GN - Xuất phát từ truyền thống “thương người như thể thương thân”, nhiều người đã thể hiện tấm lòng nhân ái, giúp đỡ, sẻ chia, tạo mọi điều kiện cho những người bệnh có nơi nương tựa, chữa trị... Ông Phạm Văn Bền, Tổ trưởng Tổ chẩn trị y học cổ truyền xã Tân Bình (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) là một trong những người như thế.
Ông Bền cùng một số thành viên có chung một tấm lòng nhân ái đã tự nguyện mở phòng khám chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền cạnh bên Phòng khám bệnh Đa khoa khu vực Tân Bình để chữa trị cho bệnh nhân nghèo và giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh.
Lương y Lê Thanh Giàu xem mạch cho bệnh nhân
Tổ chẩn trị y học cổ truyền xã Tân Bình (Tổ) có 34 người, chính thức hoạt động vào tháng 7-2016, đã mời lương y Lê Thanh Giàu xem mạch, chẩn đoán bệnh, kê toa điều trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân. Mỗi tuần từ thứ Hai đến thứ Năm, các thành viên trong Tổ chẩn trị từ lương y đến người tầm dược, người bốc thuốc… đều tự nguyện làm việc và không nhận thù lao.
Nguồn thuốc chữa bệnh phục vụ bệnh nhân được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài xã tự nguyện đóng góp, tài trợ. Hiện tại Tổ đã mua 1 xe ô-tô tải 2,4 tấn, 2 xe ba gác để vận chuyển thuốc và vận động nhà hảo tâm ở 2 xã Tân Bình, Tân Quới trồng 15.000m2 cây thuốc Nam, liên kết với các nhà thuốc ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp.
Nhiều người mắc các chứng bệnh tim mạch, đau khớp, cao huyết áp, viêm mũi, viêm gan, tai biến, thoát vị đĩa đệm… được điều trị khỏi bệnh nên chỉ dẫn cho nhiều bệnh nhân khác tìm đến Tổ để chữa trị. Trung bình mỗi ngày, Tổ chẩn trị y học cổ truyền xã tiếp đón 500 lượt bệnh nhân từ khắp nơi đến khám và chữa bệnh miễn phí.
Lúc cao điểm, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng lên 700 người. Mỗi bệnh nhân được xem mạch, bốc thuốc từ 6 - 12 thang, bình quân mỗi thang thuốc miễn phí trị giá 30.000 đồng. Chỉ tính trong năm 2017, Tổ đã tiếp đón 150.000 lượt bệnh nhân khắp nơi tới khám, chữa bệnh, bốc gần 1 triệu thang thuốc các loại. Tổng trị giá thành tiền miễn phí khoảng 27 tỷ đồng.
Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh, được lương y và các thành viên trong Tổ quan tâm, chăm sóc sức khỏe tận tình, bằng tình thương và trách nhiệm.
“Đóng góp công sức của mình cứu giúp người bệnh vượt qua đau ốm, bệnh tật là trong lòng tràn ngập niềm vui và thanh thản”, lương y Lê Thanh Giàu tâm sự. Đó cũng là niềm hạnh phúc của các thành viên của Tổ như: ông Bền, ông Út Gìn, anh Sơn…