Những nhu cầu tâm linh của người sắp qua đời: Một cái nhìn Phật giáo

NSGN - Giới thiệu

Khi thảo luận về những nhu cầu tâm linh của người sắp qua đời từ quan điểm Phật giáo, chúng ta trước hết nên xem xét những điểm then chốt, chẳng hạn như:

- Cần có sự hiểu biết rằng đời sống thì ngắn ngủi và quý giá.

- Xem xét những gì có thể giúp ta và người vào chính thời điểm cái chết xảy ra.

- Xem xét những gì tiếp diễn sau cái chết.

- Quan niệm Phật giáo về tâm.

anh caichet.jpg

Quán chiếu về cái chết

Để có được một sự hiểu biết rằng đời sống thì ngắn ngủi và quý giá và cách để làm cho đời sống có ý nghĩa chúng ta cần quán chiếu sự thật rằng cái chết là chắc chắn xảy ra và rằng thời điểm cái chết xảy ra là không được biết rõ. Những điều này thì rõ ràng nhưng chúng ta hiếm khi dừng lại để xem xét sự thật đó.

Ví dụ, khi chúng ta thấy cái chết là điều chắc chắn chúng ta có thể quán chiếu những điều khác:

1- Không cách nào có thể thoát khỏi cái chết (chưa có ai thoát được điều này),

2- Đời sống là có hạn định và mỗi sát-na đang mang ta đến gần với điểm cuối của đời sống này, và

3- Cái chết xảy ra trong sát-na và sát-na này thì đột ngột (thế nhưng ngay khi đang sống chúng ta dành rất ít đời sống của mình cho việc thực hành tâm linh).

Khi quán chiếu về sự thật rằng thời điểm cái chết xảy ra là không biết rõ được chúng ta có thể phân tích điều này thêm bằng việc thừa nhận rằng:

1- Thọ mạng của chúng ta là không chắc chắn - người trẻ có thể chết trước người già, người khỏe mạnh có thể chết trước người đau bệnh.

2- Có nhiều nguyên nhân và trường hợp dẫn đến cái chết nhưng lại có ít thứ giúp nuôi dưỡng đời sống - trong thực tế ngay cả những thứ mà nó giúp duy trì đời sống và làm cho đời sống tiện nghi cũng có thể giết chết chúng ta, chẳng hạn như thực phẩm ta ăn, nhà cửa ta ở và xe cộ ta đi.

3- Sự yếu đuối và mong manh của thân thể chúng ta góp phần cho sự không bền chắc của đời sống - thân của chúng ta có thể dễ dàng bị hủy hoại bởi bệnh tật hay tai nạn.

Quán chiếu về những điểm này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng đời sống là ngắn ngủi và quý giá và rằng không nên bỏ phí thời gian. Tự nhắc mình về những điều này mỗi ngày là thật sự hữu ích. Nó có thể rất hữu ích khi mỗi sáng thức dậy và tự nhủ với chính mình: “Hôm nay có thể là ngày cuối cùng của đời mình, vì vậy hãy sống thật có ý nghĩa, hãy làm lợi ích tha nhân v.v…”.

Nó cũng có thể rất hữu ích để xem cách chúng ta sẽ phản ứng nếu chúng ta, ví dụ, được bảo rằng chỉ còn sống thêm được ba hay sáu tháng nữa thôi, để tự vấn mình với những câu hỏi như:

- Ta đã sẵn sàng chết chưa?

- Những việc gì ta chưa làm xong?

- Những gì ta muốn làm hay đạt được trong khoảng thời gian còn lại?

- Có thay đổi những quyền ưu tiên của mình không?

- Những gì có thể giúp ta vào thời điểm cái chết?

- Hay như có người nói “sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của bạn, và rồi ngày đó sẽ đến!”.

Điều quan trọng khác là xem những gì sẽ giúp chúng ta vào thời điểm cái chết xảy ra. Sự quán chiếu ở đây cho biết rằng:

1- Của cải thế gian chẳng hạn như tài sản, địa vị hay tiền bạc không thể giúp chúng ta.

2- Người thân và bạn bè không thể ngăn chặn cái chết cũng không thể đi cùng với chúng ta.

3- Ngay cả thân thể quý giá của chúng ta cũng không giúp gì được chúng ta và chúng ta phải rời bỏ nó.

Nghiệp và tâm

Điều này là thế nào? Niềm tin của Phật giáo là rằng mọi hành động của thân, lời nói và tâm ý mà chúng ta tạo tác đều in dấu vào tâm thức của chúng ta mà nó có khả năng trổ quả khổ đau hay hạnh phúc trong tương lai, tùy vào hành động đó tích cực hay tiêu cực. Những dấu vết này vẫn ở trong tâm cho đến khi chúng trổ quả hay cho đến khi chúng được thanh tịnh hay tẩy trừ bằng những thực hành tâm linh. Tiến trình này được gọi là luật nghiệp.

Tâm chính nó là không hình thù, màu sắc, giới tính, và có khả năng biết hay nhận thức được tất cả mọi đối tượng. Bản chất cơ bản của tâm là sáng rõ và nhận biết. Tâm cũng có những mức độ khác nhau - thô, tế, và rất vi tế. Chính tâm vi tế này rất sáng rõ và thường được trải nghiệm vào thời điểm cái chết hay trong suốt việc thực hành thiền định cao. Những dấu vết của hành động chúng ta tích trữ trong chính tâm vi tế này.

Chết, trạng thái trung gian và tái sanh

Vào thời điểm cái chết xảy ra, thân và tâm trải qua một tiến trình phân rã, lúc đó 25 yếu tố tâm-vật lý mà chúng ta có dần suy giảm và đánh mất khả năng vận hành. Tiến trình phân rã này liên quan đến những biểu hiện bên trong và bên ngoài. Tiến trình này tiếp tục ngay sau khi hơi thở chấm dứt, có thể lên đến ba ngày.

Chính tâm hay thức vi tế này và chính ngọn gió vi tế mà trên đó nó cưỡi sau đó xuất hiện ở trong một trạng thái trung gian (bardo) mà nó có một thân vi tế (phi vật chất) có thể đi xuyên qua những vật thể rắn, đi đến bất cứ nơi đâu chỉ bằng việc suy nghĩ đến nơi ấy v.v… Sự hiện hữu ở trạng thái trung gian này có thể kéo dài 7 tuần, trong thời gian đó một nơi tái sanh phù hợp thường được tìm thấy. Nơi tái sanh này được quyết định bằng năng lực của nghiệp, theo đó khi chúng sanh ở trạng thái trung gian chết đi, thần thức bị xô đẩy vào nơi tái sanh mà không thể tự kiểm soát được. Thần thức nhập vào bào thai vào thời điểm thụ thai và đời sống mới bắt đầu.

Cốt yếu trong toàn bộ tiến trình này là trạng thái tâm vào lúc chết, bởi vì chính điều này quyết định hoàn cảnh mà một người sẽ tái sanh vào. Nếu tâm an tịnh và thấm nhuần những suy nghĩ tích cực vào lúc chết, điều này sẽ báo trước cho một sự tái sanh an vui. Còn nếu tâm ở trong một trạng thái sân hận hay có những tham muốn mãnh liệt hay sợ hãi,v.v… điều này báo trước một cảnh giới tái sanh khổ đau hay một cõi tái sanh thấp.

Tâm xuất hiện vào thời điểm cái chết xảy ra thì luôn là tâm mà người ta thường phát khởi nhất trong đời sống thường nhật. Người ta có khuynh hướng chết với tính cách của mình, mặc dù điều này không phải luôn như vậy. Vì vậy ở trong truyền thống Phật giáo điều này được nhấn mạnh, rằng thời điểm chuẩn bị cho cái chết là bây giờ, bởi vì nếu chúng ta phát triển và kiểm soát được tâm của mình bây giờ và tạo ra nhiều cái nhân tích cực, chúng ta sẽ có một tâm thức định tĩnh và kiểm soát được vào thời điểm cái chết xảy ra và thoát khỏi sự sợ hãi. Trong thực tế, toàn thể đời sống của chúng ta là một sự sửa soạn cho cái chết và người ta nói rằng biểu hiện của một người thực hành tâm linh là không có sự hối tiếc gì vào thời điểm cái chết xảy ra.

Những nhu cầu tâm linh của người sắp qua đời

Khi xem xét những nhu cầu tâm linh của người sắp qua đời, nguyên tắc cơ bản là làm bất kỳ những gì bạn có thể để giúp người chết có một tâm thức an tịnh, với những ý nghĩ tích cực nhất. Điều này là bởi người ta cho rằng trạng thái tâm vào thời điểm cái chết là tối quan trọng và đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định điều sẽ xảy ra đối với người sau cái chết.

Vì vậy, cho dù chúng ta là một bác sĩ hay một y tá đang làm giảm đau và làm giảm những triệu chứng đau đớn khác và trấn an gia đình, hoặc một người tư vấn giúp giải quyết những vấn đề tình cảm, hoặc một vị tu sĩ đưa ra những lời khuyên tâm linh, hay một tình nguyện viên thân cận hỗ trợ cho người sắp qua đời và người thân của họ, tất cả chúng ta đang góp sức một cách có ý nghĩa giúp người chết có được trạng thái tâm an tịnh này.

Nơi nguyên tắc cơ bản này, có những phương thức khác nhau mà chúng ta có thể sử dụng để phân loại người với loại hỗ trợ tâm linh mà họ cần, cụ thể là:

Người ấy còn tỉnh táo hay không còn tỉnh táo?

- Nếu còn tỉnh táo, bạn có thể cùng thực hiện những thực hành tâm linh với họ hoặc để họ tự làm lấy.

- Nếu không còn tỉnh táo, bạn phải thực hiện việc này cho họ.

Người ấy có niềm tin tôn giáo nào đó hay không?

- Nếu có niềm tin tôn giáo, nhắc họ về những thực hành tôn giáo của họ.

- Nếu họ không có niềm tin tôn giáo, khuyên họ có những suy nghĩ tích cực, nhắc họ về những điều tích cực mà họ đã làm.

Đối với một người có niềm tin tôn giáo, điều hữu ích là có những vật dụng tâm linh xung quanh họ, chẳng hạn như một bàn thờ, chuỗi hạt, mở nhạc đạo, hình ảnh vị thầy tâm linh của họ, đốt hương, v.v… - bất cứ những gì nhắc họ về việc thực hành tâm linh của họ. Cũng tốt khi nói với họ về những thực hành tâm linh, tụng niệm cùng với họ và v.v… Đối với người không còn tỉnh táo, phương cách tốt nhất là tụng niệm kinh chú bên tai họ.

Nếu một người không có niềm tin tôn giáo, điều hữu ích là nhắc họ về những điều tích cực mà họ đã làm trong cuộc đời của họ, hay về những phẩm chất tích cực như tình thương, lòng từ bi và sự tử tế.

Điều quan trọng là tránh những thực hành tôn giáo mà nó không thích hợp hay không hữu ích với người sắp chết. Đứng ở cuối giường cầu nguyện có thể gây khó chịu cho người sắp mất; và tôi từng chứng kiến trường hợp người ta cố gắng cứu rỗi một người sắp chết nhưng đã khiến cho người sắp chết ấy vô cùng giận dữ.

Vấn đề cơ bản là tránh bất kỳ đồ vật nào hay những người mà khiến cho người sắp chết khởi tâm chấp thủ mạnh hay sân giận. Từ quan điểm tâm linh, điều nên làm là tránh thể hiện rõ cảm xúc trước mặt người sắp chết. Chúng ta phải nhắc nhở mình rằng tiến trình của cái chết có sự quan trọng tâm linh lớn và chúng ta không muốn quấy rầy tâm của người sắp chết, mà lúc đó nó ở trong một trạng thái sáng rõ và vi tế. Chúng ta phải làm bất cứ những gì chúng ta có thể để giúp người ấy chết trong một trạng thái tâm tĩnh tại và an ổn.

Thiền cho người bệnh và người sắp qua đời

Đối với người bệnh nặng những vẫn còn tỉnh táo thì có một vài kỹ thuật thiền đơn giản dành cho họ mà chúng có thể rất hữu ích. Đối với những người lo lắng hay sợ hãi về cái chết, chỉ cho họ sự buông thư hay hướng dẫn họ thông qua một kỹ thuật buông thư đơn giản là điều có thể rất hữu ích.

Một kỹ thuật thiền đơn giản mà nó rất hữu hiệu là nhận biết hơi thở. Ta biết rõ sự di chuyển hơi thở vào ra nơi mũi, thở một cách tự nhiên và thoải mái, không cố gắng thở hay dồn ép nó. Đồng thời, bất kỳ ý nghĩ nào khi nó xuất hiện thì hãy để cho nó đi, luôn đưa tâm trở lại hơi thở. Kỹ thuật này, mặc dù đơn giản, có thể giúp tâm tĩnh tại và thoát khỏi lo lắng. Mỗi khi nhận biết rõ hơi thở rồi thì cần kết hợp với việc đọc một số từ ngữ hay tụng niệm kinh chú và điều đó có tác dụng lớn. Chỉ cần nói “hãy buông xả, hãy buông xả” cùng lúc với hơi thở vào ra có thể giúp ta thấy nhẹ nhàng và thư giãn. Một người có niềm tin tôn giáo có thể sử dụng một lời cầu nguyện hay một câu kinh chú cùng với hơi thở.

Cái hay của phương pháp này là rằng 1- Nó có thể được thực hiện trong những khoảng thời gian ngắn và đòi hỏi ít sự chuyên chú, điều thường bị hạn chế bởi sự ảnh hưởng của bệnh tật và thuốc men, 2- Nó giúp làm an tịnh tâm và giảm lo lắng, 3- Nó sử dụng và làm vững chắc nơi nương tựa tâm linh của người bệnh, 4- Nó không đòi hỏi điều gì khác ngoài hơi thở.

Đối với một người có niềm tin tôn giáo hay người không có niềm tin tôn giáo, phương pháp thiền với nguồn ánh sáng trắng chữa bệnh có thể mang lại nhiều lợi ích và sự dễ chịu. Người bệnh hình dung một quả cầu sáng rực ở trên đầu của họ, với ánh sáng rọi xuống khắp thân thể họ, đang xua đi bệnh tật, đau đớn, sợ hãi, lo lắng và trùm lấy cơ thể với năng lượng ánh sáng chữa trị. Tùy vào niềm tin tôn giáo của người bệnh, họ có thể thấy ánh sáng như là bản thể của Chúa Jesus, hay của Đức Phật hay những vị thầy tâm linh khác, hoặc họ có thể hình dung nó như một nguồn năng lượng chữa trị của vũ trụ. Phương pháp này kết hợp rất tốt với kỹ thuật nhận biết hơi thở. Khi một người đến gần với cái chết, họ cũng có thể được khuyến khích đi vào nguồn ánh sáng, vào tâm của Chúa Jesus hay Đức Phật đang ngự trên đầu họ.

Việc sử dụng quán chiếu hình ảnh hay âm nhạc êm dịu cũng có thể làm dịu và giúp người bệnh có được sự an ổn tâm thức khi họ tiến gần đến cái chết.

Một người đang đau đớn cũng có thể được hướng dẫn cách thiền quán chiếu cơn đau, một phương cách mà qua đó cơn đau được nhìn thấy chi tiết, thường đưa đến một sự giảm bớt hay xóa trừ cơn đau. Có một kỹ thuật thiền rất sâu sắc, là dùng bệnh tật hay cơn đau như một cách thức để phát triển lòng từ bi. Với những người có thể sử dụng kỹ thuật này thì kết quả có thể rất lớn. Người bệnh được khuyên nghĩ rằng “vì tôi đang trải qua căn bệnh ung thư, AIDS hay sự đau đớn… này, cầu mong tất cả chúng sanh khác sử dụng bệnh tật và cơn đau của họ như một cách thức để mở rộng trái tim của họ đối với những người đang ở trong tình huống tương tự”. Những người mà họ đã sử dụng kỹ thuật này thường thoát ra khỏi sự hành hạ của cơn đau và có một trạng thái tâm an bình.

Một kỹ thuật cao hơn là thiền về “nhận và cho dựa trên hơi thở” như được miêu tả ở trong kinh sách Phật giáo Tây Tạng. Ở phương pháp thiền này, ta hình dung nhận khổ đau của tất cả chúng sanh khác (hoặc điều này có thể giới hạn đối với những người bị ung thư hay AIDS.v.v…) ở trong hình thức một làn khói đen, mà nó được tiếp nhận ở trên hơi thở vào. Sau đó ở nơi hơi thở ra tất cả sức khỏe, hạnh phúc và những phẩm chất tích cực của ta được gửi đến tất cả những chúng sanh khác trong hình thức nguồn ánh sáng trắng, và chúng ta hình dung họ nhận mọi thứ mà họ muốn. Nơi tim của chúng ta, chúng ta hình dung một tảng đá đen vị kỷ, và khi làn khói đen được hít vào chúng ta hình dung nó đang đụng phải tảng đá đen và đập vỡ nó hoàn toàn, như vậy tiệt trừ tất cả mọi dấu vết của sự vị kỷ nơi tâm ta.

Phương pháp thiền này là một cách thức cơ bản để phát triển nhanh chóng lòng từ bi nhưng sẽ có ít bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp này. Cách thức thông thường để tiến bộ ở trong những cách thức thiền này là bắt đầu với những vấn đề nhỏ chẳng hạn như đau đầu hay mệt mỏi v.v…, sau đó dần huấn luyện tâm của ta để chuyển đổi những vấn đề lớn hơn.

Kết luận

Mục đích của tất cả những phương pháp này là giúp người sắp qua đời chết với một trạng thái tâm an tịnh và tích cực. Bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm để đạt được điều này sẽ làm lợi ích người bệnh, cho dù đó là sự chăm sóc tử tế bệnh nhân và làm giảm cơn đau, sự có mặt của một gia đình yêu thương, hay bất cứ thứ gì. Người ta nói rằng điều tốt nhất chúng ta có thể mang đến cho một người sắp qua đời là tâm thức an bình và tĩnh tại của chính chúng ta.

Bằng cách này chúng ta có thể giúp người sắp chết chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác càng êm ái và càng có ý nghĩa thì càng tốt, và nhận thấy được tầm quan trọng tâm linh của sự chuyển đổi này.

Mong muốn của tôi là bài viết ngắn này theo cách nào đó có thể làm lợi ích cho những người đọc và suy ngẫm về nó, và sau đó là với người bệnh hay người đau đớn mà họ đang phục vụ.

Tỳ-kheo Pende Hawter
- Đăng Nguyên dịch

_______________

(Nguồn: worldlibrary.org)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày