Những hiện vật đất nung mới phát hiện ở Phú Mỹ: Một loại hình biểu tượng của Phật giáo Champa

Nghệ thuật điêu khắc Chăm là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản nghệ thuật Việt Nam. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc Chăm gắn liền với tín ngưỡng, phản ảnh những tư duy trừu tượng lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ. Những hiện vật đất nung hình tháp mới phát hiện tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ thuộc nhóm này.

champa.jpg

Hòn non bộ nhà ông Nguyễn Kha
được tạo bởi những hiện vật đất nung hình tháp.

Năm 1980, ông Nguyễn Kha, cán bộ hưu trí ở thôn Xuân Bình Bắc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, trong quá trình thu hoạch sắn dây tình cờ phát hiện những hiện vật bằng đất nung có hình dáng lạ nên mang về nhà tạo hòn non bộ. Nơi tìm thấy hiện vật có một mái đá nhỏ gọi là Đá Mặt Khỉ. Thời điểm tìm thấy các hiện vật này, cạnh mái Đá Mặt Khỉ có một khu gò nổi cao tục danh là Gò Thần với nhiều gạch đá vương vãi. Tuy nhiên, khi phát hiện ra cổ vật trên non bộ, cán bộ bảo tàng lần ngược về nơi tìm thấy hiện vật, thì nơi này đã được cải tạo thành một cánh đồng khá bằng phẳng nằm trong thung lũng.

Hiện tại nhà ông Kha có 42 hiện vật ghép thành 2 hòn non bộ. Do hiện vật đã được gắn vào non bộ nên không đo được kích thước cụ thể. Về mặt chất liệu là loại gốm thô, có lẫn nhiều tạp chất, màu đỏ. Toàn bộ các hiện vật có đặc điểm chung là rỗng ruột, hình tháp, với phần thân dưới lớn để trơn, thân trên được nặn tạo thành những đường rãnh lõm hình con tiện nhỏ dần, trên cùng là phần chóp nhọn.

2.

Nhóm hiện vật này rất giống với 3 hiện vật đất nung Champa đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ba hiện vật Bảo tàng cũng được sưu tầm ở khu vực xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, nhưng mức độ nguyên vẹn không được như những hiện vật ở nhà ông Nguyễn Kha.

Năm 2003, tại bờ nam sông Côn thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn tìm thấy một hiện vật đất nung Champa hình con tiện (kiểu chân đèn), nhưng không giống loại hình tìm thấy ở Mỹ Thành.

Hiện vật tìm thấy ở Mỹ Thành, Phù Mỹ, cũng được phát hiện tại một số di tích văn hóa Champa thuộc các tỉnh khác như Huế, Quảng Nam, Phú Yên. Biểu tượng hình xoắn này còn được thể hiện ở một số tháp gạch (có kích thước khác nhau) tại khu di tích Champa Tu viện Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam .

Trong khu vực Gò Thần và Rừng Cấm thôn Xuân Bình Bắc, nơi phát hiện những hiện vật đất nung hình tháp còn phát hiện nhiều mảnh gốm men, sành, đất nung thuộc nhiều niên đại khác nhau, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX. Trong đó, có gốm Trung Quốc, gốm Chăm và gốm Việt, nhiều nhất là nhóm gốm tráng men thời Nguyên – Trung Quốc thuộc thế kỷ XI – XII.

Những chứng cứ này có thể cho ta đoán định, đây là địa bàn cư trú của cư dân Champa khoảng trước và sau thế kỷ X, trong quá trình sinh sống người Chăm đã có những hoạt động trao đổi, buôn bán và sử dụng nhiều đồ dùng sinh hoạt có nguồn gốc nam Trung Quốc thời Tống, thời Nguyên và cả người Việt.

3.

Những hiện vật đất nung hình tháp tìm thấy ở Mỹ Thành, Phù Mỹ là một loại hình biểu tượng của Phật giáo Champa, có thể biểu tượng được trang trí độc lập, hoặc trang trí các bờ mái của kiến trúc. Các biểu tượng của các hình thức của tháp là một chủ đề lớn và phức tạp. Tháp tượng trưng cho năm yếu tố, màu sắc (vàng, trắng, đỏ, xanh lục, không màu) và là mối quan hệ để giác ngộ tâm. Trong quan niệm Phật giáo Champa nói riêng và Phật giáo nói chung, bảo tháp còn giúp ngăn ngừa bệnh tật và cân bằng các lực lượng của thiên nhiên cũng như mang lại phước lành, sự thịnh vượng, sức khỏe và hạnh phúc cho cộng đồng.

Ở các di tích Champa Bình Định đã phát hiện nhiều hiện vật điêu khắc Champa liên quan đến Phật giáo được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, đất nung (tượng hoặc phù điêu phật, bồ tát…). Riêng loại hình đất nung dạng hình tháp chỉ được tìm thấy ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Việc phát hiện loại hình hiện vật mới này sẽ làm phong phú thêm sưu tập đất nung văn hóa Champa Bình Định và gợi mở cho các nhà nghiên cứu một số suy nghĩ về kỹ thuật chế tác đất nung phục vụ tín ngưỡng của người Chăm lúc bấy giờ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày