Niềm tin không tắt

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1183 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1183 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mắc phải căn bệnh bại não từ khi còn nhỏ, mang trong mình thương tật 81%, mất đi khả năng vận động phần lớn cơ thể, ấy thế nhưng anh Ôn Tuấn Huy (SN 1995) đã hoàn thành một hành trình phi thường mà nếu không tận mắt chứng kiến, có lẽ không mấy ai tin rằng anh đã làm được.

Hành trình của ý chí

Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn ngành Công nghệ thông tin, trở thành thực tập sinh của Công ty Deloitte Việt Nam, với một người bị bệnh như Tuấn Huy, theo đuổi việc học là chuyện không dễ dàng. Sự khát khao được học chữ đã giúp cho Huy cố gắng vươn lên mỗi ngày, không bỏ cuộc. “Huy luôn động viên bản thân mình: mình làm được mà”, Huy kể.

Hành trình của Huy bắt đầu từ người thân. Không thể đến lớp như những bạn bè đồng trang lứa, ông ngoại và mẹ là những người thầy đầu tiên dạy Huy làm quen với những con số. Lúc Huy 3-4 tuổi, ông ngoại bắt đầu dạy Huy đếm số. Ban đầu đếm từ 1 đến 10, sau đó thì đếm đến 1.000.

“Mẹ cũng hy vọng mình có tư duy như chúng bạn nên mỗi buổi tối trước khi ngủ mẹ dạy cho mình cách cộng trừ. Nhờ có ông và mẹ luôn kiên trì dạy dỗ nên khi lên 6 tuổi mình đã thuộc và có thể cộng trừ trong phạm vi 1.000”, Tuấn Huy nhớ lại.

Huy cố gắng một, mẹ của Huy - cô Lương Ngọc Chí (sinh năm 1968) nỗ lực gấp nhiều lần. Thương con, cô tìm đọc rất nhiều sách, nghiên cứu cách chăm sóc lẫn điều trị. Những ngày đầu Huy theo học tại trường dành cho người khuyết tật, để giúp con nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, mẹ của Huy đã học lại lần thứ hai trong đời. Cô đọc sách, học cách dạy chữ và luôn ngồi bên cạnh kiên nhẫn giúp con luyện từng con chữ. Gặp bài toán nào khó, cô mày mò cách giải, rồi hướng dẫn con thực hiện, cho đến khi ra được đáp án cuối cùng.

Chưa bao giờ nản chí, chưa từng ngừng hy vọng, cô Chí không ngại hy sinh thời gian lẫn tiền bạc để Huy được học, được chơi, được phát triển tư duy như bao đứa trẻ khác. Ban ngày cô đưa con đi tập vật lý trị liệu, đi học. Ngoài những giờ đưa Huy tới trường, cô nhận may đồ, sửa đồ tại nhà để kiếm tiền lo cho Huy. Ngay cả bác sĩ điều trị cũng phải bất ngờ trước sự phát triển của anh Huy trong mỗi lần đưa Huy đi khám định kỳ.

Dù xuất phát trễ hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng với tinh thần hiếu học và sự động viên của mẹ, Huy đạt được danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền. “Tàn mà không phế”, đó có lẽ là câu nói mà mọi người thường nói khi nhắc về Huy.

Huy với người mẹ thân yêu của mình

Huy với người mẹ thân yêu của mình

Mẹ, con cùng cố gắng ở giảng đường

Ngày nhận được giấy báo đại học, Tuấn Huy không giấu nổi sự vui mừng. Huy cho biết, mình chọn ngành công nghệ thông tin - một ngành khó và cần nhiều kiến thức chuyên môn để gắn bó, bởi vì: “Đó là ngành của tương lai. Bên cạnh đó, được các anh chị trong gia đình đã theo ngành tư vấn, định hướng, nhìn thấy được tiềm năng của ngành nên quyết định nối bước họ”.

Trong quá trình học, dĩ nhiên Huy gặp không ít khó khăn, do cách học quá khác biệt giữa bậc học phổ thông và đại học cũng như việc Huy chưa có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh trước đó. Đó là chưa kể, trong quá trình học, Huy còn phải đối mặt với không ít định kiến về khả năng của mình.

Dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng Huy luôn được mẹ động viên cả hai mẹ con cùng cố gắng. “Mỗi nấc thang Huy đi đều có người giúp đỡ, đi đâu mọi người cũng thương” - đó cũng là điều mẹ của anh Huy cảm thấy rất may mắn.

Không phải bước đi một mình mà hai mẹ con anh Huy được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu thương và sự bao bọc người thân. Những ngày mẹ kiệt sức, dì cõng anh đến trường rồi ngồi đợi anh tan học suốt nhiều năm liền.

Bước lên đại học, những khu nào không có thang máy thì anh Huy một tay vịn cầu thang, một tay được mẹ đỡ, phía sau có dì hỗ trợ bước từng bước lên lầu. Từng bậc thang đó, khi bước qua, Huy khắc ghi thêm sự biết ơn và lấy đó làm động lực cho mình cố gắng. Đó cũng là hình ảnh sống động nhất, anh nhớ đến mỗi khi thấy mệt, thấy đau, hay lòng dậy lên chút “sóng” bỏ cuộc.

Một điều may mắn nữa là bạn bè, thầy cô ở những năm phổ thông lẫn ở Đại học Sài Gòn đều yêu thương và hỗ trợ. Huy là một trong những sinh viên nhận được sự tiếp sức cùng một lúc của các quỹ học bổng như Người bạn đồng hành, Thắp sáng tương lai, trong quá trình chạm đến giảng đường.

Chạm đến ước mong

Ngày tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư trên tay, Tuấn Huy khoác cho mẹ bộ lễ phục tốt nghiệp của mình như một cách để thực hiện ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học mà mẹ chưa bao giờ thực hiện được.

“Đây cũng là cách mà con muốn bày tỏ với mẹ rằng, chiếc áo đó cũng nhờ mẹ mà con có. Chiếc áo đó có ý nghĩa hơn khi do chính con đem đến cho mẹ. Con biết đó là món quà ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất mẹ muốn nhận từ con. Một chặng đường quá dài hai mẹ con cùng cố gắng”, Huy nói trong sự tự hào.

Tuấn Huy bảo: “Niềm vui tiếp đến là mình đã chứng minh cho mọi người thấy được mình đã dám mơ và đã thực hiện được. Mình muốn nhắn gửi đến mọi người, đừng bỏ cuộc, khi mình có ước mơ, có hy vọng, phía trước luôn có con đường và hạnh phúc”.

Khi hỏi về ước muốn, cô Chí trải lòng: “Ước muốn lớn nhất là Huy trở thành người bình thường để mai sau cô không còn, Huy tự chăm sóc cho bản thân”. Ước muốn của Tuấn Huy lại là có thể làm được nhiều tiền phụng dưỡng mẹ, và tự lo được cho bản thân, để mẹ yên lòng. Xuất phát từ tình yêu thương, cả hai mẹ con của Huy đều tìm thấy cho mình điểm tựa hy vọng để cố gắng, để vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt.

“Cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi có gia đình bên cạnh, và đó cũng là lý do lớn nhất để mình cố gắng thêm từng ngày”, Huy tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày