GNO - Những ngày giáp Tết, chúng tôi lại về với nóc ông Ruộng, thôn 3, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trong cái lạnh vẫn còn dai dẳng, trong làn mưa bay bay vừa đủ làm ướt áo.
Những ánh nhìn trong veo
Từ thị trấn Tắk Pỏ, sau gần 1 ngày vừa đi xe máy, vừa đi bộ, chúng tôi đặt chân đến những ngôi nhà sàn của đồng bào Ca Dong nơi đây khi màn đêm cũng vừa hòa cùng bóng núi.
Lúc này, ở những thành phố, thậm chí là những vùng nông thôn của tỉnh Quảng Nam, trẻ con được ba mẹ sắm cho những bộ quần áo mới và háo hức chờ đến ngày được du xuân, cùng ba mẹ đi thăm ông bà, cha mẹ, bà con. Nhưng ở nóc nhỏ của đồng bào Ca Dong nằm dưới tán rừng đại ngàn Trường Sơn này, những đứa trẻ vẫn lấm lem bùn đất, vẫn chơi đùa với nhau trong những bộ quần áo không thể cũ và nhớp nháp hơn.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Trương Văn Mỹ là một trong 4 giáo viên của trường Tiểu học Trà Vân điểm nóc ông Ruộng cho biết: “Ngày thường cũng như ngày Tết, các em chỉ một bộ quần áo duy nhất trên người. Em nào khá hơn 1 chút thì có 2 bộ thay đi thay lại. Nhưng cũng không khá hơn được bao nhiêu. Đời sống của đồng bào Ca Dong nơi đây còn khó khăn vô cùng, họ lại hầu như không quan tâm, chăm sóc con cái mình. Nên, tất cả các trẻ em người Ca Dong ở nóc ông Ruộng hầu như không biết Tết là gì!”
Không có quần để mặc
Những đứa trẻ không có Tết
Còn anh Nguyễn Thanh Trí, Bí Thư chi đoàn thanh niên thôn 3, xã Trà Vân thì chia sẻ: “Dù đã được sự quan tâm, hỗ trợ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của Đảng và Nhà nước khi Tết đến, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, đời sống kinh tế hết sức chật vật nên người Ca Dong ở nóc ông Ruộng và cả trẻ em cũng chưa biết đến mùi vị của Tết như thế nào. Đành vậy chứ làm sao. Do điều kiện mà thôi...”
Nhìn những đứa trẻ người Ca Dong ở nóc ông Ruộng hồn nhiên nô đùa bên bể nước, trước cửa nhà với những nụ cười mà lòng chúng tôi không khỏi dậy lên nhiều trăn trở.
Bao giờ các em mới có được một cái Tết như các bạn bè cùng trang lứa ở miền xuôi!