Tất cả từ cái tâm
Người đầu tiên phải kể đến là má Mười, người thành lập và chủ nhiệm Cơ sở Bảo dưỡng và Hướng nghiệp trẻ cô nhi khuyết tật Thiện Duyên (Mái ấm Thiện Duyên). Má tên thật là Trần Thị Cẩm Giang. Năm nay, dù đã gần bảy mươi, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng má lại tìm niềm vui cho mình bằng tình thương và sự chăm sóc những mảnh đời không lành lặn. Hồi còn trẻ, má từng tham gia hoạt động cách mạng và bị chế độ Sài Gòn bắt giam thời kỳ ký kết Hiệp định Paris. Ngày được nhìn thấy bầu trời, má đã là một thương binh. Má kể: “Ngày mới giải phóng, đất nước mình nghèo lắm. Nhìn những đứa trẻ hình hài dị tật, bị gia đình bỏ rơi, má nghĩ tại sao mình không đưa mấy đứa về nhà nuôi. Với đồng lương của mình, má có thể nuôi tối đa 10 đứa. Nhưng dần dần, người ta biết tiếng, đem con đến gửi hoặc bỏ ngoài cửa. Số trẻ ngày một tăng lên. Có những lúc khó khăn tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng nhìn lại những đứa trẻ ấy, má lại không nỡ. Đến năm 2002, mái ấm Thiện Duyên được xây dựng trên chính mảnh đất của má…”.
Hiện tại, Mái ấm Thiện Duyên đang nuôi dạy, chăm sóc cho hơn 120 người phần lớn là trẻ cô nhi, khuyết tật, mỗi em một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Tên các em hầu hết đều do các má đặt: em Thiện bị bỏ rơi ở hồ sen, có bác xe ôm thấy bèn bế về nhờ má nuôi, thần kinh không tốt, đầu cứ lắc qua lắc lại nên gọi là Thiện “lắc”, em “Bánh Trung Thu” má gặp ở ngoài gò mả, em Bỏ bị ba mẹ bỏ ngay ngoài cửa, khi được phát hiện thì em đã bị kiến ăn mất một con mắt. Bé Kim Chi sinh ra trong gia đình có 5 người đều bị bệnh chân rút lên ngực, chỉ cao chừng năm tấc, được sư cô chùa Từ Nghiêm xin về nuôi. Đến khi sư cô bị bệnh thì gửi lại nhờ má nuôi. Có em bị người mẹ của mình chối bỏ một cách tàn nhẫn. Một hôm, má đang ngồi trước cửa thì thấy một người đàn bà đi xe ô tô đến, vội vã đặt một cái hộp xuống đất rồi lên xe đi mất. Má còn nhớ biển số xe có số 114. Tưởng người ta cho bánh nhưng khi mở ra thì bên trong là một đứa trẻ sơ sinh, nặng chừng 1kg. Khi kiểm tra mới biết bé không có hậu môn. Má và các nhân viên đã tận tình chăm sóc em và đến nay em đã nặng được 8kg, hồng hào, khỏe mạnh… Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền càng không thể kể hết nỗi cơ cực. Trong đám trẻ ấy, có tới 50 em bị nhiễm chất độc màu da cam và phần lớn đều bị bại não, phải nằm một chỗ hoặc đi lại rất khó khăn. Các em không tự làm chủ được cuộc sống cũng như hành vi của mình. Mỗi em một tật, một cách chơi khác nhau. Vì vậy, má và các nhân viên ở đây phải luôn quan sát, lắng nghe biểu hiện của các em. “Với các má, những hình hài dị tật kia là những đứa con, còn các má là những người mẹ hết lòng vì đứa con tật nguyền. Làm việc cả đêm lẫn ngày, không lúc nào ngơi tay mà chẳng thấy hết việc. Có những đêm, các má không dám ngủ vì các em đau ốm, la hét suốt đêm”, má Liên, người gắn bó lâu năm với cơ sở cho biết. Người ít, công việc nhiều, nhưng không vì thế mà việc chăm sóc cho các em bị bê trễ. Nhìn cảnh các má chăm sóc kĩ lưỡng, nhẹ nhàng từng đứa trẻ mới thấy hết được tấm lòng của họ.
Tự nuôi sống mình
“Để nuôi và chăm sóc và cho các em ăn học cần phải một khoản kinh phí rất lớn. Đó là chưa kể tiền đưa các em đi bệnh viện mỗi khi bệnh nặng. Tất cả những khoản đó không thể chỉ trông chờ vào kinh phí của quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân nên cơ sở phải tự nuôi sống mình” - má Mười cho biết. Mái ấm Thiện Duyên có tới 3 khu: khu vui chơi, khu nghỉ ngơi và khu chăn nuôi dế, rít, bò cạp, kỳ tôm, trồng nấm bàu ngư, nấm hương, rau, khoai mì… Đợt trước Tết, cơ sở đã xuất được 30 triệu đồng tiền trứng dế giống. Bên cạnh việc trồng trọt chăn nuôi, cơ sở còn cử người lên Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố để học kết hạt cườm rồi về dạy cho các em và những người còn lại. Qua bàn tay run rẩy của các em, sản phẩm kết từ hạt cườm rất đẹp đã ra đời như bình hoa, lồng đèn, bộ tứ bình, mười hai con giáp, giỏ sách… Năm 2008, Mái ấm Thiện Duyên đã lập kỷ lục “chiếc bình bằng nút áo lớn nhất Việt Nam” và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có thư khen. Dịp Tết 2010, một mạnh thường quân đã mua một cây đào được kết bằng cườm do cơ sở Thiện Duyên làm với giá 100 triệu đồng. Một năm, trại dế của má đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Tất cả những số tiền đó được chi cho việc mua sắm máy móc, phục vụ cho những sinh hoạt thường ngày của các em. Ngoài ra, các sản phẩm như mứt, măng, bắp bao tử, muối tiêu, muối ớt… và các sản phẩm từ rít, bò cạp như , rượu xoa bóp cũng lần lượt ra đời.