Những ký ức Tết...

GNO - 1. Từ xưa đến nay người dân thường quan niệm ngày Tết là mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người. Bởi vậy khoảng một hai tuần trước Tết người ta thường sơn, quét vôi nhà cửa, cho ngôi nhà của mình đẹp đẽ và sáng sủa hơn để đón Tết.

Cũng vì thế mà dịp này khi trên đường từ nhà đến nơi làm việc tôi thấy nhà nào cũng mới và đẹp. Mỗi ngôi nhà mang một màu sắc riêng theo sở thích của chủ nhân, tạo nên một khung cảnh đa màu sắc.

banh tet.jpg


Canh nồi bánh Tết - Ảnh minh họa

Người người cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Qua những siêu thị, những dãy phố chuyên quần áo thấy nhộn nhịp người bán người mua, không khí Tết đang tràn về trên từng con phố.

Trong những ngày Tết họ kiêng và tránh không nóng giận, cãi cọ hay phát ngôn những từ không hay.

Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm nhau và chúc nhau những lời hay và đẹp nhất mang đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì-xì. Tết ở các vùng miền ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau.

Hồi chiều đi qua chỗ bán các loại cây cảnh, câu đối Tết, nói thật là tôi cũng có chút xao lòng. Một cảm giác là lạ, len lỏi trong lòng.

Tết đối với người lớn là một sự bận rộn. Về công việc thì cuối năm càng bận rộn hơn ngày thường. Mong sao làm cho xong cho gọn, để ra Tết được thảnh thơi. Với những người đã có gia đình thì phải lo đối nội đối ngoại, họ hàng gần xa… sắm sửa mọi thứ.

Đối với những người ở thủ đô thì không sao vì mọi cái đều gần và thuận tiện, với những người xa quê, họ phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, mua đồ mang về quê, mua vé tàu xe, mà nghe đâu còn phải đặt vé trước cả tháng.

Còn với trẻ nhỏ thì háo hức đến lạ. Mong lắm được mặc những bộ đồ mới, đi đôi giày mới và hơn cả được lì-xì. Cảm giác nhận những bao lì xì có những hình con vật ngộ nghĩnh đáng yêu thật vui và hạnh phúc.

Thời khắc đất trời vào xuân, vạn vật đổi mới, con người ta dễ dàng mở lòng mình hơn với mọi sự vật và hiện tượng trên đời. Thấy tất thảy mọi thứ, mọi người đều gần gũi thân thương và nhẹ nhàng. Nhìn đâu cũng thấy đẹp, thấy yêu. Từ con người đến đồ vật, cỏ cây hoa lá.

2. Một việc làm mang tính chất truyền thống trong những ngày cuối năm là... tắm. Một mong ước gột rửa mọi phiền não và không may mắn trong năm cũ - để có một thân thể thật sự sạch sẽ và thơm tho đón năm mới.

Khi đồng hồ điểm 12g là giao thừa, tất cả chờ đón khoảnh khắc ấy. Giao thừa trở thành một cột mốc thời gian để mỗi người đánh dấu bắt đầu cho một sự đổi mới, cho những lời hứa hẹn. Một năm mới đem đến sức khỏe dồi dào, sự may mắn, những điều tốt đẹp nhất mà con người thường mong muốn và kỳ vọng vào nó.

Giây phút thiêng liêng đó khiến con người ta bao dung hơn, rộng lượng hơn. Muốn được nói câu xin lỗi hay thứ tha cho những điều không hay trong năm cũ. Được bỏ chúng lại phía sau như một giấc ngủ. Rồi tỉnh giấc khi năm mới đã tới, đón nhận những niềm vui và hạnh phúc. Tết mang lại sự bình yên cho mọi người.

3. Hồi nhỏ tôi rất thích Tết vì được nghỉ mấy ngày liền, được đi thăm ông bà ngoại, thăm các cậu mợ, chú dì, cô bác, anh chị và được nhận rất nhiều lì-xì và kẹo chocolate.

Tôi nhớ trước đây vào mỗi dịp gần Tết, ông nội thường nhắc mẹ mua gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh còn nguyên vỏ, hạt tiêu, lá dong… Những nguyên liệu cần thiết để gói bánh chưng. Mặc dù trong ngày Tết bánh chưng dùng không nhiều nhưng ông nội vẫn gói bánh. Không khí Tết cũng rộn ràng từ việc chuẩn bị đó.

Bắt đầu bằng việc rửa lá dong, ông nói muốn bánh ngon cũng một phần nhờ có lá. Lá có hai loại là lá nếplá tẻ. Lá dong được rửa sạch lau khô và tước gáy lá. Tôi cũng đã từng tước nhưng không được khéo lắm, hay bị rách lá.

Tiếp đến là ngâm đỗ, đãi vỏ và nấu. Mẹ nấu đỗ rất ngon, tôi chỉ mong khi gói bánh còn thừa đỗ để muốn mẹ nấu chè ăn.

 Tôi thích nhất lúc gói bánh, bởi ông nội gói bánh rất đẹp. Gói vo không bằng khuôn mà chiếc bánh vuông vắn và đẹp vô cùng. Ông luôn gói mấy cái bánh nhỏ dành riêng cho chị em tôi. Tôi thích ăn bánh chay nhân đỗ và đường, không thịt.

Khi sắp bánh vô nồi, đương nhiên những chiếc bánh nhỏ được đặt lên trên. Chiếc bánh nhân đỗ và đường được ông buộc thêm một lần lạt nữa để đánh dấu không bị nhầm với những chiếc bánh nhỏ khác.

Sau khi bánh chưng được luộc chín và vớt ra khỏi nồi để cho nguội. Bốn chiếc bánh được ông đặt ngay ngắn trên ban thờ tổ tiên.

4. Cùng với bánh là mâm quả mà mẹ đã lựa chọn đẹp nhất. Một nải chuối xanh to chụm lại ôm lấy quả bưởi đào. Xen kẽ là những trái lê, quýt, ớt đỏ…

Lọ hoa có hai lọ, một là hoa mang màu trắng, còn một lọ mang đa màu. Một cây quýt cảnh rất to được đặt chính giữa phòng khách, những trái quýt tròn vàng mọng, cả trái xanh nữa. Những tán lá xanh mướt và mầm non đang nhú tràn đầy sức sống. Tôi thường tô điểm thêm cây quýt bằng những chiếc đèn lồng nhỏ. Dàn đèn sao nhấp nháy tạo cho cây quýt đẹp hơn. Qua rằm tháng Giêng, cây quýt vẫn còn đẹp nguyên như những ngày Tết.

Tết năm nay ông không còn nữa, nhưng ba mẹ vẫn gói bánh chưng. Tết ở thành phố người ta ít gói bánh, mà hay đặt bánh ở ngoài rồi mang về nhà thắp hương và dùng trong mấy ngày Tết. Nhà tôi thì năm nào cũng gói bánh, dù ít hay nhiều vẫn gói. Có lẽ năm nay sẽ không vui như mọi năm vì thiếu ông!

5. Sau thời khắc giao thừa, tôi cùng người thân đi lễ chùa gần nhà. Mọi người đến chùa rất đông, người ta hay bẻ cành lộc mang về nhà, nhưng bây giờ ở chùa có sẵn những cành lộc, người đến lễ có thể mang về.

Cổng chùa bán rất nhiều gói muối rất đẹp, được đựng trong một chiếc hộp nhỏ xinh xắn. Tôi nghe nói đầu năm mua muối để lấy may. Khi còn nhỏ tôi cũng đã từng thắc mắc là tại sao lại mua muối đầu năm? Câu hỏi này chắc không riêng gì tôi mà có rất nhiều người đã từng hỏi như vậy.

Khoảnh khắc ấy những người bán muối vẫn đang làm việc. Họ vẫn chưa được nghỉ ngơi để đón mừng năm mới mà đây là cơ hội để họ kiếm thêm chút đỉnh. Những dịp như thế này bằng họ làm cả năm. Vì người đến chùa khi ra về không ai là không mua cả. Họ không về quê ăn Tết cùng gia đình, mà ở lại Hà Nội, cho đến rằm tháng Giêng mới về!

Tết đối với những người bán hàng rong và những người thu lượm ve chai, phế thải là thời điểm vào vụ giống như ở quê thu hoạch mùa lúa chín. Câu nói này là tôi được nghe từ chính những người bán hàng đó nói. Họ nói rất thật và chân thành.

Có không ít người hết sức ngạc nhiên và thích thú khi biết rằng trong đêm giao thừa cả gia đình tôi đều sum vầy bên nhau. Cùng ngồi bên nhau nghe bản nhạc Happy New Year và xem cầu truyền hình trực tiếp các điểm cầu xuân trên toàn đất nước. Với nhiều người hình như đó đã là một ký ức xa vời, là một ước mơ nhỏ bé mà năm nào cũng đem ra nhắc lại với chính bản thân mình.

Tôi mong sao những người xa quê nhà, xa gia đình được sum vầy bên nhau trong dịp Tết để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc, được trọn vẹn trong ba ngày xuân...

Hằng Châu (Hà Nội)

Giác Ngộ online xuân Ất Mùi 2015 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày