Những Phật tử ở thị trấn A Lưới

GN - Đến thị trấn A Lưới (Thừa Thiên Huế), tôi thường tới dùng cơm chay ở quán Diệu Hương, nhưng ở thị trấn nhỏ này gần đây còn có thêm một quán nữa, mang tên Ánh Đạo Vàng…

Quán chay Diệu Hương là nơi gặp gỡ các Phật tử thuần thành của thị trấn A Lưới. Chị May, chủ quán có tính tình thuần hậu, chất phác. May, tên của chị, là sự may mắn, kết quả ứng hiện tâm linh từ sự trì chú của cha chị.

Cha chị thời trẻ đi rút mây, lạc trong rừng sâu. Hằng ngày, ông quay vần trong mịt mù rừng rậm đại ngàn tìm đường ra. Ông hái lá rừng ăn tạm và trì niệm “Án Ma Ni Bát Di Hồng”. Một hôm, ông leo lên cây cao tìm phương hướng và may mắn nhìn thấy tốp người đi tìm mình. Họ đưa ông về trong trạng thái gần kiệt sức. Về nhà mấy hôm sau, vợ ông sanh một bé gái. Ông đặt tên cho bé gái tên May.

Hinh xh 1.JPG

Chị May bán quán chay ở thị trấn A Lưới

Chị May bán chay cả ngày, sáng có bún, cháo, bún trộn, cũng có lẩu chay và nhận đặt tiệc cho ai có nhu cầu. Tôi thích nhất món cháo, chị nhồi từ ba thứ bột gạo, bột mì, bột sắn nên sợi cháo dẻo dai. Mỗi món chỉ 10.000 đồng cho cả một đĩa cơm hoặc 1 tô cháo, bún nước, bún trộn, tô to, rất rẻ. Mỗi ngày chị May thường tặng 4-5 hộp cơm đến người nghèo, người già còn đi củi, đi rừng. Chị giới thiệu cho tôi gặp các anh chị ăn chay trường, tu Tịnh độ.

Anh Thái Xuân Trì và Trần Ngọc Thọ thuộc nhóm cộng tu, phóng sanh A Lưới. Một tháng, nhóm phóng sanh ít nhất bốn lượt, tiền bạc do trong nhóm kẻ nhiều người ít cúng dường công đức. Anh Trì làm bảo vệ ở bệnh viện thị trấn, khi rảnh thường đi tụng kinh các nơi có nhu cầu, nhất là đi hộ niệm.

Vừa rồi, anh xuống thành phố Huế hộ niệm cho mẹ của một người trong nhóm cộng tu ở gần cầu An Cựu, bà đau yếu nhưng chưa đi được. Anh Thọ cũng vậy, anh hướng dẫn nhiều người ăn cơm gạo lứt muối mè để chữa bệnh. Anh thường đi về TP.Huế, anh niệm Phật không gián đoạn. Trong nhóm cộng tu có cô gái bị câm gần 30 tuổi.

Cô siêng năng hay làm việc trong im lặng, khi đến nhà hộ niệm cho thân nhân các đạo hữu, cô cũng làm việc này đến việc khác, chớ không ngồi không. Nhờ hồi nhỏ cô đi học trường trẻ em khuyết tật ở phường Vĩnh Ninh (TP.Huế) nên cô biết chữ.

Anh Trì viết bốn chữ A Di Đà Phật cho cô học, từ đó cô đi hộ niệm, niệm Phật trong tâm, một cô gái bất túc mà siêng đi niệm Phật giúp người. Tôi thấy cô ra dấu bằng 3 ngón tay, anh Trì “dịch” cô xin anh 3 ngày nữa nhóm cho cô về TP.Huế để hộ niệm đợt 2 cho mệ (bà). Dù cô niệm trong tâm, tôi tin kiếp sau cô sẽ thành cô gái đẹp, không khuyết tật, có điều kiện tu học tốt hơn.

Rồi anh Đặng Inh (pháp danh Quảng Hải), người dân tộc Cơ Tu và vợ là chị Nguyễn Thị Hưởng (pháp danh Quảng Hà) nhà gần chợ tạm A Lưới. Thị trấn đang xây lại chợ cũ nên chợ tạm dời xuống một đoạn cùng ở bên đường Trường Sơn để mua bán trong vài năm.

Vợ chồng anh Inh và chị Hưởng cùng ăn chay trường, cũng phóng sanh, cũng cộng tu Tịnh độ và hộ niệm cho người lâm chung. Hàng năm, đến ngày mùng 6 Tết, tại nhà anh Inh hơn 200 người dân tộc và Kinh đến tu học một ngày.

Anh Inh có nguyện vọng muốn cúng dường ngôi nhà này để quý thầy, quý sư cô tu sửa làm đạo tràng các dân tộc thiểu số có nơi tu học, sinh hoạt. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một người dân tộc anh em thông hiểu Phật pháp, lễ lạy, cúng dường, tu Tịnh độ, giữ 5 giới giỏi thế. Trong nhà của anh treo nhiều bằng công đức và một bàn thờ Phật trang nghiêm.

Ngôi nhà ở một rẻo cao yên bình, thật hạnh phúc. Một gia đình có một người bất thiện thì gia đình đó bất yên. Một xóm có nhiều nhà bất thiện thì xóm đó bất yên. Nếu chúng ta có nhiều đạo tràng, nhiều nhóm cộng tu, phóng sanh, hộ niệm như Phật tử ở thị trấn A Lưới thì chúng ta sẽ được bình yên mãi mãi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày