Những đứa con xa quê nghẹn ngào nói về cha mẹ

GNO - Nhớ cha, thương mẹ. Đây có lẽ là tâm trạng chung của những đứa con xa quê và tâm trạng này sẽ lại càng đặc biệt khi mùa Vu lan - Báo hiếu về.

Tiết Vu lan bâng khuâng nhớ cha, ơn dưỡng dục
Mùa Báo hiếu ngùi ngùi thương mẹ, đức cù lao…

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ một số bạn trẻ đang sống, học tập và làm việc tại TP.HCM, trò chuyện, chia sẻ những kỷ niệm, những cảm xúc của mình đối với cha mẹ đang ở quê nhà hay đã ở một nơi rất xa…
tulinh1.JPG
Bạc mái đầu mẹ vất vả nuôi con - Ảnh: TL - HG

Cuộc trò chuyện 1

Với bạn Đinh Thị Thùy Giang, sinh năm 1990, quê ở Lâm Đồng, xa quê đã 4 năm nhưng nỗi nhớ nhà, thương cha mẹ vẫn cứ mãnh liệt như những ngày mới đặt chân xuống mảnh đất Sài Gòn này.

Bạn kể lại, lúc nhỏ bạn hay làm cho cha mẹ buồn lắm, trách cha mẹ sao sinh ra con khổ thế này - cứ đau bệnh hoài, bạn còn hay có những thái độ và hành động chống đối, tinh nghịch nhằm chọc tức cha mẹ. Giờ lớn rồi, bạn mới biết những lúc bạn bệnh, cha mẹ bạn phải lo lắng, vất vả như thế nào, nghĩ lại không biết sao lúc đó mình hư quá, thấy thương cha mẹ quá.

Bây giờ nếu có một điều ước, bạn chỉ mong cho cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống thật lâu để bạn có thể đền đáp công ơn và chuộc lại những lỗi lầm mà bạn đã gây ra cho cha mẹ của mình. 

Cuộc trò chuyện thứ 2

Bạn Lê Thanh, sinh ra ở Quảng Nam, đang làm nhân viên tại một cửa hàng. Không may mất cha từ bé nên bạn cứ quấn lấy mẹ suốt ngày, tình thương yêu của bạn dường như dành trọn cho mẹ.

tulinh3.JPG
Con chỉ có một nguyện cầu là cha mẹ luôn được khỏe mạnh, sống thật lâu với con - Ảnh: T.Linh

Kể lại một kỷ niệm với mẹ, bạn nói khó quên nhất là những ngày đi theo mẹ nhặt củi trên núi rồi mẹ con cùng nhau đèo xe đạp về chợ, đem củi đổi lấy thức ăn và những thứ cần thiết khác. Ngày đó cực lắm mà lúc nào cũng vui, bạn nói trong hạnh phúc: “Chắc là do được ở bên mẹ”.

Bạn tâm sự thêm, mẹ cực khổ lắm, một mình nuôi đến 6 đứa con, nhiều lúc thương mẹ mà không biết làm thế nào, cứ chạy lại ôm chặt lấy mẹ. Xa nhà gần 2 năm rồi nhưng chưa một lần về thăm mẹ, nhớ mẹ lắm, ở nơi đất khách quê người này chỉ có thể cầu cho mẹ luôn vui khỏe, bớt vất vả thôi, bạn nói như nghẹn ngào.  

Cuộc trò chuyện thứ 3

Bạn Trần Thị Mai, sinh năm 1988, quê ở Thanh Hóa. Do “những vấn đề của người lớn”, từ nhỏ bạn đã sống với cha. Với bạn, cha như một người mẹ thứ hai vậy. Tất cả mọi việc của đứa con gái đều được người cha chăm bẵm. Nhưng dù vậy trong bạn, bạn vẫn dành tình thương yêu của mình cho cả cha và mẹ, chỉ có điều - với cha tình cảm ấy mãnh liệt hơn một chút.

Chúng tôi gặp bạn khi bạn đang ngồi nghỉ dưới một gốc cây trong khuôn viên một ngôi chùa. Bạn chia sẻ, đi chùa để lòng mình thanh tịnh hơn và đặc biệt trong mùa Vu lan, bạn đi chùa để cầu nguyện nhiều hơn cho cha mẹ. Cầu cho những đấng sinh thành của mình luôn được an lạc.

Cuộc trò chuyện thứ 4

Anh Phạm Công Khanh, sinh năm 1986, quê ở Tây Ninh, hiện đang làm công nhân của một công ty may mặc. Anh có mẹ già đang sống ở quê. Làm việc tại Sài Gòn đã nhiều năm, anh chỉ có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi, lễ tết mới về được bên mẹ.

Anh tâm sự, cha mất đã lâu nên mẹ phải vất vả lắm mới nuôi được đàn con đến 7 đứa lớn khôn. Do sức khỏe không tốt hay bị bệnh, mẹ anh phải nhiều lần từ quê lên chăm sóc anh. Thương mẹ lắm và cũng không biết làm thế nào để trả hết công ơn như trời biển của mẹ. Anh nói, chỉ biết cố gắng sống thật tốt, và luôn cầu nguyện để mẹ anh được khỏe mạnh. Anh Khanh chia sẻ, không phải chỉ những ngày này, khi mùa Vu lan về anh mới nhớ và tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ của mình, với anh ngày nào cũng là ngày Vu lan cả.

Câu chuyện trong nước mắt

Đó là câu chuyện của bạn Trần Thị Lê, sinh năm 1990, quê ở Phú Yên, đang là sinh viên Trường Trung cấp Dược. Bạn tâm sự, khi học lớp 6 bạn đã có ý nghĩ sẽ bỏ nhà ra đi vì không muốn nghe những lời la rầy từ mẹ mỗi khi bạn mê chơi không chịu phụ giúp mẹ.

tulinh2.JPG


Vu lan đi chùa, con cầu cho ba, cho mẹ...

Tuổi trẻ thiếu suy nghĩ, nên vào một ngày bạn quyết định “bỏ nhà đi bụi” thật và để lại một mẩu tin nhắn dán trên cửa. Sau này nghe kể lại, bạn mới biết lúc thấy tin nhắn đó mẹ bạn đã khóc rất nhiều, đêm đó mẹ cũng không ngủ được. Bạn nói, lúc đó bạn cứ đạp xe đi, đạp miết mà không biết là mình sẽ đi về đâu, tối đến vừa đói vừa mệt bạn vào một quán cơm và xin ở lại giúp việc cho quán.

Bị cô chú chủ quán nhận ra rồi khuyên “con quay về nhà đi, cha mẹ đang lo lắm đó”. Cô chú còn tốt bụng cho ăn và ở lại đêm đó vì trời đã tối. Ngồi ở nhà người ta, thấy gia đình họ vui vẻ, tự nhiên bạn nhớ về gia đình mình, rồi bạn khóc. Sáng ra, bạn đi xe đạp trở về nhà, bạn nói cũng chẳng nhớ đường về nữa, cứ lơ ngơ mà chạy. Khi đó, mẹ đang đi tìm theo hướng ngược lại đã phát hiện bạn rồi đưa bạn về.

Khoảnh khắc gặp lại mẹ, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Bạn tâm sự, sau này mẹ bạn cũng không còn la mắng bạn nữa nhưng từ việc đó bạn thấy xấu hổ và ân hận lắm, bạn cũng hứa sẽ không làm cho cha mẹ buồn lòng nữa. Giờ xa nhà, thấy nhớ và thương cha mẹ nhiều hơn, thấy sự hy sinh của cha mẹ dành cho bạn quá lớn mà bạn chưa đền đáp được. Niềm mong ước duy nhất của bạn bây giờ là cha mẹ luôn có nhiều sức khỏe, bớt khổ mà thôi.

Những điều rút ra

Ai trong đời mà không một lần phạm phải những lỗi lầm, đặc biệt là những lỗi lầm với cha mẹ mình. Nhưng những lỗi lầm ấy rồi sẽ được tha thứ bởi sự bao dung và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Nhận diện được những điều đó, chúng ta hãy trân trọng những phút giây còn có cha có mẹ, hãy làm tròn đạo hiếu của mình. Còn nếu không may, cha mẹ đã mất đi thì chúng ta cũng phải cố gắng sống sao cho có ý nghĩa với cuộc đời này - vì ở đâu đó cha mẹ vẫn đang dõi theo ta và sẽ mỉm cười khi chúng ta sống thật tốt.  

Gia đình, cha mẹ sẽ luôn là chốn quay về, là chỗ dựa yên bình nhất của mỗi con người. Điều đó sẽ lại càng được cảm nhận sâu sắc hơn bởi những người con xa quê, những con người cứ luôn đau đáu một nỗi nhớ niềm thương về cha mẹ vẫn đang còn vất vả ở quê nhà, từng ngày từng ngày vẫn luôn nguyện cầu cho cha mẹ được khỏe mạnh, sống an vui.

Hương Giang - Tú Linh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày