Những giọt nước mưa ấm nóng

GNO - Đến giờ chuẩn bị đi thi, mẹ dắt chiếc xe đạp ra và chuẩn bị áo mưa đưa tôi đi. Rồi bất chợt, xe máy của một thầy giáo trẻ đón trước cổng “lên xe máy đi luôn em ơi, muộn giờ đến nơi rồi”.

Đó là kỳ thi học sinh giỏi huyện năm lớp 6 của tôi, tôi và mẹ vinh dự vô cùng vì tôi được chọn đi thi môn tiếng Anh, ở vùng quê nghèo này mấy ai được tiếp xúc với tiếng Anh đâu.

Mẹ dậy từ rất sớm vì mẹ biết trường thi cách nhà 5km, mẹ chỉ có thể đưa tôi đi bằng xe đạp, chiếc xe đạp phượng hoàng đã cũ kỹ là kế mưu sinh của cả nhà hơn chục năm. Trời bỗng đang sáng tối đen như mực, một cơn dông đang chuẩn bị ập đến, mẹ hối thúc tôi chuẩn bị nhanh để đi, đúng lúc đó, thầy giáo thực tập ở trường đi xe máy đến và đón tôi ở cổng. Nghe tiếng thầy gọi, tôi liền bỏ chiếc áo mưa mẹ vừa đưa chạy thẳng lên xe mà không biết rằng mẹ tôi đang rất hụt hẫng và buồn.

Chỉ khoảng 10 phút, thầy giáo đã chở tôi xuống trường thi, vừa hay xuống đến nơi thì trời đổ cơn mưa lớn, trời tối đen như lúc 7 giờ tối. Tôi tự nghĩ trong bụng rằng, chắc mẹ biết tôi có thầy đón sẽ không xuống nữa, không bị mưa và giờ này mẹ đang ngồi trong nhà và mọi thứ đều ổn.

anh me.jpg


Mưa gió, mẹ vẫn tần tảo chợ búa sớm hôm

Ngồi trong phòng thi, cơn mưa mỗi ngày mỗi lớn, mưa trắng cánh đồng kế bên. Tôi đưa mắt nhìn ra, thấy một con trâu mẹ và một con nghé con đang đứng giữa đồng, nghé con rúc vào bụng trâu mẹ. Có lẽ vì cơn mưa quá to, cánh đồng rộng mà chủ trâu không ra dắt trâu về được, giữa cơn mưa, sấm chớp trâu mẹ vẫn đứng đó che chở cho nghé con khỏi mưa, tuy rằng cũng không tránh được là bao nhiêu. Cảm giác nghé con rúc dưới bụng mẹ ấm áp  và an toàn vô cùng.

Tôi làm bài khá tốt, ra khỏi phòng thi trong nụ cười hân hoan. Tiếng trống tan, tôi đi ra cổng trường, trời vẫn còn mưa tuy không lớn lắm. Trong số hàng trăm xe máy chen chúc nhau có một người phụ nữ mặc áo mưa bằng lá, đội chiếc nón đã bạc màu, tay dắt chiếc xe phượng hoàng vẫy tay tôi. Đó là mẹ. Mẹ đã đứng mưa đợi tôi từ lúc tôi bỏ lại chiếc áo mưa chạy ra xe máy cùng thầy không một lời chào mẹ. Ngay lúc đó, mẹ đã đạp xe đi theo tôi phía sau, và suốt cả dọc đường, cơn mưa đã ập xuống người mẹ nhưng những chiếc vòng quay xe đạp vẫn quay, cọc cạch trên cả quãng đường dài.

Tôi lách xe máy đi ra chỗ mẹ, mẹ vội khoác chiếc áo mưa lành lặn cho tôi và hỏi tôi về tình hình bài thi. Đôi bàn tay mẹ lạnh buốt, săn lên vì ở ngoài nước mưa quá lâu, mẹ đã đứng đây hơn 3 tiếng đồng hồ vì người ta không cho vào trường thi, quanh trường chỉ là cánh đồng. Tôi leo lên xe đạp của mẹ, mẹ chở tôi về trong cơn mưa lâm thâm, trong khi đó hầu hết thí sinh khác bố mẹ đều mang xe máy cả ô tô đi đón.

Bỗng nhiên, lúc đó tôi nhớ đến hình ảnh con trâu con nghé đứng mưa ngoài cánh đồng, có phải chăng chính tôi và mẹ đó không? Từ khi mẹ biết tôi được đi thi học sinh giỏi, mẹ đã vui và chuẩn bị tinh thần đưa tôi đi, lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng làm sao đến trường thi đúng giờ chứ không quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Nhà nghèo, túng thiếu, bố đi làm xa vất vả, mẹ sớm hôm chợ búa lo cho tôi bữa ăn từng ngày, không có xe máy thì đi bằng xe đạp nhưng lúc đó mọi thứ vật chật lại che hết cảm xúc của tôi, làm tôi không nhận ra nước mắt mẹ đang gỉ từng hạt khi tôi bỏ chiếc áo mưa xuống.

Trên đường về, mẹ luôn hỏi tôi thích ăn gì, thích chơi gì để mẹ mua. Mẹ nghĩ đơn giản rằng, con nhà người ta được miếng này miếng nọ, xe cộ đưa đón, con nhà mình cơm ăn chẳng no, nhiều hôm ăn mèn mén, cơn độn là lỗi của bố mẹ. Nhưng chính điều đó tôi phải cảm ơn bố mẹ vì cho tôi thấy được sự vất vả, tần tảo của bố mẹ, chỉ có điều tôi không nhận ra mà phải đến lúc thấy mẹ đội mưa đứng đợi cổng trường tôi mới biết lòng mẹ bao la như thế nào.

Tôi nhìn xuống những vòng quay xe đạp, bàn chân mẹ bấm chặt để đạp qua con dốc lớn, tôi bảo mẹ cho xuống nhưng mẹ bảo tôi cứ ngồi yên. Cứ vài ngày mẹ lại đi chợ hoa đêm, chỗ lấy hoa cách đến 30km, xe hoa nặng một mình mẹ đi trong mưa đêm mẹ chẳng than vãn một câu, mẹ coi con dốc đó như con đường phải đi qua trên cuộc đời.

Về đến nhà, mẹ không hề giận tôi. Mẹ lấy quần áo cho tôi thay, tôi tắm cho dù cả người mẹ đang ướt sũng, giọt nước mắt ấm nóng hòa chung với giọt mưa lạnh ngắm bặm chặt trên mặt mẹ, tóc mẹ bết lên lấm lét, đôi môi thâm lên vì quá lạnh. Mẹ muốn đưa tôi đi thi và luôn hy vọng tôi đỗ đạt, cuộc đời mẹ vất vả từ nhỏ không có cơ hội học hành, mái tranh nghèo nhưng luôn ấm áp và tràn đầy hy vọng.

Những ngày tháng sau này, sự tảo tần của mẹ giúp cho kinh tế gia đình ổn định hơn. Còn chiếc xe đạp phượng hoàng mẹ vẫn dùng để đi lại, không phải để minh chứng cho điều gì mà đơn giản mẹ quen xe đạp và không đi được xe máy, đến tuần rằm, mẹ vẫn đạp xe đạp đêm đi chợ lấy hoa về bán, nhiều đêm mưa lớn tôi lại tỉnh ngủ và nhớ đến ngày mẹ cùng tôi đi thi. Mẹ kiên cường là thế, mẹ âm thầm là thế và tình mẹ bao la là thế, tất cả cũng chỉ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, cho gia đình.

Nguyễn Văn Công
(xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

“Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu 2019, diễn ra từ 23-7 tới 23-9, mời gọi bạn đọc chia sẻ câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Từ ngày 26-8 đến nay, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được bài viết của các tác giả Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Nguyên Hiếu, Công Nguyễn, Minh Út, Nguyễn Nguyên An, Liên Khanh, Thích nữ Huyền Trúc, Mai Ngọc, Liên Hoa Mỹ, Thích Đạo Như…

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày