GNO - Ở Tây Nguyên, có những người như vợ chồng Lích. Họ được ví von như những “cao bồi” nơi miền Viễn Tây hoang dã của nước Mỹ ngày trước, sống một cuộc đời du mục dân dã, cần mẫn và gắn chặt với nghề chăn bò thuê…
Trên những sườn đồi du mục
Thời điểm này đang vào cuối mùa khô ở Tây Nguyên, những cơn gió không còn mang cái nóng khô rát mà thay vào đó đã có chút hơi ẩm thổi thoang thoảng trên lưng đèo Chư Sê thuộc xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai).
Từng đàn bò lớn chậm rãi gặm cỏ trên sườn đồi làm tung lên những đá bụi nhỏ trong nắng chiều giữa bầu trời trong vắt.
Ở Tây Nguyên nhiều người chăn bò thuê cho những trang trại lớn
Rơ Châm Lích tựa lưng vào một bộng cây lớn, tha thẩn nhìn đàn bò ung dung gặm cỏ. Thi thoảng vút lên không trung là tiếng hát “mãnh liệt” và khoáng đạt của Lích. Chàng chăn bò này đã ở tuổi gần 40, đã có vợ con và thâm niên hơn 10 năm chăn bò.
Tất nhiên, đàn bò của Lích là đi chăn thuê. Lích bảo, đàn bò hơn 50 con mà Lích và vợ đang chăn là của một trang trại trong vùng.
Ở đây, nương rẫy khó trồng cây vì nguồn nước khan hiếm hơn các xã khác, cả một khoảng rộng bao la trên và dưới đèo Chư Sê này là những đồng cỏ. Chúng xanh tốt theo mùa và lụi tàn theo tháng không có nước. Vì những điều kiện ấy nên ở đây chỉ có những đàn bò, đàn dê chăn thả trên khắp vùng đồi mà thôi.
Không chỉ vợ chồng Lích, mà mấy chục hộ dân người Jrai ở H’Bông có nghề chính là chăn bò. Xã H’Bông có tất cả 12 thôn, trong đó có tới 11 thôn là người J’rai và Bahnar sinh sống, còn lại là một thôn của người Kinh nằm hai bên đường quốc lộ. Trong các buôn làng, người J’rai và Bahnar làm nghề chăn bò thuê để kiếm sống.
Bắt đầu từ năm 2004, những chủ trang trại cùng với chính quyền tỉnh Gia Lai đã thành lập ở đây những trang trại chăn nuôi bò lớn. Cách trả công chăn bò cũng rất đa dạng. Như vợ chồng Lích, hay vợ chồng Ksor Khăm, vợ chồng Siu Nét và nhiều người nữa thì nhận công bằng bê con.
Còn những người khác có thể nhận công bằng tiền hàng tháng. Những người chăn bò nếu nhận tiền công theo tháng sẽ rơi vào khoảng từ 4-7 triệu đồng tùy số lượng bò chăn được. Mỗi hộ nhận nuôi từ 10 tới 20 con, nếu nhà đông người, có thể nhận 60-70 con bò, chỉ cần 1 lao động chính và 1-2 lao động phụ ở các gia đình chăn dắt là có thể đảm bảo được công việc.
Lích nhận chăn 10 con bò, nếu sau một năm, bò mẹ đẻ được 10 con thì Lích sẽ được 1 con. Và có thể nuôi chung đàn với bò của chủ. Ở vùng này, nhiều người cũng nhận công chăn bò như thế. Vì cuối năm, có thể sẽ được 1 hoặc 2 con bê con, không mất tiền mua bò giống mà vẫn chăn thả cùng đàn bò của chủ được. Cứ thế, sau 10 năm chăn bò, đàn bò của anh giờ cũng được gần chục con. Đó là cả một gia tài với những người chăn bò như Lích.
Anh Tùng, từ Quảng Ngãi lên đây lập nghiệp, cũng chọn nghề chăn bò. “Không đủ tiền mua đất sản xuất nên cả nhà tôi đều làm nghề chăn bò thuê. Tiếng là vất vả nhưng vẫn sướng hơn ở quê.
Nhận nuôi hơn 70 con bò của chủ trang trại, nhận tiền công mỗi tháng vài triệu thôi, gọi là đủ sống. Ngoài ra, cứ 3 ngày, tôi bán một đợt phân, góp lại cũng được 4 triệu đồng /tháng. Ăn ngủ với bò riết rồi cũng quen, cực khổ lắm nhưng chắt chiu thì cũng đủ nuôi gia đình và dành dụm được chút ít cho con sau này ăn học”, anh Tùng chia sẻ.
Xóm “cao bồi”
Trại bò của ông Nguyễn Đình Phúc, lúc cao điểm lên đến 4.000 con, là trang trại bò tư nhân lớn nhất toàn quốc thời điểm cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, hiện nay, ông Phúc có 27 đàn bò được thuê người nuôi, với số lượng trên 1.400 con tại địa bàn xã H’Bông.
Vì lượng nhân công chăn bò thiếu hụt, dù những “cao bồi” J’rai và Bahnar làm việc rất tốt, nhưng lượng bò cần chăn quá lớn nên những người Kinh cũng tham gia vào công việc chăn thả này.
Những chú bò trở về nhà sau một ngày gặm cỏ trên thảo nguyên xanh
“Xóm cao bồi” cũng hình thành với 150 người từ khắp nơi quần tụ ở lưng đèo Chư Sê để làm nên trang trại “khủng” trên đất Tây Nguyên. Hiện nay, huyện Chư Sê còn 371 trang trại, với tổng số lao động lên đến 1.273 người, trong đó có 345 trang trại trồng trọt và 21 trang trại chăn nuôi.
Số phận những người chăn bò thật sự không như thơ thêu dệt, chỉ cần lạc mất một con thì cả hội phải đốt đuốc đi tìm bò trong bóng tối. Đó là trường hợp, bò của Lích bị lạc. Cũng còn may, nó nằm trú trong một lùm cây cách nhà hơn 3km. Sau trận hú hồn ấy, Lích và vợ chăm bò thật kỹ. Bởi, mỗi con bò là cả một gia tài của Lích.
Chăn nuôi bò ở đây theo lối chăn thả tự do, Lích tâm sự: “Nuôi bò, ngày nắng cũng như ngày mưa, phải kiểm soát bò thật kỹ. Bữa nay người ta làm rẫy nhiều nên cực lắm, hễ bò vào ăn hoa màu là bị chặt chân liền”.
Chính vì thế, suốt cả năm trời, chân phải đạp lên đá núi nhiều khi tứa máu, đau đến phát khóc. Đặc biệt, vào mùa khô Lích phải đi vài km để gánh nước về cho bò uống. Bây giờ, việc chăn bò ở đây lại khó khăn hơn khi diện tích đồng cỏ đang bị thu hẹp dần vì người dân khai hoang làm nương rẫy.
Vậy mà, nhiều năm trôi qua ở xóm “cao bồi” ấy, những ngôi làng J’rai và Bahnar cùng sống hòa thuận làm nghề chăn bò thuê trên những sườn đồi đầy cỏ. Chiều chiều, những chú bò trở về phủ rợp vàng ươm những sườn đồi.
Chúng “tấu” lên những khúc nhạc “ợm ờ”, hòa cùng tiếng mõ lốc cốc, tiếng hát của những “cao bồi” nhiều lứa tuổi, thành một dàn đồng ca du mục ở miền thảo nguyên đầy da diết.
Tất cả tạo nên một vẻ đẹp với sức sống kỳ vĩ, mà thoạt lần đầu nhìn, ai cũng bảo là thơ mộng. Nhưng thật sự, những “cao bồi” chân chất trên miền thảo nguyên này là những thân phận con người bé nhỏ có đời sống vất vả quanh năm.
Tiêu Dao - Đinh Dũng