Những mẩu chuyện chuột trong Phật giáo

GNO - Chuột được biết đến là loài phá hoại nhiều hơn (ngoài chuột bạch làm thí nghiệm trong quá trình chế biến thuốc mới) vì thói quen đục tường, khoét vách, làm hư hại mùa màng. Những câu chuyện về chuột kể trong nhà Phật cũng trong liên tưởng đó, gợi lên cho mỗi người hôm nay suy nghĩ trong ứng xử đầy thú vị…

BTN_0369.jpg
Biểu tượng linh vật xuân Canh Tý 2020 tại đường hoa TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Mượn hơi Phật

Chuyện kể rằng, có một con chuột bị mèo đuổi, vô tình chui vào trong tượng Phật trên chùa và làm ổ ở đó... Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người dân mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật toàn phủ phục, nên con chuột tự thấy mình cũng oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung…

Mỗi khi người dân đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai thế, đến loài người còn bái lạy ta, mà bấy lâu nay sao ta cứ phải sợ mèo nhỉ!”.

Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và quỳ lạy như thế, chuột cũng ngộ nhận và tự cho mình cao quý và tôn kính như… Phật.

Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy... Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên: “Này mèo! Nhà ngươi không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”.

Mèo cười to: “Những người quỳ lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!”. Thế là mèo nhai chuột ngấu nghiến.

Câu chuyện thật sự là bài học quý, nhắc về năng lực thực sự và vị trí hư danh của mỗi người trong cuộc sống. Từ xưa tới nay, không hiếm người nhờ “may mắn” hoặc nhiều lý do được đặt để vào vị trí cao, với bổng lộc từ trên trời xuống, được người người cung phụng, nịnh nọt. Sở dĩ có đặc ân đó là vì mình ở vị trí nào đó, được giao phó để thực thi công vụ hoặc chỉ vì mình là “con của đồng chí nào đó” chứ không phải từ giá trị tự thân phát ra. Sự ngộ nhận - đồng nhất giữa quyền lực được giao, thậm chí với chiếc ghế sắp sẵn của ông, cha mình mà đã tự đắc rồi có những hành xử không tốt, không coi ai ra gì, vơ vét vô độ.

Tâm của những người đó cũng như con chuột mượn oai Phật vì vô tình trú ngụ nơi thân tượng Ngài mà cứ tưởng mình là đối tượng được bái lễ, cúng dường. Theo đó, người ta đến lễ lạy tôn tượng là vì trí tuệ thâu nhiếp của Phật cùng lòng từ lớn của Ngài, nhưng con chuột cứ nghĩ người ta đến lễ lạy, cúng bái mình. Ở đời, việc ngộ nhận tài năng, vị trí của bản thân tạm thời nắm giữ, vừa được lăng-xê kiểu tâm lý chú chuột núp trong thân tượng Phật rất nhiều, cho đến khi có sự cố đến, những bệ đỡ hay ô dù che chắn không còn thì mới hay bản thân chẳng có gì, còn để lại tiếng xấu muôn đời.

Người xưa có câu “Cháy nhà ra mặt chuột!” - để chỉ việc, trước sau gì rồi, con chuột (biểu trưng của cái xấu, cái thiếu tài năng) cũng sẽ được phơi bày khi mọi thứ nó dựa dẫm để tác oai, tác quái không còn nữa. Do vậy, dù làm gì thì việc trau dồi phẩm cách lẫn năng lực luôn là điều quyết định thành công, là bệ đỡ tốt nhất, không lo sợ bị mất mát rồi không biết bám víu vào đâu. Tự thân vận động cũng sẽ khiến ta biết trân quý hơn thành quả, biết trân trọng mọi người vì bản thân cũng đi lên từ nơi đó.

Tự hại vì lòng tham

Một chuyện khác liên quan tới chuột trong kinh Xuất diệu. Xưa có ông trưởng giả dùng bình đựng sữa, đặt ở trên gác, do đậy nắp không kỹ nên chuột chui vào bình. Vì tham ăn, chuột ngày đêm ở luôn trong bình ăn sữa, thân thể lớn dần. Đến khi sữa hết, toàn thân chuột đã lớn chật cả cái bình và trắng như sữa.

Một hôm, có người đến nhà trưởng giả mua sữa. Bấy giờ trưởng giả lên gác lấy bình sữa xuống, nghĩ rằng sữa đã đông, nên đặt trên bếp. Khi chuột vào bình, đầu chui xuống dưới, đuôi ở bên trên, đến khi lớn dần, thân chật cả bình nên chẳng thể nhúc nhích quay đầu được. Chuột ở trong bình bị chết, thân thể tan ra lại hóa thành sữa, người mua người bán lấy được khoảng chừng một thăng sữa thì thấy xương cốt chú chuột nằm ở dưới đáy bình.

Bấy giờ trưởng giả thấy như vậy liền suy nghĩ, lúc ta cất sữa đậy nắp không kỹ, ắt chuột đã chui vào, do quá tham ăn, chuột ở luôn trong bình không chịu ra, sữa hết chuột chết, sự việc ắt như vậy. Rồi trưởng giả lại nghĩ, những người phóng dật, tạo nhiều tội lỗi (như tham lam, ăn cắp tài sản của mọi người) thì cũng như vậy.

Chuyện trên thực sự gửi gắm thông điệp rất hay về việc tham lam quá mức sẽ hại mình. Liên tưởng đến thời nay, có thể thấy, bình sữa giống như ngân sách nhà nước (là tiền thuế nhân dân đóng góp) còn con chuột tham lam giống như nhiều quan chức đang cố tìm cách hút về túi riêng của mình.

Những biệt phủ rồi những tiền tỷ hối lộ được chảy vào túi của nhiều người đứng đầu bộ ngành, các địa phương - được đưa ra kỷ luật, khởi tố thời gian gần đây là câu chuyện nóng hổi.

Họ ăn quá nhiều đất đai, tiền bạc để rồi chính nguồn thu bất chính đó đẩy họ vào con đường tù tội, mất hết thanh danh, để lại tiếng hôi muôn thuở. Trong nhà Phật nói đến ba món độc trong mỗi người, sẵn sàng hại mình nếu không biết làm chủ, đó là tham-sân-si. Ba món đó kết nối với nhau, tương hỗ nhau biểu hiện: vì si - không tin nhân quả nên tham, tham nên dễ nổi sân khi không đạt được, rồi hành xử sai quấy… Và cứ thế, có cái này thì có cái kia và cái này có càng nhiều cái kia sẽ càng lớn. Lòng tham quá nhiều thì người ta cũng sẽ không nghĩ được đường lui, sẽ như con chuột ăn sữa đến căng mình rồi chết trong chính bình sữa đó.

Hậu quả của lòng tham là tự hại bản thân, gia đình. Do vậy, sống ít muốn biết đủ chính là lối sống an toàn, giúp cho bản thân không bị hại mà cũng là cách góp phần bình ổn xã hội. Người đứng đầu, lãnh đạo đất nước càng cần phải sống trong nguyên tắc đó, vì thực tế, một mình mình mà ăn đồng tiền bát gạo của dân đóng góp, thật khó mà nuốt trôi được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu

Viện Nghiên cứu Phật học VN đề xuất dựng tượng Hòa thượng Thích Minh Châu tại Nava Nalanda

GNO - Ngày 5-9, GS.TS Rajesh Ranjan, Hiệu trưởng Nava Nalanda Mahavihara (Ấn Độ) đã có thư phúc đáp Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN trao đổi về ý tưởng dựng tượng đài cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu trong khuôn viên của trường.

Thông tin hàng ngày