Những khó khăn, tồn đọng sẽ dần được tháo gỡ

TT.Thích Thiện Quý - Ảnh: Bảo Toàn
TT.Thích Thiện Quý - Ảnh: Bảo Toàn

GN - Sau chuyến thăm và làm việc lần đầu tiên của đoàn công tác do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cử với 24 Ban Trị sự (BTS) GHPGVN quận huyện, từ ngày 3-9 đến ngày 3-10, chia sẻ với phóng viên Báo Giác Ngộ, TT.Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN TP.HCM cho biết:

- Phật giáo TP.HCM đã trải qua chặng đường 37 năm (1982-2019) đồng hành với dân tộc để kiện toàn, phát triển phù hợp với nhu cầu và định hướng theo phương châm “Phật pháp bất ly thế gian”. Từ trước đến nay, mọi Phật sự của Phật giáo TP đều được xây dựng trên nền tảng hoạt động Phật sự đồng bộ của các ban chuyên môn trực thuộc và BTS Phật giáo 24 quận huyện.

Do vậy, Phật giáo quận huyện quản lý Tăng Ni, tự viện tốt, hướng dẫn Phật tử tín đồ tu tập đúng Chánh pháp thì đó là tiềm lực hạ tầng để ổn định ngôi nhà Giáo hội. Các ban trực thuộc phát huy được vai trò, trách nhiệm chuyên môn, vượt qua được những thách thức của thời cuộc thì ngôi nhà Giáo hội TP sẽ phát triển đồng bộ và vượt bậc.


Với cái nhìn cá nhân, tôi cho rằng Giáo hội TP.HCM là một trong các tổ chức của Giáo hội có tiềm lực, sự hội nhập và phát triển về mặt Tăng Ni, cơ sở tự viện và tín đồ Phật tử. Bởi lẽ, tại thời điểm này, TP.HCM là nơi hội tụ Tăng Ni đông, cơ sở tự viện tại TP có số lượng nhiều so với các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó khoảng 90% là các cơ sở tự viện sinh hoạt ổn định, có tiềm lực phát triển trong hệ thống tổ chức của Giáo hội, đi vào quy củ.

Với vai trò là Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN TP, người đại diện đoàn công tác đúc kết trong các phiên thăm, làm việc vừa qua, vậy theo Thượng tọa, vấn đề nào nổi cộm đáng quan tâm và cần giải quyết nhất?

- Vấn đề cần quan tâm hiện nay là tập trung đầu tư cho công tác quản lý Tăng Ni, tự viện nhiều hơn nữa, chúng ta có thể chia ra các nhóm tồn đọng cần quan tâm như: Thực trạng di cư cơ học của Tăng Ni tập trung về TP ngày càng đông nên nhu cầu cơ sở tự viện càng nhiều, trong khi tính hợp pháp của tự viện phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được Ban Thường trực BTS GHPGVN TP chấp thuận. Hiện tại có một số cơ sở đã hình thành khoảng thời gian năm 1990 và sau năm 2000 vẫn còn bị vướng mắc.

Một số ít cơ sở tự viện do gia tộc quản lý chưa nhận thức rõ hoặc cố chấp trong việc đăng ký danh bạ tự viện của Giáo hội nên tự viện đã có trước năm 1981 mà vẫn hoạt động như một cơ sở thờ tự với những nét tín ngưỡng gia tộc, dân gian. Trường hợp xấu hơn nữa, họ tự “cải tự vi gia” và phát mãi.

Một số ít Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện quan ngại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo chỉ có tên tự viện mà không có tên vị trụ trì hay người quản lý; bị mất giấy chứng minh nguồn gốc đất của cơ sở; nằm trong khu quy hoạch lộ giới hoặc khu dân cư; một số ít Tăng Ni vẫn còn cư trú ngoài tự viện với tư cách là công dân bình thường; nhiều trường hợp Tăng Ni tại địa phương xin đăng ký thường trú vào tự viện cùng địa phương nhưng chưa được chính quyền địa phương chấp thuận, trong khi Tăng Ni đang là trụ trì tự viện.

Hiện nay, tại các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Tăng Ni có nhu cầu về đây mua đất cất thất, rồi phát sinh những cơ sở tự viện chưa được hợp thức hóa. Vấn đề tồn đọng nữa là bổ nhiệm trụ trì, đa số các tự viện chưa được bổ nhiệm trụ trì là do tự viện đó thuộc gia tộc quản lý, nội bộ chưa ổn định.

cangio.1.jpg

TT.Thích Thiện Quý đúc kết buổi làm việc cùng BTS Phật giáo H.Cần Giờ

Sau chuyến thăm và làm việc, lắng nghe phản ánh thực tế từ các BTS Phật giáo quận huyện trên địa bàn TP.HCM, Ban Thường trực BTS TP sẽ có công tác gì tiếp theo nhằm hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn đã được kiến nghị, thưa Thượng tọa?

- Sau chuyến thăm này, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP sẽ định hướng các mục tiêu để xây dựng chương trình cần thực hiện, đối với các tồn đọng thuộc vai trò, trách nhiệm Giáo hội địa phương, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, ấn định thời gian để hoàn tất.

Đối với lĩnh vực thuộc vai trò, trách nhiệm Giáo hội TP, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP tăng cường công tác chỉ đạo các ban chuyên môn thực hiện, hoặc kết hợp với BTS Phật giáo địa phương thực hiện.

Các tồn đọng có liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước, Ban Thường trực BTS Phật giáo TP sẽ có buổi làm việc và trao đổi với các cơ quan hữu quan để được hỗ trợ theo quy định.

Về vấn đề Tăng Ni còn ở nhà ngoài, Ban Thường trực BTS TP cũng đã có chỉ đạo lãnh đạo BTS Phật giáo quận huyện kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Tăng Ni vào tu học tại tự viện để ổn định.

Sắp tới, BTS Phật giáo TP cũng sẽ mở thêm các khóa tập huấn để Tăng Ni, lãnh đạo Phật giáo địa phương hiểu hơn hệ thống tổ chức của Giáo hội, thông thạo những quy định của Giáo hội, pháp luật Nhà nước, từ đó nâng cao vai trò của mình trong công tác quản lý Tăng Ni, tự viện nhằm có sự đồng bộ giữa các cấp, ban chuyên môn trực thuộc Giáo hội TP.

Hiện nay, có một vài cơ sở tự viện biến mất, chỉ còn có tên trong danh bạ tự viện cũ. Thưa Thượng tọa, vì sao lại xảy ra hiện tượng này?

- Đây là thực trạng tự viện do gia tộc quản lý, các vị tiền trụ trì đã viên tịch, thế hệ thừa kế đã “cải tự vi gia” và phát mãi. Việc làm này tự phát, mang tính cách cá nhân, Giáo hội địa phương và Giáo hội TP có động thái ngăn cản, nhưng giấy chứng nhận đất của các tự viện dạng này là do gia tộc đứng tên nên họ được quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

Từ khảo sát thực tế trong chuyến thăm, Thượng tọa nhận định như thế nào về trụ sở độc lập cũng như văn phòng của BTS Phật giáo quận huyện hiện nay?


Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban Tăng sự Phật giáo TP.HCM, toàn thành phố hiện có 1.575 tự viện, với 12.515 vị Tăng Ni.

- Qua khảo sát thực tế, 24 BTS Phật giáo quận huyện đều có văn phòng BTS. Trong đó có một số văn phòng đặt tại một cơ sở trung lập, được quản lý bởi Thường trực BTS quận huyện; văn phòng dạng này được đánh giá là hạng A với nhiều thuận tiện, có thể nâng cấp thêm trang thiết bị hiện đại để trở thành văn phòng hành chánh điện tử. 90% văn phòng còn lại đều đặt tại tự viện của Trưởng BTS Phật giáo quận huyện, do vậy tính bất cập luôn xảy ra, tức là địa chỉ văn phòng BTS Phật giáo địa phương thường hay thay đổi theo nhiệm kỳ.

Do vậy, BTS Phật giáo quận huyện nên chọn vị trí để đặt văn phòng sao cho phù hợp về mặt cơ sở, thuận lợi về mặt không gian, tiện lợi trong đi lại và giao dịch hành chánh, được sự thống nhất cao trong tập thể Thường trực Phật giáo địa phương.

Thượng tọa đánh giá như thế nào về kết quả của chuyến thăm, làm việc của đoàn vừa qua?

- Chuyến thăm, làm việc cùng với 24 BTS Phật giáo quận huyện là chuyến đầu tiên của chư tôn đức Ban Thường trực BTS Phật giáo TP, tạo thêm sự gắn kết trong đạo tình, hoạt động Phật sự giữa Giáo hội TP với Giáo hội địa phương.

Qua đó, chư tôn đức Ban Thường trực BTS TP lắng nghe được những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh một cách trung thực nhất của lãnh đạo Phật giáo địa phương trên tinh thần cởi mở và đoàn kết. Từ đó, BTS Phật giáo TP nắm bắt, xây dựng thêm những đề án, kế hoạch hoạt động Phật sự sát với thực tế, nhằm ổn định trong công tác quản lý Tăng Ni, tự viện.

Chuyến thăm, làm việc của chư tôn đức BTS Phật giáo TP đã vận động Phật giáo địa phương thiết lập văn phòng BTS hội đủ những yếu tố và điều kiện cơ bản nhất, thích nghi được với văn phòng hành chánh cấp thứ ba trong hệ thống hành chánh của Giáo hội; hướng đến xây dựng mạng lưới hành chánh điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, thuận tiện, hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế xã hội hiện đại.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa.

H.Diệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày