Những người thợ kim hoàn

Kính tặng những người thợ kim hoàn Việt Nam đã đem tâm lực, tín lực, tài lực của mình để thực hiện các công trình tạc tượng Phật bằng ngọc quý và đang hành trì theo lời dạy của Đức Thế Tôn…

Trong kinh Phật có nhiều hình ảnh của những người thợ kim hoàn. Người thì chứng ngộ chân lý được sanh thiên, kẻ thì tạo ác nghiệp phải sa vào địa ngục, một số khác thì tạo duyên cho người chứng ngộ chân lý… Những người thợ kim hoàn nào thiện xảo trong nghề đồng thời biết thực hành theo giáo pháp của Đức Thế Tôn, sàng lọc các tạp chất của tâm làm cho tâm trở nên dễ uốn nắn, thanh khiết và tịch tịnh thì chắc chắn sẽ gặt hái kết quả an vui. Dưới đây là một số người thợ kim hoàn nổi bật trong kinh Phật.

kimhoan.jpg

1. Vissakamma - Thợ kim hoàn cõi trời Đao Lợi

Vissakamma là một vị trời trú tại cung trời Đao Lợi. Ngài là một kiến trúc sư, một nhà thiết kế danh tiếng nhưng nổi bật nhất là nghề thợ bạc (thợ kim hoàn). Công trình vĩ đại nhất của Vissakamma là thiết kế một cái chậu bằng vàng để chứa vừa một nhánh Đại thọ bồ đề.

Vua Asoka muốn gởi một nhánh phía Nam của Đại thọ bồ đề đến đảo Tích Lan nhưng không biết làm thế nào vì ngài nghĩ: "Không ai được phép làm tổn thương Ðại thọ bồ đề bằng đao kiếm, như vậy làm sao trẫm có thể lấy được một nhánh cây!".

Do được Trưởng lão Moggaliputta khích lệ nên gởi cây thiêng đi Tích Lan, nhà vua sai người làm một cái chậu bằng vàng. Vissakamma ở trên trời biết ý định nhà vua nên hóa làm một người thợ kim hoàn, đi đến và hỏi rằng: "Tôi sẽ làm cái chậu lớn cỡ nào?". Nhà vua trả lời: "Làm lớn chừng nào là do ngươi quyết định". Vị trời bèn lấy vàng nắn thành một cái chậu xinh đẹp có kích thước chu vi chín hắc tay (1 hắc tay - hatthapasa - khoảng 1,2m), sâu năm hắc tay và đường kính ba hắc tay, dày tám ngón tay bề rộng, cái vành phía trên có cỡ bằng cái vòi của con voi, sáng chói như mặt trăng mới mọc vào lúc ban mai. Khi buổi lễ cung thỉnh cây bồ đề được long trọng cử hành thì từ cành cây phía Nam, những nhánh lớn nhỏ đều biến mất, chỉ còn lại một cái cuống của nhánh cây dài bốn hắc tay. Trông thấy hiện tượng diệu kỳ như thế, vua Asoka vui mừng kêu lên rằng: "Con xin cúng dường Đại thọ bồ đề bằng cách dâng hiến vương quyền đến cây". Rồi đức vua làm lễ tấn phong Đại thọ bồ đề lên làm vua của toàn xứ sở của mình. Vua sai đặt cái chậu bằng vàng trên một cái ghế cẩn vàng, trang sức bằng nhiều loại ngọc. Khi đức vua bước lên chiếc ghế để đón nhận nhánh cây ấy, ngài cầm lấy cây viết chì có cán bằng vàng vẽ một đường kẽ quanh nhánh cây và nguyện: "Nếu quả thực Đại thọ bồ đề sẽ đi từ đây đến đảo Tích Lan, và nếu quả thực tôi sẽ đứng vững chắc không lay động trong giáo pháp của Đức Phật, thì xin cho nhánh phía Nam xinh đẹp này của Đại thọ bồ đề hãy tự mình đến trong cái chậu bằng vàng này".

Khi ấy, Đại thọ bồ đề tự nó tách rời ở chỗ có đường kẽ, đứng lơ lửng trên cái chậu vàng chứa đầy đất thơm với một trăm cái rễ. Ngay khi Đại thọ bồ đề đã tự đặt mình vào trong chậu vàng thì đại địa rung chuyển và nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Những nhạc cụ của chư thiên và nhân loại tự phát ra âm thanh, những tiếng tung hô của chư thiên và Phạm thiên, những tiếng kêu của các loại chim và muông thú v.v…, và những tiếng ầm ầm do quả đất rung chuyển, tất cả tạo nên một âm thanh dậy trời. Những tia hào quang sáu màu phát ra từ trái và những ngọn lá của cây bồ đề, làm sáng rực toàn thể vũ trụ. Rồi cành bồ đề cùng với cái chậu bay vào không trung và ẩn mình trong vùng tuyết lãnh bảy ngày.

Vissakamma còn dựng một căn lều châu báu đường kính 12 dặm dưới cây Ganamba và xây ba chiếc thang bằng vàng, bằng bạc, và bằng châu báu tại Sankassa để thỉnh Đức Phật và Đại phạm thiên trở về từ cung trời Đao Lợi sau ba tháng dạy vi diệu pháp cho Phật mẫu Maya.

Một công trình vĩ đại khác của vị trời Vissakamma là xây cho thái tử Mahà-panàda một cung điện dài rộng nửa dặm và cao hai mươi lăm dặm, toàn bằng bảo ngọc theo lệnh của thiên chủ Sakka.

kimhoan-1.jpg

2. Thợ kim hoàn xúc phạm Trưởng lão Tissa

Người thợ kim hoàn này và vợ của ông đã để bát cho Trưởng lão Tissa trong suốt muời hai năm, họ phục vụ Trưởng lão một cách tận tình. Một hôm đang ngồi làm thức ăn, có Trưởng lão Tissa ngồi đối diện, thợ kim hoàn nhận một viên ngọc của vua Ba-tư-nặc gởi đến bảo chùi sạch, dùi lỗ xong trả ngay cho nhà vua. Vì tay đang dính máu mà ông vẫn cầm lấy viên ngọc rồi vào trong rửa tay nên con ngỗng ngửi thấy mùi máu từ viên ngọc nghĩ là miếng thịt bèn nuốt chửng ngọc ngay trước mắt Trưởng lão. Người thợ kim hoàn quay trở lại không thấy viên ngọc đâu hỏi vợ con, nhưng không ai biết nên nghi cho Trưởng lão đã lấy. Bà vợ không đồng ý vì đã bao năm nay Trưởng lão chưa hề sai sót. Nhưng ông quá bối rối, không biết làm sao nên phải hỏi Trưởng lão và xin ngài trả lại viên ngọc. Trưởng lão xác nhận mình không lấy, nhưng lúc đó chỉ có hai người, nên thợ kim hoàn cứ đinh ninh ngoài Trưởng lão ra không ai có thể lấy viên ngọc được. Vì trị giá viên ngọc quá lớn, mọi người trong nhà dù có bị bán làm nô lệ cũng không trả nổi, nên ông quyết định tra tấn Trưởng lão. Ông lấy y quấn quanh đầu ngài rồi lấy gậy đập. Máu tuôn xối xả từ đầu, tai, mũi và mắt của ngài. Ðau quá, Trưởng lão Tissa ngã lăn xuống đất. Con ngỗng đánh hơi máu, đến sát Trưởng lão liếm máu. Người thợ kim hoàn trong cơn tức giận, đá con ngỗng lăn ra chết. Khi biết chắc con ngỗng đã chết, ngài mới cho biết chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc. Nếu con ngỗng không chết, ngài thà chết chớ không nói sự thật. Mổ bụng ngỗng ra thấy viên ngọc, người thợ kim hoàn bủn rủn chân tay, ông gieo mình xuống chân Trưởng lão van xin được tha thứ. Ngài cho ông biết không ai có lỗi, đó là do oan nghiệp, rồi dạy ông:

- Cư sĩ, từ nay trở đi tôi sẽ không bước chân vào nhà của bất cứ ai. Tôi nguyện như thế, vì vào nhà người dễ gây hậu quả như đã thấy. Từ nay trở đi, khi nào tôi còn đi được trên đôi chân, tôi chỉ nhận thức ăn trước cửa nhà mà thôi.

Chẳng bao lâu Trưởng lão nhập Niết-bàn vì trận đòn của thợ kim hoàn. Con ngỗng tái sanh vào bụng người vợ thợ kim hoàn. Còn người thợ kim hoàn bị đọa xuống địa ngục.

Các Tỳ-kheo hỏi Thế Tôn về kiếp sau của họ, và được Phật cho biết:

- Các Tỳ-kheo! Chúng sanh trên thế gian, một số nhập thai lại, người ác đọa địa ngục, người thiện lên cõi trời, còn người hết lậu hoặc thì vào Niết-bàn (PC.126).

kimhoan-2.jpg

3. Thợ kim hoàn đệ tử của Tôn giả Xá-lợi-phất

Người này là một thanh niên khôi ngô đã từng làm thợ kim hoàn, sau từ bỏ gia đình, xuất gia tu học với ngài Xá-lợi-phất. Tôn giả dạy thầy phép quán bất tịnh nhưng đề mục ấy không thích hợp nên mặc dù thầy đã đi vào rừng, nỗ lực phấn đấu trên một tháng vẫn không sao tập trung tư tưởng. Tôn giả Xá-lợi-phất sách tấn và chỉ dạy thầy cẩn thận thêm về đề tài ấy lần thứ nhì, lần thứ ba nhưng thầy vẫn không tiến bộ trong thiền quán. Do đó Tôn giả đưa thầy đến gặp Đức Phật.

Ðức Phật quán sát gia thế của thầy Sa-môn trẻ, biết rằng không những đời này thầy sanh trong nhà thợ kim hoàn, mà đã năm trăm kiếp sanh trong nhà đó. Và trải qua thời gian lâu xa làm thợ kim hoàn, chuyên chạm trổ các hoa sen, hoa ca-nị-sắc bằng vàng ròng, nên thiền quán về đề tài nhờm gớm và tẻ nhạt, chắc chắn không thích hợp với thầy. Chỉ có đề mục vui tươi mới thích hợp nên Phật dùng thần thông tạo ra một hoa sen bằng vàng to bằng bánh xe, cọng lá tươi tắn y như thật đưa cho thầy Sa-môn và dạy cho thầy cách quán sát.

Ngay khi nhận hoa sen từ bàn tay Thế Tôn, thầy Sa-môn trở nên bình an. Thầy làm theo lời Phật dạy, diệt được các triền cái, bắt đầu nhập định, phát triển Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; cả toàn thân chìm sâu trong thiền định. Khi xuất định, thầy Tỳ-kheo thấu rõ lẽ vô thường, khổ, vô ngã và đắc A la hán.

Ngoài Tỳ kheo này ra còn một Tỳ kheo ni khác tên Subhà, vốn là con một người thợ kim hoàn rất xinh đẹp. Trong thời Đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng đến yết kiến bậc Đạo sư ở tại Ràjagaha, được nghe pháp Tứ diệu đế và chứng quả Dự lưu. Về sau, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati Gotamì, hướng tâm đến con đường siêu thoát. Thỉnh thoảng, các bà con của nàng mời nàng trở lại với đời, nói lên sự hấp dẫn của đời. Một hôm nàng thuyết pháp cho những người bà con, nói lên những nguy hiểm của đời sống cư sĩ, và chữa cho họ thoát khỏi bệnh tham vọng. Rồi nàng phát triển thiền quán, gột sạch các căn, cuối cùng chứng được quả A-la-hán.

4. Những người thợ kim hoàn của Anitthigandha Kumara

Anitthigandha Kumara từ cõi trời Phạm thiên tái sanh vào một gia đình quyền quý tại thành Xá Vệ. Từ lúc chào đời, chàng không thích gần phụ nữ, nếu có bà vú nào ẵm bồng chàng khóc thét lên. Khi đến tuổi trưởng thành, song thân chàng nhiều lần muốn cưới vợ cho con nhưng chàng đều từ chối. Cuối cùng, chàng cho mời năm trăm người thợ kim hoàn đến, trao cho họ ngàn lượng vàng khối, bảo họ đúc một tượng thiếu nữ thật xinh đẹp và thưa với cha mẹ chàng chỉ thành hôn với cô gái đẹp giống y như pho tượng.

Song thân chàng nhờ một vài người Bà-la-môn đem pho tượng vàng đi tìm vợ cho cậu.

Các Bà-la-môn khởi sự đi tìm, từ thành này đến thành kia. Khi đến thành Sagala thuộc vương quốc Madda thì may mắn tìm được một thiếu nữ xinh đẹp hơn cả pho tượng. Khi Kumara nghe tin có một thiếu nữ đẹp hơn cả tượng vàng thì nỗi ước muốn dâng lên, mong mau được gặp cô gái. Cô gái lên xe đi gặp chàng, nhưng cô quá mảnh mai, đoạn đường dằn xóc làm cô ngã bệnh và chết. Kumara vô cùng đau khổ bỏ cả ăn uống. Ðức Phật thấy chàng có khả năng chứng quả nên trên đường khất thực Ngài dừng lại trước cửa nhà Kumara. Song thân chàng thỉnh Phật vào nhà, cúng dường trọng hậu. Thọ trai xong, Đức Phật giảng cho Kumara biết nguyên nhân của sự sầu muộn là dục ái. Ngài đọc bài kệ: Dục ái sinh sầu ưu/Dục ái sinh sợ hãi/Ai thoát khỏi dục ái/Không sầu, đâu sợ hãi. Nghe xong, Kumara chứng quả Tu-đà-hoàn.

5. Những kẻ lọc vàng

Những ai đang tu giải thoát đều là những người thợ kim hoàn hay những kẻ lọc vàng.

Để giúp kẻ lọc vàng thành công, Đức Thế Tôn đã đưa ra một phương pháp:

- Này các Tỳ-kheo, có những uế nhiễm thô tạp của vàng như bụi, cát, đá, sạn và đá sỏi. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đã lọc bụi đem đổ vào trong cái máng, rồi rửa sạch qua, rửa sạch lại, rửa sạch thêm nữa.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm bậc trung của vàng, như cát đá, sạn tế nhị và các hột cát thô tạp. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm tế nhị, như cát mịn và cát bụi đen. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.

Lại nữa, xả còn lại được trong sạch, trong trắng, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, chói sáng. Ví như, này Tỳ-kheo, một người thợ vàng thiện xảo hay người đệ tử sửa soạn lò đúc; sau khi sửa soạn lò đúc xong, người ấy đốt lửa miệng lò đúc; sau khi đốt lửa miệng lò đúc, người ấy dùng kềm kẹp lấy vàng và đặt vàng vào trong miệng lò; rồi thỉnh thoảng người ấy thổi trên ấy, thỉnh thoảng người ấy rưới nước trên ấy, thỉnh thoảng người ấy quán sát thật kỹ... vàng ấy đã trở thành sáng sủa, thanh tịnh, gột sạch, các uế tạp được đoạn trừ, các tỳ vết được trừ sạch, nhu nhuyến, dễ uốn nắn và chói sáng... và nếu người ấy muốn làm đồ trang sức nào, hoặc vòng nhẫn, hoặc bông tai, hoặc vòng cổ, hoặc vòng hoa vàng, thời vàng ấy có thể dùng vào mục đích ấy. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, lại nữa, xả còn lại được trong sạch, trong trắng, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, chói sáng.

Với phương pháp lọc vàng mà Đức Thế Tôn đã đưa ra chắc chắn chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta miên mật thực hành. Như câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim". Kim ở đây chính là cái tâm sáng sủa, thanh tịnh, các uế tạp được đoạn trừ, nhờ vậy mà tâm ta trở nên nhu nhuyến, chói sáng, dễ uốn nắn. Được như vậy, người thợ lọc vàng đã thành công trong việc lọc vàng và đã tự chế tạo được cho mình những món trang sức quý giá không bị hao mòn với thời gian, không bị mất đi bởi đất, nước, gió, lửa, vua, quan, hay kẻ thừa kế. Những món trang sức đó chính là: giới, định, tuệ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày