Những lời cám ơn muốn khóc…

GNO - Sơn Trung là một trường tiểu học ở huyện miền núi thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Học sinh ở ngôi trường này đa phần là dân tộc Raglai. Việc mưu sinh của cha mẹ đã khó, việc đi học của các em là một kỳ công.

So với các trường học ở miền xuôi thì các thầy cô ở Trường Sơn Trung ngoài việc giảng dạy cho các em biết chữ, còn tạo điều kiện để các em học tập tốt. Trong đó một phần nhờ vào sự hỗ trợ của các mạnh thường xuân, dù ít dù nhiều ghé đến chia sẻ cho các em chút ít vật phẩm. Với các em học sinh miền núi ấy, những món quà đâu cần to tát, đôi khi một gói bánh kẹo, vài cuốn vở là các em vui. Các em vui ít, các thầy cô giáo vui nhiều.

cac em hoc tro son trung voi loi cam on.jpg

Các em học sinh Trường Trung Sơn, huyện miền núi Khánh Sơn

Và có một nhóm thiện nguyện gồm các cựu học sinh Trường nữ trung học Nha Trang, thay vì làm những cuộc đi thăm từ thiện to tát, đã chọn các ngôi trường nhỏ mà ít đoàn từ thiện nào quan tâm, ghé đến. Các chị gọi nhóm mình có cái tên rất ngộ: Yamaha - nói vui gọi là Già Mà Ham. Nhóm Yamaha tự đóng góp tiền hàng tháng, kêu gọi bạn bè thân góp thêm, được ít chục triệu là lên đường, có khi đến xã Tầm Ngân cũng là những hộ nghèo, và có khi đến Sơn Trung.

 Các thầy cô Sơn Trung rất yêu trò, gởi gấm: “Nếu có điều kiện, các cô, các chị cho các cháu xin bộ đồng phục thể thao”. Trường có 240 em, đồng phục tính ra mấy chục ngàn một bộ, nhưng phụ huynh nghèo, cô thầy đi xin hộ. Nhóm tự vận động bạn bè được mấy chục triệu, mua cho các em bộ đồng phục, dư tiền mua tặng mỗi em một chiếc chemise trắng đi học.

Ngẫm lại trẻ con mà, gom cho tụi nó túi bánh kẹo vài chục ngàn, cho tụi nó vui. Không cần sổ sách, chẳng cần tính toán. Tiền đi xin nhóm mua cho các cháu hết, thuê xe và ăn uống dọc đường đóng tiền lại mà đi, các chị nói làm từ thiện là vậy.

 Cô hiệu trưởng Lương Thị Nghi, cô giáo Nguyễn Thị Lương và các thầy cô khác  vui còn hơn học trò khi đoàn tới. Ngẫm lại trường miền núi, nhìn các cô, các chị lặn lội đến trường mà lòng ấm lại. Mà có cách gì đáp trả, dẫu lời cám ơn tất nhiên là phải có.

 Và rồi, cả đoàn sau khi trao quà, khá bất ngờ khi các cháu học trò vòng tay cám ơn, đưa hai tay tấm thiệp rất vụng, chữ viết học trò nắn nót, ngoài thiệp còn cắt giấy làm hoa. Nét chữ ngô nghê ấy viết: “Bé Khôi, bé yêu bà quá bà ơi”, “Bé nhé ơn bà và cô chú nhiều ạ”, “Con nhớ bà và cô chú nhiều ạ. Con yêu quý mọi người”… Có thể  ý tưởng ấy là từ các cô giáo, nhưng đã lan truyền lòng biết ơn cho các em học trò, tạo những tấm thiệp ân tình, làm xúc động người trao niềm vui.

Những lời cám ơn ấy thực sự làm cho người nhận muốn khóc!

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày