm chí đổ nước tiểu mỗi ngày khi cụ bệnh đau một chỗ.

anh 7.jpg
Phật tử Giác Nguyện, 86 tuổi, đau nằm một chỗ nhưng rất minh mẫn,
nói: "Lúc nào tui cũng nhớ Phật, niệm Phật và cầu vãng sanh Tây Phương" - Ảnh: Hà Thị Nuôi

Mỗi món quà tôi trao đi đều chia sẻ rằng, đây là chút ít tấm lòng của anh chị em, Phật tử ở nhiều nơi gửi tặng. Tất nhiên, các cụ làm gì biết phây bút, phây biếc gì để mà nói rằng: "Mọi người sẻ chia qua Facebook" cho các cụ hay tấm lòng xuyên biên giới được trang trải, kết nối từ thế giới "ảo". Nghĩ thế lại càng thương, và nắm tay các cụ xoa xoa như nắm tay ông bà nội, ngoại của mình.

Có những phần quà được trao không phải cho cụ, mà là cho những em nhỏ vừa mồ côi mẹ, trong khi ba không còn. Mẹ các em chọn cái chết vì nghịch cảnh, hay nghĩ suy nông cạn, để các em phải náu nương nhà ngoại. Cô Phật tử ở quê nhà kể mà vẫn còn xót cho cảnh "không cha không mẹ", vành khăn trắng vội đeo vào mái đầu trẻ thơ...

Nói chung, cảnh đời nào cũng đáng sẻ chia, với số lượng quà 50 chắc không thấm vào đâu, bởi người khổ quanh mình đâu có ít. Dù không nhiều song đó là tấm lòng của số đông hoan hỷ chung tay góp sức nên người nhận và người trao đều thấy ấm lòng. Người làm nhịp cầu nối tiếp trong ý niệm sẻ chia, mang niềm vui tới người còn khổ là tôi cũng ấm lòng, thầm biết ơn và cảm kích những ân tình đã chung tay góp sức...

L.Đ.L

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày