Những bộ kinh Phật viết trên lá

Nhiều ngôi chùa Khmer ở An Giang vẫn còn lưu giữ những bộ kinh viết trên lá "Sách tra" - loại cây gần giống cọ hay thốt nốt, ghi chép các câu chuyện dân gian như truyện truyền thân Đức Phật, kinh Nicka, bộ Tam tạng kinh...

Hiện ở vùng Thất Sơn có khoảng 40 ngôi chùa Miên còn giữ một số bộ kinh lá, song chùa XvayTon được xem có sở hữu số bộ kinh lá nhiều nhất: hơn 150.

Hàng năm cứ vào dịp lễ Tết của người Khmer, các sư cả chùa XvayTon lại lấy kinh lá ra đọc thuyết giáo cho các Phật tử nghe, với các nội dung như chuyện kể dân gian, tục ngữ, thành ngữ...

Lá Sách tra được phơi khô, cắt thành mảnh ngang 6 cm, dài 60 cm, được khắc chữ rồi dùng mực mài lên mà thành kinh Phật. Ảnh: Gia Bảo
Lá Sách tra được phơi khô, cắt thành mảnh ngang 6 cm, dài 60 cm, được khắc chữ rồi dùng mực mài lên mà thành kinh Phật. Ảnh: Gia Bảo

Theo sư cả Chau Sóc Pholly, những bộ kinh lá có ở chùa này, bộ xưa nhất đã hơn 100 năm tuổi, còn bộ mới nhất được ghi chép vào năm 1963 do Hòa thượng Chaoty viết để lại.

Cây Sách tra hiện còn rất ít ở vùng Bảy Núi - An Giang, trở nên rất quý hiếm đối với người Khmer. Để làm được một bộ kinh lá phải rất kỳ công. Theo sư cả Chau Sóc Pholly, xưa kia các nghệ nhân phải lựa chọn những đọt non lá thật thẳng, khi đốn xuống dùng ván ép lại thật chặt rồi mang phơi nắng. Đợi đến khi nào lá héo xuống mới cắt ra thành từng mảnh với chiều ngang 6 cm, dài 60 cm.

"Phải dùng mũi sắt thật nhọn làm cây viết khắc lên từng chữ lên lá, rồi lấy mực màu thoa lên lá, lau sạch đem lưu giữ. Chữ viết theo nét cổ xưa, nên người từng sống và tu nhiều năm ở chùa mới có thể đọc được", sư cả Chau Sóc Pholly nói.

Bộ kinh lá nặng không quá một kg, độ dày mỏng bộ kinh tùy thuộc vào độ dài ngắn của cốt truyện. Mỗi lá kinh chỉ có thể ghi được 5 hàng, nếu người giỏi chữ nghĩa một ngày có thể viết được một lá kinh. Chính vì cách làm rất đặc biệt này, kinh lá Khmer được lưu giữ kỹ cho đến ngày hôm nay đã được trên một thế kỷ mà không bị mối mọt ăn.

Những bộ kinh lá được lưu giữ tại chùa XvayTon mà không bị mối mọt hay phai màu nhờ kỹ thuật xử lý công phu. Ảnh: Gia Bảo
Những bộ kinh lá được lưu giữ tại chùa XvayTon mà không bị mối mọt hay phai màu nhờ kỹ thuật xử lý công phu. Ảnh: Gia Bảo

Các sư cả bảo quản kinh lá bằng cách quấn vải lại từng bộ, giữ trong tủ kính chống ẩm giúp lá ít bị phai màu đi.

Năm 1986 chùa XvayTon được Bộ Văn hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất. Ban quản lý chùa cũng kết hợp với Bảo tàng tỉnh An Giang tìm giải pháp bảo quản những bộ kinh lá độc đáo này để làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của bản sắc văn hóa dân tộc Khrme Nam Bộ.

Chùa XvayTon nằm giữa trung tâm thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam. Tương truyền chùa được xây dựng hơn 3 thế kỷ trên vùng đất hoang vu, có nhiều đàn khỉ sinh sống nên gọi là Xà Tón, tức khỉ kéo nhau. Xà Tón là tên gọi thông thường của người Khmer, tên chính xác ngôi chùa là XvayTon

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày