Những sinh linh nương nhờ cửa Phật

Giác Ngộ- Dưới mái chùa nghèo nàn đơn sơ, nằm ẩn khuất dưới lũy tre làng, tận cuối con đường quanh co uốn lượn của thôn Quang Châu, Sư cô Thích nữ Minh Tịnh đã cùng các Ni cô trong chùa đón nhận hơn 50 trẻ em bất hạnh bị cha, mẹ bỏ rơi về nuôi dưỡng. Từ năm 2007 đến nay, chùa Quang Châu đã trở thành một mái ấm tràn đầy tình yêu thương, nơi nương tựa vững chãi của những mảnh đời bất hạnh...

Những sinh linh bé bỏng

Nhớ lại lai lịch từng hoàn cảnh một, Sư cô nói có đứa thì còn đỏ hỏn, dây rốn lòng thòng lạnh tím cả người trong giá rét mùa đông khắc nghiệt của miền Trung, đứa thì được người qua đường mang đến chùa khi nhặt được em trong thùng rác. Có cả những người mẹ mang bầu ngoài ý muốn khi còn quá trẻ mang bụng đến chùa cùng với lời đề nghị xin được chăm sóc, xin được ở lại chùa để sanh, kèm theo lời trình bày là 2 chai thuốc rầy trên tay, nếu bị nhà chùa khước từ sẽ sẵn sàng tự vẫn cả mẹ lẫn con để chạy trốn cha mẹ và miệng đời bêu rếu do mình trót dại…

anh 4_resize.JPG

Trong tình yêu thương của những người mẹ- Ảnh: T.N

Trước những hoàn cảnh như thế, Sư cô kịp thời động viên, giải thích và chấp nhận nuôi giúp như cô L  sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, gần 6 tháng sau gia đình tìm đến đón về tổ chức đám cưới và cả nhà sau đó quy y trở thành Phật tử. Từ đó tiếng lành đồn xa những mảnh đời bất hạnh xô dạt về chùa ngày một nhiều lên. Chùa Quang Châu và Sư cô Minh Tịnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc, là nơi nuôi dưỡng những trẻ em thuộc gia đình khó khăn, trẻ bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh cho đến lúc trưởng thành.

Sư cô Minh Tịnh nhớ lại: Một hôm có người phụ nữ dẫn đến chùa 3 em bé gái, tuổi đang theo học lớp 4, 5 nhờ nhà chùa nuôi giúp vì gia đình của các em ở tỉnh Quảng Trị, bố mẹ làm ăn khốn khó nên bỏ nhà đi biệt, các em không biết nương nhờ vào ai. Động lòng, Sư cô chấp nhận cho các em ăn ở và tiếp tục đi học tại Trường Tiểu học xã Hòa Châu. Kế đến có một gia đình mang đến một cặp song sinh từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, rồi dần dà sau những trận bão lũ gây ra cảnh tang thương, màn trời chiếu đất tại các tỉnh miền Trung, nhiều hoàn cảnh thương tâm đã xin cho các cháu về nương tựa cảnh chùa.

Nhà chùa không thể nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của chúng sinh và không biết từ bao giờ những người già neo đơn, góa bụa, trẻ sơ sinh mang bệnh nặng bị cha mẹ đem bỏ rơi ngoài mưa gió trước sân chùa, có bé dây rốn lòng thòng. Sư cô đã mất ăn, mất ngủ ra vào bệnh viện chạy chữa cho cháu, như  bé có tên là bé Bơ, nay đã kháu khỉnh, xinh đẹp, luôn quấn quít và gọi Sư cô bằng “mẹ”.

Kể từ sau khi nhận được bé Bơ, Sư cô phát nguyện trong tâm hễ gặp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là nhà chùa sẵn sàng ra tay tiếp nhận, nuôi dưỡng, chạy chữa  bệnh tật cho các cháu như những đứa con ruột thịt của mình...

Khó khăn không nản

Chỉ tính riêng trong năm 2011 đã có trên 7 trường hợp trẻ sơ sinh bị đem bỏ trước cổng, trong sân, trên ghế đá ở chùa Quang Châu, hầu hết các bé đều mang rất nhiều căn bệnh khó chữa chạy như trường hợp của đứa bé mới đây nhất chưa kịp đầy tháng mà đã có 3 tuần nằm viện, chưa kịp đặt tên tạm gọi em là “cu Rơi”. Bé bị bỏ rơi trong chùa, chỉ nặng có 1,7kg ngay lập tức Sư cô trụ trì cho chở đi cấp cứu, bác sĩ cho biết đứa bé đang trong tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng, dạ dày đen, mỗi lần chỉ bú được 20ml sữa bình.

anh 10_resize.JPG

Các cháu mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa- Ảnh: T.N

Và, hàng chục đứa bé khác trong tình trạng tương tự như bé Nguyễn Phước Long, Phước Tấn, Phước Ngộ, Phước Bảo… đã được nhà chùa dốc lòng chăm sóc, thuốc men, chạy chữa. Hầu hết, các em đến nay đã khỏe mạnh, ăn uống sinh hoạt, học tập bình thường, các em lớn chăm ngoan, đến trường học hành nghiêm túc và tu học theo các thời khóa do Sư cô đề ra.

 Ngồi nhớ lại trong quãng thời gian hơn 15 năm qua, Sư cô Minh Tịnh không khỏi bàng hoàng khi việc làm thiện nguyện của mình có lúc đã bị dư luận đồn thổi, tung tin cho rằng cô đã nhận tiền của một tổ chức phi pháp, cơ quan công an đã đến chùa làm việc, tạo nên một dư luận sai biệt khiến cô vô cùng vất vả, khổ tâm có lúc tưởng chừng bỏ cuộc.

Sư cô cho biết: “Năm đó mới tiếp nhận chừng gần 20 cháu, có tiếng đồn chùa cô đã nhận tiền từ nước ngoài của tổ chức “Thanh Hải Vô Thượng Sư”,  nỗi oan  trái chưa biết tỏ bày cùng ai thì một hôm các anh công an đến chùa làm việc, cô trình bày thành thật ngọn ngành, có được tiền để nuôi các cháu là do các cô làm ruộng kiếm gạo ăn, bán mì chay dạo khắp nơi, ở những nhà mặt đường do Phật tử cho mượn, tổ chức nấu tiệc chay cho các buổi lễ… Hiểu được vấn đề, từ đó các trường miễn, giảm học phí cho các cháu, chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho việc khai sinh cho các em, Phật tử các nơi chung tay, góp sức kẻ ít, người nhiều...”.

Trong 50 cháu đang được nuôi dưỡng, học hành, vui chơi và tu  tập dưới mái chùa Quang Châu có 15 cháu từ sơ sinh đến 1 tuổi,  28 cháu mẫu giáo lớn , 7 cháu đang theo học Trường Tiểu học Hòa Châu, 5 Sadini đang theo học trung cấp Phật học, 3 Tỳ kheo ni là 3 em ngày đầu tiên đến chùa nay đã trở thành sinh viên năm 2 HVPGVN tại TP.HCM. Đặc biệt khi đến chùa vào các thời khóa tu học hoặc lễ cúng ngọ hàng ngày, khách hành hương sẽ được nghe những giọng tụng niệm ngân nga như tiếng chim non, thánh thót, véo von của các em học sinh tiểu học nghe thật trong trẻo, thuần khiết và hết sức dễ thương.

Có vất vả nhiều, khó khăn nhiều nhưng khi nhìn cảnh đầm ấm yêu thương ấy, tâm trạng Sư cô trụ trì lại thấy hoan hỷ, hạnh phúc và an lạc. Tình thương yêu cũng được lớn lên theo bước chân của những đứa con bất hạnh, lạc loài. Con đường mùa xuân đầy hoa thơm, tình thương yêu cũng đơm bông từ đấy!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày