GNO - Chúng ta có khả năng hấp thu quá mức lượng muối an toàn cho sức khỏe trong ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, ăn mặn hay hấp thu quá nhiều muối sẽ gây nhiều tác động xấu đến cơ thể.
Dưới đây là những điều cần lưu đối với việc hấp thu muối hàng ngày, theo các chuyên gia.
1. Muối ảnh hưởng đến huyết áp
Muối đặc biệt gây bất lợi cho người huyết áp cao. Muối tạo ra mức tăng huyết áp nhẹ ở người chưa bị cao huyết áp và làm huyết áp tăng mạnh ở người đã bị cao huyết áp - theo nghiên cứu năm 2017 ở thực hiện ở châu Âu, Canada và Hoa Kỳ.
Cao huyết áp là yếu tố thúc đẩy cho hàng loạt các bất ổn về tim mạch như: đau tim, đột quỵ, bệnh mạch vành.
2. Thức ăn nhà hàng luôn chứa nhiều muối
Một khảo sát năm 2013, phát hành trên tạp chí Y tế Công cộng Canada thực hiện tại 20 nhà hàng ăn tại chỗ và 65 nhà hàng thức ăn nhanh tại Canada cho thấy trung bình một món ăn tại các nơi này chứa khoảng 1.455 mg muối.
Một nghiên cứu khác phát hiện 40% các thực đơn nhà hàng dùng tại chỗ chứa ít nhất 1.500 mg muối.
Hấp thu nhiều muối làm tăng nguy cơ suy tim, béo phì và sạn thận - Ảnh internet
3. Lượng muối cơ thể cần là 1.300 mg
Muối cần thiết cho hoạt động của cơ, vận chuyển các tín hiệu não bộ, duy trì mức chất lỏng trong cơ thể nhưng cơ thể không cần quá nhiều muối cho các chức năng này.
Cơ quan Y tế Canada khuyến nghị mức hấp thu muối mỗi ngày cho người từ 51 70 tuổi là 1.300 mg và 1.000 mg cho người trên 70 tuổi.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người dân nước này hấp thu trung bình 3.400 mg muối mỗi ngày, cao hơn mức khuyến nghị tối đa của tổ chức này là 1.500 mg.
4. Một số đối tượng cần cắt giảm muối
Nghiên cứu năm 2017 ở châu Á và người Mỹ gốc Phi gợi ý rằng cắt giảm lượng muối hấp thu mỗi ngày mang lại nhiều cải thiện cho sức khỏe toàn diện, đặc biệt là người có huyết áp cao.
5. Muối cũng gây tăng cân
Năm 2015, các nhà khoa học Đại học Queen Mary (Luân Đôn) đã đưa ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa muối và béo phì.
Bằng cách đo mức muối trong nước tiểu của hơn 1.200 người tham gia và theo dõi việc hấp thu thực phẩm trong một thời gian, các chuyên gia phát hiện người có mức muối cao trong nước tiểu có khả năng béo phì cao hơn, thậm chí khi họ không ăn nhiều hơn nhóm hấp thu ít muối.
6. Muối làm tăng nguy cơ sỏi thận
Dù các nhà khoa học chưa rõ lý do vì sao muối lại kết hợp với calcium trước khi được thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Lượng calcium cao trong nước tiểu có thể hình thành các tinh thể và thậm chí dẫn đến sạn thận.
Nghiên cứu phát hành năm 2012 trên tạp chí Tiết niệu học khẳng định, người nữ có chế độ ăn nhiều muối có cao hơn 11 - 61% nguy cơ bị các chứng đau.
Và chế độ ăn ít muối giúp giảm calcium nước tiểu ở cả nam và nữ nhạy cảm với sỏi thận.
7. Muối ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ
Nghiên cứu của châu Âu phát hành năm 2017 cho thấy, nam giới trên 60 tuổi giảm hấp thu muối 25% có thể giảm được số lần đi tiểu vào ban đêm trung bình từ 1,4 - 2,3 lần.
8. Muối làm tăng nguy cơ suy tim
Nghiên cứu năm 2017 của Phần Lan theo dõi sức khỏe của hơn 4.600 người trong 12 năm kết luận: Người có mức muối trong nước tiểu cao nhất có gấp đôi nguy cơ suy tim so với người có mức muối thấp hơn.
Nguy cơ này vẫn tăng lên ở người ăn mặn không bị huyết áp cao.
9. Thiếu potassium làm xấu đi tác động của muối
Cũng như muối, potassium là khoáng chất quan trọng trong cơ thể. Hấp thu nhiều muối gây huyết áp cao, potassium làm dịu sự căng tức trong các thành mạch máu và giúp duy trì mức huyết áp ổn định.
Khoáng chất này giúp loại thải muối để mức muối thừa không bám lại và gây bất ổn cho hoạt động cơ thể, theo Đại học Alabama (Birmingham).
Nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung potassium cho cơ thể; đặc biệt là các loại thực phẩm như: đậu trắng, rau bó xôi, chuối, bơ, khoai lang và sữa chua.
Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)