Những nỗi sợ hãi cần vượt qua

GNO - Người ta cho rằng trẻ nhỏ thường không biết sợ hãi vì chưa nhận thức được một cách đầy đủ những điều xung quanh. Khi lớn lên, chúng ta bắt đầu có nhiều nỗi sợ, từ những nỗi sợ cụ thể (như sợ độ cao, sợ tốc độ chẳng hạn) cho đến những nỗi sợ vô hình (như sợ thất bại, sợ cô đơn,…).

Các chuyên gia cho rằng chúng ta cần vượt qua những nỗi sợ hãi, đừng để chúng án ngữ trong đầu ta thời gian quá dài. Vượt qua những nỗi sợ hãi (sẽ được nhắc đến dưới đây) sẽ giúp chúng ta sống thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn mỗi ngày.

anh minh hoa.jpg
Đằng sau sự chững lại khi thất bại là sự khai mở cơ hội của phát triển và tiến bộ - Ảnh minh họa

1 - Sợ mình không bằng người khác

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, như trong công việc, học tập hay trong các quan hệ xã hội, chúng ta đều có xu hướng so sánh bản thân mình với người khác. Điều quan trọng là cần vượt qua sự “tự chỉ trích” này vì không ai là người hoàn hảo cả. Sự thiếu hoàn hảo của một người không làm giảm đi giá trị của họ.

Tác giả Carolyn Rubenstein chia sẻ trên Psychology Today rằng: Mỗi cá nhân đều có những sức mạnh phi thường để làm nên “nhân hiệu” cho cá nhân đó. Mỗi người đều có những giá trị riêng dẫn đường cho hành động của họ. Để đạt được trạng thái hài lòng với năng lực bản thân, trước hết hãy tin tưởng rằng bản thân ta có năng lực đó.

2 - Sợ bỏ lỡ điều gì đó

Thay vì chạy theo từng khoảnh khắc hãy sống với khoảnh khắc hiện tại. Ngày nay, với sự phổ biến và quá tải của truyền thông chúng ta thường nghĩ mình đã bỏ qua quá nhiều những diễn biến xảy ra quanh mình. Nhưng chính những nỗi sợ liên tục này thật sự làm gián đoạn cuộc sống hiện tại của chúng ta, gây ra trạng thái lo lắng, cô đơn vì nghĩ mình không “chạy theo kịp” những diễn biến xung quanh.

3 - Sợ thất bại

Thất bại là một phần của cuộc sống. Sớm chấp nhận điều thất bại vẫn tốt hơn là sợ hãi chúng. Đằng sau sự chững lại khi thất bại là sự khai mở cơ hội của phát triển và tiến bộ.

Như trường hợp được lịch sử ghi nhận của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh, người đã sáng tác hơn 900 tác phẩm trong vòng 10 năm tuy chỉ được chứng kiến một bức tranh được mua trước khi qua đời, nhưng sau này đa phần các bức họa của ông được liệt vào hàng kiệt tác.

Hay như phát ngôn nổi tiếng của nhà khoa học người Mỹ Thomas Edison: “Tôi không phải đã thất bại 10.000 lần mà là tôi đã tìm ra thành công 10.000 phương thức không hiệu quả” (nguyên văn: “I have not failed 10,000 times, I've successfully found 10,000 ways that will not work”).

4 - Sợ cô đơn

Việc hướng vào nội tâm của chính mình cũng là điều tốt. Nhà trị liệu tâm thần học Ross Rosenberg khẳng định: Những lúc một mình có thể giúp chúng ta thư giãn và tái tạo năng lượng, làm mới bản thân.

“Tôi một mình và tôi hạnh phúc. Tôi một mình và tôi đơn độc”. Ý niệm về sự cô đơn là do chính chúng ta tạo ra. Thay vì sợ cô đơn hãy học cách thấu hiểu và chuyển hóa sự cô đơn.

5 - Sợ không được chấp nhận

Thế giới có đến mấy tỉ người. Điều này có nghĩa là có rất nhiều sự khác biệt giữa ngần ấy con người. Để người khác chấp nhận mình, trước hết hãy chấp nhận bản thân mình, trong mối quan hệ với người khác.

Như chia sẻ của Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt: “Làm bằng hữu với chính mình là điều thật sự quan trọng vì không có nền tảng này mỗi người sẽ không thể kết bạn với ai khác trên thế giới này” (dịch từ: “Friendship with oneself is all important, because without it one cannot be friends with anyone else in the world”).

Trần Trọng Hiếu
(Theo Huffington Post)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày