Những gánh hàng rong

GN - “Dù cho thế giới bao la, bao la không bằng nhà mình.

Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ...”.

(Mẹ tôi - Trần Tiến)

ganhhangrong.jpg


Ảnh minh họa

Một đêm nọ, tôi tham gia nhóm thiện nguyện trao quà cho các lao động về đêm, những cô chú lượm ve chai, các cụ già bán vé số, những công nhân vệ sinh đường phố, càng về đêm càng vắng người, đường phố cũng bớt ồn ào xe cộ. Càng về khuya những gánh hành rong càng trở nên lẻ loi cô độc trên đường. Khi mọi người đang vùi mình trong tổ ấm thì những người phụ nữ héo gầy bên gánh hàng rong cũng tụm lại những góc sáng của phố phường nhen cho nhau những ngọn lửa lòng sưởi ấm tình người nơi đất khách.

Chúng tôi trao những phần quà, thăm hỏi vài câu chuyện không đầu không cuối, góp nhặt lại thì các chị ấy dường như có một điểm chung, bỏ quê nghèo lên phố tìm kế sinh nhai vì những đứa con. Đa phần là những giọng nói ấy đến từ miền Trung nắng thì khô cằn sỏi đá, mưa về thì bão lũ trắng đồng. Họ đến chốn Sài thành lấy sức khỏe và thời gian đánh đổi ít đồng lời gửi về quê, nơi đó có những đứa con đang trông chờ, nơi đó có cái gọi là gia đình.

Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa chỉ dành cho người giàu và lệ (tôi không nghĩ là tráng lệ mà là nước mắt) là phần của những người khốn khó. Biết đâu trong cái dáng héo gầy của những người mẹ đó, thanh xuân và sức khỏe bị vắt kiệt, và đã có những giọt nước mắt lăn dài trong những đêm vắng với lòng trông về quê hương nhớ thương da diết.

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp

Quê nhà một góc nhớ mênh mông.

Và trong câu chuyện mà những người mẹ ấy kể cho chúng tôi nghe là sự tự hào về những đứa con. “Con cô năm nay vào đại học, đại học gì đó lớn lắm, nổi tiếng lắm...”. Nổi tiếng lắm nhưng cô chẳng nhớ nổi cái tên, chỉ biết con mình học ở đấy và kèm theo là sự lo toan về học phí và sinh hoạt phí của bao năm đại học dài đăng đẵng trên đôi vai người mẹ.

Chợt nghĩ, bao lâu nữa sẽ có những vị cử nhân đã từng được dưỡng nuôi bằng gánh hàng rong này. Có ai còn nhớ gánh hàng rong và những người mẹ liêu xiêu trong nắng mưa của cuộc đời? Có đi mãi cũng chẳng bao giờ chúng ta đi hết vòng tay yêu thương đó của mẹ cha.

Cách nay ba tháng, chùa của chúng tôi có tiếp nhận ký gửi hài cốt của bé trai ba tuổi vì bạo bệnh qua đời. Kể từ khi gửi con vào chùa, mỗi ngày sau khi tan ca cha mẹ đều trở về chùa thăm em. Điều đặc biệt, mỗi ngày thăm con như thế, mẹ đều mang theo bình sữa nóng mới pha để cúng cho con. Tôi hỏi sữa gì, người mẹ đáp rằng: “Bạch thầy, đây là sữa dành cho trẻ ba tuổi, hai tháng nữa cháu được bốn tuổi, khi ấy con sẽ đổi sữa khác cho cháu”. Câu trả lời khiến tôi nao lòng, vậy ra đứa trẻ trên bàn thờ ấy vẫn chưa chết? Vẫn còn đang lớn lên mỗi ngày? Nắm tro ít ỏi còn lại đó vẫn được sự chăm sóc của cha mẹ và lớn lên từng ngày sao? Trong lòng mẹ, em vẫn hiện hữu, vẫn cần sự yêu thương chăm sóc của mẹ của cha?

Và khi rót sữa cho con, người mẹ từ tốn rót từng chút một, như thể sợ con mình sặc, con mình nghẹn. Rồi người mẹ thì thầm với đứa trẻ ấy, như rằng đứa con đang nằm  trong vòng tay mẹ. Cho đến bao giờ người mẹ ấy mở rộng đôi tay mình cho con hòa vào hư không cuộc đời?

Những cơn mưa dầm là một trong những dấu hiệu của tháng Bảy - mùa Vu lan Báo hiếu. Đây là lúc chúng ta cài cho nhau những đóa hoa hồng, cùng nhau tôn vinh niềm hiếu hạnh, cùng hoài niệm về mẹ cha để báo đáp thâm ân nhưng làm sao cho xứng với tình yêu thương ấy?

Trời lại mưa, tin bão về nơi miền Trung gió cát. Ngồi dưới cơn mưa này chắc sẽ có những người mẹ lòng nôn nao hướng về quê nhà da diết, gánh hàng rong chắc sẽ oằn nặng đôi vai...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày