Đất nước của con gái tôi

Ảnh: Lê Đình Hoàng
Ảnh: Lê Đình Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với người Mỹ, chiến tranh ở Việt Nam là một nỗi ám ảnh lớn, không chỉ những cựu binh tham chiến mà cả trong những gia đình có người thân bị đẩy sang Việt Nam trước đây.

Một nước Mỹ của chiến tranh

Ấn tượng về nước Mỹ và người Mỹ trong người Việt chúng ta thật đa dạng. Nhà cầm quyền Mỹ đã từng tạo nên cuộc chiến ở Việt Nam, phân chia ranh tuyến Nam - Bắc trong một thời gian khá dài.

Chiến tranh đã để lại nhiều tang tóc cho nhiều gia đình, dư họa chiến tranh như trẻ mồ côi, người bị dư chấn tâm lý, thương tật vĩnh viễn và âm ỉ nhất là nhiễm chất độc da cam, một nỗi đau không dễ vơi đi khi bao phụ nữ vô sinh, bao người đàn ông bệnh hoạn triền miên, bao trẻ em với dị tật và thiểu năng trí tuệ...

Những nỗi đau đó thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp đâu đó. Ai đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thì có thể hình dung sự mất mát quá lớn trong bao gia đình Việt. Ai đến những Làng SOS, những trung tâm như Làng Hòa Bình... sẽ thấy được hậu quả khôn lường của những hành vi hủy diệt phi nhân tính của chiến tranh để lại...

Và những người Mỹ yêu chuộng hòa bình

Hàng triệu người, trong đó đa số là người Việt đã ngã xuống vì mục tiêu cao đẹp là độc lập và thống nhất đất nước. Trước giá trị cao đẹp đó, nhân dân Mỹ cũng đã ủng hộ bằng nhiều cách, ở ngay trên đất nước họ và ở cả trên chiến trường Việt Nam.

Chúng ta đã từng biết tới những cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam của Luther King, các cuộc biểu tình, đình công phản đối chiến tranh ở Việt Nam và phản đối việc đưa người thân sang chiến trường Việt Nam ở trường đại học, ở các nhà máy và đô thị lớn của Hoa Kỳ... liên tục được tổ chức. Hòa bình cho Việt Nam không phải chỉ là khao khát của người Việt mà còn là điều mong muốn của nhân dân Mỹ.

Câu chuyện về cựu binh Mỹ như Hugh Thompson và Larry Coburn đã về lại chiến trường Mỹ Lai xưa, tìm đến những gia đình nạn nhân trong trận thảm sát khốc liệt năm xưa, do một thôi thúc nào đó, họ đã không ngăn được hành động xả súng điên cuồng vào người dân vô tội. Và họ đã sám hối để cầu nguyện cho người đã chết và thăm những gia đình có người chết. Giọt nước mắt, tiếng đàn violon của họ ở Mỹ Lai mà báo chí đã viết, những đại lễ cầu siêu, tưởng niệm sau đó gần ba mươi năm, những tác phẩm văn chương, điện ảnh đã hình tượng hóa thực tế đó.

Hay chuyện người lính tình báo Mỹ Fred Whitehurts đã cất giữ cuốn nhật ký của bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong một trận đánh ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) một cách âm thầm, cẩn thận và xem như một kỷ vật thiêng liêng, để 35 năm sau, chúng ta biết được những tâm sự riêng tư và nhiệt huyết, lý tưởng đấu tranh của người con gái này và thế hệ trưởng thành thời bấy giờ.

Con người cần tình thương yêu. Chiến tranh là nhất thời. Chính tình thương yêu và sự hòa hợp mới làm cuộc sống tươi đẹp, nở hoa...

Tình thương yêu - chiếc cầu nối kết mọi khác biệt

Chiến tranh kết thúc, nền hòa bình được lập lại. Mỹ và Việt Nam đã qua nhiều giai đoạn phát triển, xây dựng. Đâu đó chiến tranh vẫn còn, nhưng tâm thức của con người ở hai đất nước dần dần được xích lại gần nhau, được nối kết bằng tình thương thực sự, tình thương tự nhiên như dòng chảy của con suối...

Câu chuyện về gia đình Giáo sư James Hullett và vợ là Eileen Heaney ở Boston, một gia đình trí thức Mỹ sống kín đáo mà chúng tôi sẽ kể sau đây sẽ là một trong nhiều thực tế sinh động khác, về tình thương yêu thực sự, có điều, với người này họ có thể diễn đạt được bằng lời, còn với người khác lại ẩn chứa sâu trong lòng.

Eileen Heaney là một họa sĩ đương đại của Mỹ. Năm 1997 bà cùng với chồng là ông James Hullett – triết gia, giáo sư đại học và là giám đốc một nhà xuất bản sách triết học - về Việt Nam để nhận bé gái mà sau đó ông bà đặt tên là Frankie từ trại trẻ mồ côi Hội An, Đà Nẵng làm con nuôi. Bé Frankie lúc đó 5 tháng tuổi, được ông bà đem về Boston nuôi nấng, dạy dỗ với tất cả tình thương mến.

Ông bà nói: “Nhận nuôi bé Frankie là một điều tuyệt vời nhất của cuộc đời chúng tôi”. Kể từ đó, ông bà cùng bé Frankie đã bắt đầu học hỏi, nghiên cứu và thu nhận nhiều tinh hoa văn hóa Việt Nam. Họ cho bé học tiếng Việt, nấu món ăn Việt, tự hào giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt với bạn bè xung quanh. Họ thương yêu, kính trọng và mến phục người Việt cũng như văn hóa Việt với tất cả tấm lòng. Bé Frankie bây giờ là một bé gái học lớp 4, là học sinh xuất sắc tất cả các môn học, vẽ giỏi, đàn piano hay, và là một diễn viên ba-lê xuất sắc.

Chúng tôi biết câu chuyện này qua một người bạn học cùng lớp Tô Diệu Linh hiện đang định cư tại Mỹ, là người quen biết của ông bà.

Linh cho tôi được biết, là một gia đình trí thức, dù cũng có tiếng tăm ở trong vùng, và dù Linh là người thân, được ông bà xem như là người trong gia đình, nhưng khi tôi ngỏ lời xin ông bà một tấm ảnh gia đình để giới thiệu cho độc giả Việt Nam, cùng với bài thơ đầy xúc cảm và suy tư, đầy tình yêu thương của bà, bài thơ bằng tiếng Anh “My Daughter’s Country” (Đất nước của con gái tôi) mà Linh đã chuyển ngữ tiếng Việt và tôi được đọc.

Thật lâu Linh mới hồi âm cho tôi, với lời giải thích: không dám hứa vì không chắc chắn có được sự đồng ý của ông bà dù là thân tình. Ông bà không muốn viết thêm điều gì cả, chỉ muốn “bài thơ tự nói lên lòng mình” mà thôi. Cuối cùng, một hôm, Linh email cho tôi với lời nhắn: ông bà đã ngoại lệ đồng ý. Đó là bức hình duy nhất gia đình ông bà chụp tại “quê hương của con gái” mình trong một lần đưa con gái nuôi Frankie về thăm Việt Nam.

Kỷ niệm 10 năm chuyến đi lịch sử về VN để đón nhận Frankie, tháng 4 năm 2007, cả gia đình của Frankie lại về VN, làm một chuyến đi xuyên Việt để rồi lại tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng Việt Nam là một đất nước quá đẹp, người Việt Nam thật quá tình cảm và sâu sắc. Bài thơ dưới đây được viết ở Hà Nội, nói lên cảm xúc sâu sắc của Eileen Heaney đối với người VN và ước mong có được một tiếng nói chung và sự thông cảm giữa những người Việt Nam sống ở Mỹ và sống ở Việt Nam, vượt qua quá khứ đau buồn của chiến tranh chia cắt để hướng về một tương lai của hòa hợp và tình thương mến.

***

ĐẤT NƯỚC CỦA CON GÁI TÔI

Đất nước của con gái tôi đã từng bị ngoại bang làm tan nát

Những mảnh vỡ trôi dạt khắp nơi

Ném khỏi căn nhà thân thương, những trái tim chia lìa xa cách

Đập vỡ bằng những giọt nước mắt đau đớn, đắng cay

Đất nước bị dập vùi, tơi tả với những vết thương không bao giờ lành miệng.

Cả hai hàng nước mắt đón chúng tôi bằng nụ cười rộng mở và hỏi han

Người Việt à?

Cháu quê ở đâu vậy?

Bao nhiêu tuổi?

Nói tiếng Anh?

Nói tiếng Việt?

Giọng nói của họ ấm áp và tràn đầy thương mến

Tình yêu của họ như nỗi niềm muốn làm lành miệng vết thương

Ngoại bang dường như đã được tha thứ

Nhưng còn đó khoảng cách nhức nhối của hai bên

Đến tận cùng họ cần tha thứ cho nhau

Để nhịp tim lại bắt đầu đập mạnh

Những mảnh vỡ hàn gắn và lành lặn lại như xưa

Hợp cùng nhau và hít thở cùng một nhịp.

(Diệu Linh dịch và giới thiệu)

My Daughter’s Country

My daughter’s country, blown apart by foreign forces.

Shards flown far and wide–

thrown from home and hearts’ deep matter,

torn with tears of bitter aching,

ripped and sore–an open wound inconsolable.

Both sides of tears greet us with broad smiles and ask:

Vietnamese?

Where is she from?

How Old?

Speak English?

Speak Vietnamese?

The warmth and affection in their voices ring clear.

Their love embodies reconciliation to heal the wound.

Foreign forces seem forgiven.

Yet the gap between the two halves festers.

At the core one must forgive each other

so the heart beats strong again.

Shards make connections and reassemble;

rejoin to live and breathe as one.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày