GNO - Khi đầu gối bị hư tổn ảnh hưởng đến vận động và cuộc sống, từ việc nhỏ nhất như đứng dậy sau khi ngồi xuống hay bước cầu thang - bạn cần nghĩ đến phẫu thuật thay khớp gối.
Dưới đây là những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp gối:
1 - Thay khớp gối là gì?
Thay khớp gối nghĩa là sẽ thay thế khớp thật bằng một khớp nhân tạo. Đây là lựa chọn khi tất cả các giải pháp khác đều vô hiệu như: thuốc trị đau, tiêm thuốc… không làm giảm cơn đau đầu gối của bạn.
Thay khớp gối nghĩa là sẽ thay thế khớp thật bằng một khớp nhân tạo
Cơn đau là kết quả của sự mất hụt hay hư tổn của sụn, đệm giữa các xương của đầu gối. Việc phẫu thuật này có liên quan đến sự thay thế các xương và sụn bị hư tổn trong khớp bằng bề mặt đệm trượt làm bằng kim loại hoặc nhựa.
2 - Ai cần thay khớp gối?
Nguyên nhân dẫn đến thay khớp gối là do bệnh viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp. Các trường hợp khác cần phẫu thuật thay khớp gối là: viêm khớp sau chấn thương, thấp khớp hay viêm nhiễm khớp do bệnh gout.
3 - Các loại thay thế
Thay khớp gối có thể là một phần hay toàn bộ, gồm: phần ngoài, phần trong và xương bánh chè.
Bệnh nhân có thể chọn thay thế một phần khi chỉ có một phần sụn ở gối bị hư tổn (thường là phần trong) qua thăm khám. Tuy nhiên, hầu hết là thay toàn bộ vì viêm khớp có xu hướng tác động đến toàn bộ gối.
4 - Chuẩn bị gì trước phẫu thuật?
Sự chuẩn bị tốt nhất là nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để có sức khỏe tốt nhất. Tiểu đường và béo phì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phẫu thuật nên phải kiểm soát tốt các vấn đề này.
Ngoài ra, cũng cần thực hiện các bài tập trước phẫu thuật để tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh vùng gối.
5 - Phẫu thuật kéo dài bao lâu?
Cuộc phẫu thuật có thể kéo dài từ 30, 60 phút cùng với thời gian chuẩn bị và gây mê có thể lên đến gần 2 giờ đồng hồ.
6 - Gây mê phẫu thuật
Gây mê phẫu thuật gồm có gây tê cột sống (gây tê các chi trong và sau phẫu thuật) và gây tê cục bộ phần gối. Tiến bộ mới là kỹ thuật “đóng thần kinh”, có thể kéo dài sự giảm đau nhiều ngày sau phẫu thuật.
Đau sau thay thế một phần ít nghiêm trọng hơn nên không áp dụng kỹ thuật này.
7 - Kiểm soát đau sau phẫu thuật
Mức độ đau sau phẫu thuật khác nhau với từng người. Cách tốt nhất là ngăn ngừa đau ngay từ đầu.
Thường thì thuốc giảm đau opioid được sử dung để giảm đau nghiêm trọng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân được khuyên chuyển sang các thuốc giảm đau không gây mê (ngủ) càng sớm càng tốt.
8 - Có cần nhập viện trước phẫu thuật?
Hầu hết phẫu thuật thay khớp hoàn toàn đòi hỏi phải vào viện từ 1-2 đêm trước khi phẫu thuật.
9 - Mất bao lâu để phục hồi?
Sự hồi phục diễn ra trong cả năm theo ba giai đoạn: 6 tuần đầu tiên (lành vết mổ, giảm tê, cử động trở lại), 3-5 tháng tiếp theo (phục hồi sức chịu đựng và sức mạnh của cơ thông qua các hoạt động và bài tập mỗi ngày) và 6 tháng cuối (tiếp tục phục hồi sức mạnh và khả năng vận động).
10 - Kết quả tốt nhất của thay khớp gối
Thay khớp gối là một trong những phẫu thuật mang lại kết quả hài lòng nhất trong phẫu thuật chỉnh hình. Kết quả phẫu thuật tốt nhất là chức năng được đảm bảo và không đau trong 30 năm tiếp theo sau phẫu thuật.
Nhiều bệnh nhân có thể quay lại các thói quen vận động như môn bóng racquetball, leo núi hoặc vận động với cường độ nhẹ hơn như đi bộ, khiêu vũ…
11 - Làm sao để tránh phẫu thuật thay khớp gối?
Thay khớp gối có thể sẽ khó tránh khỏi ở đối tượng có viêm khớp liên quan đến gene. Khi đó, không thể ngăn chặn phẫu thuật thay khớp hay làm chậm tiến trình này.
Tuy nhiên, có thể ngăn chặn viêm khớp gối khỏi đau đớn quá sức chịu đựng bằng cách phẫu thuật thay thế, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và tích cực vận động. Lưu ý các động tác rèn luyện cho chi dưới và cơ chân khỏe mạnh.
Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng tế bào gốc có thể điều trị đau khớp gối trong tương lai.
Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)