Những cụm từ xuất hiện nhiều trong thời gian vừa qua

Ảnh: Mai Xuân Tùng
Ảnh: Mai Xuân Tùng
GN - Ngoài nỗi lo cơm áo, người Phật tử còn có những bức xúc về đức tin tôn giáo bị xúc phạm ở trên đất nước VN.

Trong thời gian vừa qua, việc biến động giá cả đã thực sự tác động vào đời sống của người dân. Đi đâu cũng nghe về những tiếng thở dài đầy lo lắng.

Với người Phật tử lại thêm những sự quan tâm nữa qua những cụm từ được nhắc đi nhắc lại, đó là “Đại lễ Phật đản năm nay”, “video clip Đường Tông thỉnh bao cao su”, “Duy Tuệ phỉ báng Tam bảo”… với tần số xuất hiện nhiều, qua nhiều thái độ khác nhau.

Người Phật tử thì không ai không nghĩ đến Đại lễ Phật đản - một sự kiện văn hóa, tâm linh lớn vào bậc nhất. Từ ngay sau Tết, có những Ban Trị sự PG tỉnh thành đã nhóm họp, lấy ý kiến, bàn thảo việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556 như thế nào để đáp ứng khao khát về niềm kính ngưỡng của người con Phật đối với Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, để xứng với lịch sử mà mình đang kế thừa, và xứng với năm có sự kiện quan trọng của PGVN: diễn ra Đại hội đại biểu PG toàn quốc lần thứ VII… Trong lúc đó, có những nơi lại dường như im lìm, mọi thứ cứ như làm cho có lệ, “đến hẹn lại lên”.

Vụ việc “video clip Đường Tông thỉnh bao cao su”, mặc dù Trung ương Giáo hội đã lên tiếng, nhưng gần 4 tuần (tính đến thời điểm này), tình hình vẫn im lắng, các nơi đến của công văn bày tỏ quan điểm của Giáo hội là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vẫn chưa có phản hồi gì, ngoài công văn nhận trách nhiệm “dẫn nguồn lại” của Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VTCNews và một thư thanh minh của nhóm tự nhận là tác giả của video clip trên, nhưng lại không ký tên, văn bản cũng không thống nhất.

Sự việc này không chỉ người Phật tử mà giới trí thức, nhiều tầng lớp nhân dân khác cũng bày tỏ thái độ không đồng tình, phản đối việc làm xúc phạm đến hình tượng văn hóa - tâm linh của Phật giáo, văn học thế giới, đó là chưa nói đến xúc phạm Phật giáo cũng như văn hóa Trung Quốc.

Chưa hết, hiện tượng “Duy Tuệ và thiền minh triết” đã được các cơ quan báo chí, trang tin Phật giáo phân tích, liên tục có nhiều bài viết từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đến nay, dường như vẫn không được các cơ quan chức năng quan tâm.

Một cá nhân như ông Duy Tuệ, núp dưới vỏ bọc chiếc áo UNESCO Việt Nam, có những phát ngôn (truyền bá bằng băng đĩa, sách) công khai phỉ báng Phật giáo, phỉ báng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên ngay đất nước Việt Nam, lại được các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước cấp giấy phép phát hành, thêm nữa, ngang nhiên lập công ty để quảng bá nội dung ấy một cách rầm rộ, được tham gia Hội sách tại TP.Hồ Chí Minh tháng Ba vừa qua… đã khiến dư luận Tăng Ni Phật tử vô cùng bức xúc. Thế mà, suốt mấy tháng rồi, chưa thấy các cơ quan chức năng có động thái gì, mặc nhiên xem những bất bình trước sự phỉ báng Phật giáo ngay trong đất nước này là không đáng quan tâm.

Khó khăn về kinh tế là nỗi lo chính đáng của người dân. Nỗi lo đó dù sao cũng có thể vượt qua được bằng sự “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm trong chi tiêu, sống thiểu dục tri túc, khi người ta có được lòng tin. Nhưng khi niềm tin tôn giáo của mình bị xúc phạm, phỉ báng bởi một số cá nhân ngay trên lãnh thổ Việt Nam, và các nội dung ấy lại được “dán mác” bảo hộ bởi các cơ quan quản lý văn hóa, các cơ quan chức năng, thì nỗi lo sẽ trở thành nỗi hoài nghi. Theo Phật giáo, hoài nghi là tâm lý tiêu cực, không đồng hành với sự phát triển.

Mong rằng, có một tiếng nói rõ ràng từ các cơ quan chức năng để giải tỏa những sự trông chờ, hoài nghi ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày