Hành trình xuyên Việt cùng Gốm Bụt

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1983) vừa có một hành trình đi bộ xuyên Việt để trải nghiệm cuộc sống và đem câu chuyện “Gốm Bụt” lan tỏa. Đó là hành trình kỳ diệu với Sơn và những người dõi theo.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1182 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1182 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Sinh ra và lớn lên ở làng Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), với Nguyễn Trường Sơn là phước duyên, vì nơi đây đã nuôi dưỡng tình yêu nghề gốm cho anh. Tiếp nối nghề gốm của cha ông, Nguyễn Trường Sơn trở thành nghệ sĩ sáng tạo nên “Gốm Bụt”, một dòng gốm mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống xưa, lại mang hồn của triết lý nhà Phật qua từng vân gốm với tính duyên sinh được chuyển tải. “Để một tác phẩm gốm mang đến sự bình an cho người cảm nhận thì người nghệ sĩ gốm cũng giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm trong suốt quá trình làm”, Sơn nói.

Được biết, năm 2016, người sáng lập “Gốm Bụt” có duyên biết đến Phật pháp. Theo Nguyễn Trường Sơn, trong sơn hà đại địa, vạn vật đều có linh tính. Bởi vậy mỗi lần làm gốm, anh đều nghe giảng pháp, để bản thân học Phật và để những sản phẩm gốm làm ra mang năng lượng tích cực, an nhiên.

Sau chuyến đi, Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ với báo Giác Ngộ trải nghiệm đáng nhớ của mình cùng câu chuyện “Gốm Bụt” mà anh tâm niệm:

* Chào Sơn, được biết anh và một vài người bạn vừa có trải nghiệm đi bộ xuyên Việt? Anh có thể chia sẻ về ý niệm thực hiện hành trình đó?

- Giữa cuộc sống đang diễn ra quá nhanh, mọi người đều bị cuốn theo guồng quay của công việc, của dự án và các mối quan hệ, tôi muốn có một khoảng không gian và thời gian chậm lại, tách biệt với những điều đó, để bản thân có trải nghiệm mới. Qua đó, có cách làm mới với thương hiệu “Gốm Bụt”. Với bản thân mình, hành trình qua các vùng miền của Tổ quốc để được sống, hòa nhập với văn hóa, với Phật giáo trên khắp Việt Nam.

Nguyễn Trường Sơn với trải nghiệm đi bộ xuyên Việt thú vị - Ảnh: NVCC

Nguyễn Trường Sơn với trải nghiệm đi bộ xuyên Việt thú vị - Ảnh: NVCC

Gốm độc bản của Sơn

Dòng sản phẩm độc bản và cao cấp nhất của Gốm Bụt được làm theo phương pháp be chạch. Be chạch là công đoạn mà người thợkhối đất dẻo thành những dải nhỏ, xếp chồng những dải đất này lên nhau theo vòng tròn để tạo hình sản phẩm theo ý muốn.

Dòng gốm này đặc biệt bởi bề mặt của nó vốn đã có độ lồi lõm tự nhiên do dấu tay người thợ để lại trong quá trình tạo hình cho gốm, và sự lồi lõm tự nhiên này vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm. Người ta có thể tạo cùng phom dáng, chọn cùng loại men,... nhưng những dấu tay của người làm - cũng chính là “họa tiết” trang trí trên bề mặt gốm - là duy nhất.

* Ông bà mình nói, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Trên hành trình đó anh đã gặp và học được những gì thú vị, đáng ghi nhớ?

- Trong hành trình xuyên Việt, tôi được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị của cuộc sống. Ý định ban đầu là tìm tòi về văn hóa, về Phật giáo, để tìm ra nguồn cảm hứng mới cho “Gốm Bụt”. Song, điều tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi, đó là tình người trên khắp nẻo đường mình đã qua. Chặng đường ở Hà Giang, tôi đi không sử dụng tiền, mọi thứ đều là tùy duyên. Trong suốt quãng đường đó, tôi đã được giúp đỡ rất nhiều.

Có những hôm đang mắc lều ở dưới mái hiên của một trường mầm non để nghỉ qua đêm, thì bất ngờ được anh chị người dân tộc Dao mời về cho nước nóng pha mì gói và cho tá túc tại nhà anh chị, vì sợ ngủ ngoài trời không an toàn. Hay có những lúc, phải ngủ ngoài đường, trời đang mưa, thì được chú Định, dân tộc Dáy cho về nhà ngủ, còn lấy cho quả bí luộc ăn với cơm nguội… Những lúc đó, thực sự biết ơn và cảm động với tấm chân tình mà bà con đã dành cho mình.

* Anh Sơn là người tạo thương hiệu “Gốm Bụt” được nhiều người yêu mến. Tại sao là “Gốm Bụt”?

- Bản thân mình là người mến mộ Phật pháp và rất yêu văn hóa Việt Nam, Gốm Bụt được lấy cảm hứng từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Khi nhắc tới Bụt, ai cũng có cảm giác lành thiện từ trong tâm, nên tôi muốn “Gốm Bụt” là thương hiệu gắn liền với đạo Bụt và văn hóa Việt. Tháng 12-2021, dòng “Gốm Bụt” được ra đời, với những món gốm duy mỹ, mang trong mình năng lượng bình yên, hoan hỷ cho mỗi người sở hữu.

Lấy cảm hứng từ những sinh hoạt đời thường, từ văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, “Gốm Bụt” cho ra mắt những bộ sưu tập riêng, như mùa xuân năm nay với Phứ cầu (lấy cảm hứng từ trang sức của người phụ nữ vùng cao). Mỗi bộ sưu tập, mỗi sản phẩm “Gốm Bụt” đều với tâm niệm là chiếc cầu nối đưa người thưởng thức gốm tới gần hơn tới cha ông ta, tới sự tĩnh lặng bên trong.

Văn hóa Việt và triết lý Phật giáo chính là 2 yếu tố xuyên suốt và khác biệt trong các tác phẩm của Gốm Bụt, từ đó tạo ra món gốm vừa thuần Việt, vừa mang đến cảm giác “Bình yên trong từng vân gốm”.

* Sản phẩm “Gốm Bụt” có gì đặc biệt và được anh tạo thành slogan “Bình yên trong từng vân gốm”?

- Tôi có thói quen khi làm gốm thường nghe Pháp vì tâm niệm rằng: những vật liệu như đất, nước, lửa cùng những người chế tác đều thấm đẫm Phật pháp thì những sản phẩm của “Gốm Bụt”, tự thân đã có bình an. Slogan của “Gốm Bụt” ra đời từ đó.

* Là Phật tử, anh thực tập Phật pháp như thế nào trong đời sống?

- Tôi hữu duyên được quy y trong một dịp đặc biệt, đó là dịp lễ hằng thuận của hai vợ chồng tại chùa Bảo Quang (Hưng Yên).

Với tôi, Phật giáo hiện diện trong đời sống thường nhật, từ đi đứng, nói năng, cách ăn, cách ở - nên tôi thực tập Phật pháp một cách tự nhiên và bình dị, không gò bó.

* Còn việc ứng dụng lời Phật dạy vào công việc, viết nên một thương hiệu thì sao?

- Trong Phật pháp có câu “Chế tâm nhất xứ/ Vô sự bất biện”, tức là làm việc gì cũng cần chú tâm và có chánh niệm, như thầy Thích Nhất Hạnh có dạy: Uống trà, tôi biết tôi đang uống trà. Cũng như vậy, làm gốm tôi biết tôi đang làm gốm. Và một điều, tôi luôn muốn “Gốm Bụt” mang theo đó là chuyển tải được văn hóa Việt Nam và Phật pháp, để mỗi tác phẩm đều trở thành một sứ giả lan tỏa bình an đến mọi người trong và ngoài nước.

* Nếu có chia sẻ với người khởi nghiệp trẻ, mong muốn tạo dựng thương hiệu cho mình, anh sẽ nói gì?

- Theo tôi, khởi nghiệp hay tạo dựng một điều gì đó cần sự học hỏi, trau dồi rất nhiều cả về kiến thức chuyên môn lẫn trải nghiệm thực tế. Đặc biệt đó là sự chuyên nhất!

* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày