Những hạt đậu biết nhảy

GN - Ở vùng xa xôi kia có một bà lão sống một mình trong túp lều tranh, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà kiếm sống bằng việc trồng trọt rau đậu trên một thửa đất nhỏ gần nhà. Bà rất tốt bụng, tuy nghèo nhưng bất kỳ người khách đường xa nào mệt mỏi ghé xin nước uống hoặc củ khoai cho đỡ đói lòng bà đều sẵn sàng chia sẻ phần của mình.

Một ngày kia, có người khách hành hương thấy bà sống cô độc nghèo nàn giữa hoang vu, biết là bà có nhiều nghiệp chướng từ những kiếp trước bèn truyền cho bà một câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ-tát có thể dùng để giải trừ nghiệp chướng.

Bà già không biết chữ cho nên luôn miệng lẩm bẩm cố học thuộc lòng. Câu thần chú gồm có sáu chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng nhưng bà đã nhớ nhầm cách phát âm trở thành Án Ma Ni Bát Di Xanh.

Chùm truyện gồm 2 trong số nhiều câu chuyện cổ được nhà văn Nguyên Hương gửi về Giác Ngộ. Những câu chuyện vốn dĩ quen thuộc, song qua cách kể của chị, tất cả hiện lên với một nét đẹp rất riêng, không chỉ dành cho trẻ em, mà cho cả người lớn. Thì ra, cuộc sống dù hiện đại đến đâu, những câu chuyện cổ vẫn là chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn cho bao thế hệ..., không thể nào thiếu được!

Đ.T.Đ

Hàng ngày, sau khi đã xong công việc trồng trọt và gặt hái, bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại. Cứ như thế, bà tụng niệm từ ngày này sang này kia.

Lòng thành kính của bà được ứng hiện cho nên sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, cứ một câu thần chú vừa được phát ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Bà lão thấy vậy thì vui mừng lắm, càng chuyên cần tụng niệm chăm chú hơn.

Một hôm nọ có một vị sư đi ngang qua mái lều tranh lụp xụp của bà, thấy có ánh hào quang tỏa rực rỡ, vị sư lấy làm kinh ngạc, nghĩ rằng bên trong mái lều tranh này có một vị chân tu đắc đạo, ông ghé vào thăm hỏi.

hat dau.jpg

Ảnh minh họa

Bà lão xúc động khi thấy vị Tăng đến thăm, bà quỳ xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.

Vị sư lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát xuất từ nơi đâu.

Ông lần lần hỏi thăm:

- Chẳng hay nữ thí chủ tu tập bao nhiêu năm rồi và ở đây còn có ai khác nữa hay không?

- Thưa ngài, ở đây chỉ có một mình tôi.

- Bà ở một mình có buồn không?

- Tuy chỉ ở một mình nhưng hàng ngày tôi tu tập tụng kinh, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn khổ.

- Bà đang tu luyện kinh sách nào vậy?

- Thưa ngài, tôi không biết chữ, tôi chỉ biết tụng niệm duy nhất một câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.

Nhà sư thở dài tiếc nuối:

- Bà lão ơi, bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng.

Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn này, như vậy thì bao nhiêu năm tụng niệm coi như dã tràng xe cát biển đông.

- Xin cám ơn ngài cũng đã cho tôi biết mình sai, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai nữa.

Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con đường của ông.

Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của bà mà lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng.

Thế nhưng tâm trí của bà còn rối loạn vì sự việc vừa rồi cho nên ý chí của bà không được tập trung.

Mỗi câu niệm của bà không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa tụng niệm mà nước mắt cứ tuôn rơi vì tiếc cho công phu bao nhiêu năm trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.

Đi được một quãng, nhà sư ngoái đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng, bây giờ túp lều tranh hiện hình dột nát mà lại âm u buồn bã. Nhà sư ngạc nhiên quay trở lại, nhìn qua khe cửa, ông thấy khuôn mặt bà lão đầm đìa nước mắt và câu tụng niệm lộn xộn khi thì “Án Ma Ni Bát Di Hồng”, khi lại là “Án Ma Ni Bát Di Xanh”…

Nhà sư giật mình nghĩ rằng chính mình đã khiến bà lão không còn tập trung được tư tưởng như trước. Ông vội vã bước vào và nói với bà lão rằng:

- Lúc nãy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.

- Nhưng tại sao sư phụ lại dối gạt tôi như vậy?

- Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam bảo như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là đúng.

Sau khi nhà sư ra đi, bà lão yên tâm tiếp tục tụng niệm, mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra với tâm hồn bình an tươi mát và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh.

Nhà sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn lại thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão làm sáng rực cả một góc trời.

***

Trên đây là câu chuyện đã được lưu truyền rất rộng rãi trong thế giới Phật giáo, từ người này kể qua người kia đã có thay đổi vài chi tiết nhỏ nhưng nội dung của nó luôn gây niềm xúc động vì tấm lòng thành kính của bà lão đối với Tam bảo. Câu chuyện này nói lên rằng âm điệu của thần chú tuy rất quan trọng, thế nhưng lòng thành kính và ý chí chân thành trong lúc niệm thần chú còn quan trọng hơn nhiều.

Xâu ngọc nước

Sương mù đã tan hẳn.

Vầng thái dương chiếu ánh sáng huy hoàng giữa không gian trong vắt.

Từng cơn gió mát lạnh từ phương Nam thổi về làm rơi những hạt nước trong suốt như pha lê còn đọng ở đầu cỏ lá cây.

Cảnh vật nơi vườn Ngự sau cơn mưa càng đượm vẻ thanh tân tươi thắm.

Nơi thềm cao, nàng công chúa tuổi nhỏ ngồi trên cẩm đôn đưa mắt nhìn ngắm cỏ hoa. Bên này, nơi hồ bán nguyệt, những đóa hoa sen tươi đẹp mịn màng màu trắng màu hồng xen lẫn thấp cao trên mặt nước. Đằng kia, chung quanh hòn giả sơn, những thứ hoa quý lạ từ bốn phương dâng về, hương sắc thanh kỳ phô vẻ nghìn hồng muôn tía duyên dáng rạng ngời trước ngọn gió mai. Xa xa, mấy gốc thùy dương dịu dàng nghiêng mình soi bóng bên dòng suối nhỏ.

Khung cảnh tuy đẹp nhưng không gợi được niềm vui cho công chúa nhỏ vì mắt nàng đã quá quen thuộc, nàng nghĩ ngợi mơ mộng vơ vẩn và ước mong một cái gì khác lạ hơn nữa…

Bỗng công chúa chăm chú vào một cảnh tượng - từ trên mái, nước mưa còn đọng lại rơi xuống từng giọt đều đều, nối thành những bóng nước tròn, trôi lăn theo rãnh đá hoa trắng.

Dưới nắng ban mai, những bóng nước ấy lấp lánh nổi nhiều màu sắc kỳ ảo như những hạt ngọc đẹp đẽ lạ thường. Nét mặt công chúa sáng lên, nàng mỉm cười thầm nghĩ “Chà, những hat ngọc kia sao mà đẹp thế. Ta đã có nhiều châu báu, nhưng chưa thấy thứ ngọc nào đẹp như thế này. Giá ta có một tràng chuỗi ngọc như thế để quàng cổ thì thích biết bao”.

Nghĩ xong, công chúa lại thừ người nhìn ngắm say sưa quên hẳn bao nhiêu tươi thắm sống động quanh mình cho đến khi một cung nữ se sẽ đến gần, cung kính:

- Thưa công chúa, phụ vương và mẫu hậu đến thăm.

Công chúa nhỏ đứng lên, vẻ tiếc rẻ ngoái nhìn lại những bóng nước lấp lánh.

Thấy trên mặt ngây thơ của công chúa yêu dấu có vẻ khác thường, hoàng hậu dịu dàng hỏi han. Nàng công chúa thơ ngây mới thuật chuyện những viên ngọc quý và nói ước vọng của mình.

 Nghe xong, nhà vua và hoàng hậu bật cười:

- Ồ, con yêu của ta khéo vớ vẩn thì thôi. Những hạt ngọc mà con nói đó chỉ là những bóng nước làm sao kết được tràng chuỗi? Nhưng con đừng buồn, trong kho tàng không thiếu thứ ngọc quý nào, cha mẹ sẽ cho con tùy ý lựa chọn.

Nói đoạn, nhà vua sai quan giữ kho lựa những thứ ngọc thật đẹp đem đến cho công chúa. Nhưng xem từ thứ ngọc này đến thứ ngọc khác, công chúa vẫn không vừa ý, nhất định đòi cho được thứ hạt ngọc mà mình đã trông thấy.

Ước vọng không thành, lòng mơ tưởng những viên ngọc tuyệt đẹp làm cho công chúa buồn rầu sinh bệnh.

Bệnh của công chúa mỗi ngày mỗi nặng. Nhà vua và hoàng hậu vô cùng lo lắng, sợ sự tưởng nhớ vô lý kia có thể làm gầy mòn và cướp mất đứa con yêu của mình.

Đức vua phán hỏi các quan làm thế nào cho công chúa hết bệnh? Tất cả triều thần đều nhìn nhau lặng thinh. Ngài lại hạ chiếu cho đòi những người thợ chuốt ngọc tài giỏi vào triều và hỏi có thứ ngọc nào như những bóng nước lấp lánh ngũ sắc để làm tràng chuỗi cho công chúa?

Tất cả thợ ngọc đều tâu không thể nào tìm được thứ ngọc như thế. Sau cùng, đức vua cho truyền rao khắp trong nước: Nếu người nào làm cho công chúa hết bệnh, sẽ được thưởng nghìn vàng.

Một buổi sáng tinh sương, có người thợ già, râu tóc bạc phơ xin vào ra mắt. Sau khi bái yết xong người thợ già tâu:

- Muôn tâu, bệnh của công chúa là tâm bệnh, không thể dùng thuốc thang điều trị. Muốn hết bệnh lành, tất phải làm thỏa nguyện vọng của người ốm. Nhưng có điều khó là bóng nước không thể kết làm tràng chuỗi được.Tuy nhiên, thần đã có phương chước làm cho công chúa hết bệnh.

Như trút được gánh nặng, đức vua vô cùng mừng rỡ, liền đến phòng công chúa âu yếm bảo:

- Hôm nay có người thợ già hứa sẽ xâu được chuỗi ngọc ấy cho con.

 Lời nói có một hiệu lực phi thường - công chúa nở nụ cười và cơn buồn rầu tiều tụy tiêu tan.

Người thợ già hẹn đợi mưa sẽ làm theo ý công chúa. Dịp may, sáng hôm sau, trời đổ mưa xuống. Khi trận mưa vừa tạnh, những bóng nước xuất hiện nơi lòng rãnh đá hoa như hôm nào.

Người thợ già tâu vua xin mời công chúa ra trước thềm điện vàng và thưa:

- Tôi tuổi già, đôi mắt đã mờ, không phân biệt được vẻ tốt xấu. Xin công chúa tùy ý lựa hạt ngọc nào đẹp nhất, tôi sẽ xỏ cho.

Công chúa hớn hở vui vẻ cúi xuống đưa tay vớt… Nhưng những ngón tay nàng vừa chạm đến thì cái bóng nước nào cũng vỡ tan. Nàng mệt nhoài mà chẳng vớt được “hạt ngọc” nào được chi cả.

Người thợ già hỏi:

- Thế nào? Thưa công chúa, những hạt ngọc công chúa chọn đâu rồi?

Tỉnh ngộ ra, công chúa xấu hổ cúi đầu:

- Ta hiểu rồi, dẫu có đẹp đến thế nào thì chúng chỉ là bóng nước mà thôi.

***

Đừng như nàng công chúa nhỏ ngây thơ trên đây để cho mình phát bệnh vì cái đẹp hư ảo nhé.

Nguyên Hương kể

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày