“Bé Nước” sống không lùi bước

Phạm Thị Thu Thủy lúc nào cũng rạng rỡ với nụ cười tràn đầy năng lượng tích cực - Ảnh: NVCC
Phạm Thị Thu Thủy lúc nào cũng rạng rỡ với nụ cười tràn đầy năng lượng tích cực - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Bé Nước” là nickname của Phạm Thị Thu Thủy (sinh năm 1997) ở TP.HCM. Thủy là trẻ mồ côi, lớn lên ở Làng Hòa Bình với đôi chân khuyết tật.

Hành trình 25 năm hiện hữu trên cõi đời, đi qua tháng năm tuổi trẻ, “Bé Nước” nay đã là cô giáo dạy trẻ tự kỷ. Nhìn lại, cô cho biết “tôi không hề chán ghét bản thân”, ngược lại, còn thấy mình đặc biệt.

Mỗi người sinh ra đều do nhân duyên riêng và ai cũng có sứ mệnh của mình khi có mặt trên đời này, “Bé Nước” tâm niệm như vậy nên đã tỏa sáng bằng chính nghị lực sống của mình. Nhìn đôi chân bị co quắp của Thủy, muốn di chuyển phải đi bằng đầu gối, ít ai có thể tưởng tượng Phạm Thị Thu Thủy đã luôn là học sinh giỏi, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ngành Giáo dục đặc biệt trong tháng 7 năm nay. Theo “Bé Nước”, cuộc đời ai cũng sẽ có màu đen và màu hồng, quan trọng là cách mình tiếp nhận.

Phạm Thị Thu Thủy trong ngày tốt nghiệp đại học - Ảnh: NVCC
Phạm Thị Thu Thủy trong ngày tốt nghiệp đại học - Ảnh: NVCC

“Nếu không làm giáo viên thì tôi sẽ làm phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, bằng cách nào đó cũng sẽ liên quan đến trẻ đặc biệt”, Thủy chia sẻ. Kể về những ngày vượt khó đến trường, Thủy chia sẻ, khó khăn lớn nhất là di chuyển nhiều, nhất là khi đi học tại giảng đường đại học, ở những tầng cao. “Nhưng đối với tôi thì thấy cũng bình thường lắm. Mình nghĩ nó không có gì là mình sẽ thấy nó không có gì”, Thủy nói nhẹ hều. Không chỉ vậy, Thủy còn xem khiếm khuyết là thuận lợi - “do tôi tiếp xúc nhiều với các bé đặc biệt nên với hình thức của mình sẽ dễ dàng tiếp xúc hơn”.

Mỗi ngày Phạm Thị Thu Thủy bắt đầu công việc của mình bằng việc tự di chuyển, cô mang miếng đệm đầu gối, di chuyển bằng đầu gối ra xe máy, tự chạy đến Trung tâm Ứng dụng tâm lý giáo dục An Nhiên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - nơi mình công tác, bắt đầu với công việc dạy trẻ tự kỷ.

“Thủy là một cô bé đặc biệt, mặc dù mới đến làm việc tại trung tâm không lâu nhưng năng lượng tích cực, sự vượt khó, nghị lực của em truyền cảm hứng tích cực cho mọi người”, chị Lê Thị Kim Thủy, Giám đốc Trung tâm An Nhiên chia sẻ. Còn sau đây là cuộc trò chuyện ngắn của Giác Ngộ với Phạm Thị Thu Thủy:

* Chào Thủy, từ khi nào bạn ý thức được sự đặc biệt của mình? Lúc đó cảm xúc của bạn thế nào?

- Ngày còn bé tôi chưa có nhận thức về cơ thể, việc đi lại đối với tôi là khó khăn nhất. Bởi vì mình là khuyết tật vận động mà. Sau này khi đã trưởng thành, biết suy nghĩ hơn, tôi nhận ra dù là khuyết tật hay lành lặn thì ai cũng phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc đời. Do vậy, tôi không còn xem đôi chân đặc biệt này là một khó khăn, trở ngại mà chính là động lực để bản thân cố gắng hơn mỗi ngày.

Bằng cách nào đó tôi vẫn yêu mẹ

“Khi còn nhỏ, bạn bè chọc không cha, không mẹ. Tôi nghĩ, sao mẹ lại sinh ra mình, sao lúc đó mẹ không bỏ mình đi. Khi lớn lên, tôi nghĩ chắc mẹ có những nỗi niềm riêng, khó khăn riêng, có lý do gì đó để mẹ không nuôi mình. Dù vậy, bằng cách nào đó tôi vẫn yêu mẹ”.

Phạm Thị Thu Thủy

* Có khi nào Thủy cảm thấy bế tắc và đã tìm ra ánh sáng cho mình bằng cách nào?

- Tôi là trẻ mồ côi, lớn lên ở Làng Hòa Bình, cùng sống với rất nhiều bạn có hoàn cảnh khiếm khuyết tương tự. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là mình phải làm điều gì đó có ích trước hết là chính mình và sau đó là đến với những bé có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Khi trở thành người lái đò, ngoài kiến thức, tôi mong có thể giúp các em tự tin là chính mình, cứ sống hết mình với những khiếm khuyết đang mang vì dù thế nào đi nữa, không điều gì có thể ngăn cản các em đến với những ước mơ.

* Tại sao Thủy chọn công việc dạy học và là kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt?

- Khi mình học cấp 2, 3 chung với các bạn khuyết tật, tôi được là chính mình - tôi không còn co mình lại vì sợ những ánh nhìn từ mọi người bình thường khác. Tôi nhận ra chỉ có làm cô giáo mình mới có thể dạy các bạn khuyết tật giống như mình, truyền cho các em sự tự tin, kiến thức của mình. Bản thân tôi luôn suy nghĩ mình phải là chính mình, phải nỗ lực để ngày một tốt hơn, trở thành phiên bản tốt nhất, đặc biệt nhất.

* Trong công việc của mình, cô Thủy có tâm nguyện như thế nào? Mỗi giờ đến lớp đến trường cô Thủy đã làm gì để giúp các bạn nhỏ, nhất là đối tượng trẻ tự kỷ?

- Tôi nghĩ việc trao đi kiến thức cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất đối với tôi chính là tình yêu thương của mình dành cho các bé tự kỷ. Mỗi ngày mình phải dành nhiều thời gian cho việc lên kế hoạch, phương pháp nào hiệu quả để các em tiếp nhận nó một cách dễ dàng nhất có thể.

* Hành trình phía trước là điều không ai biết được, “Bé Nước” có ước muốn gì và nếu có một điều gì đó nói với người trẻ, bạn sẽ nói điều gì?

- Tôi cảm ơn Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ đã dành sự yêu thương, nuôi nấng và giúp tôi có được ngày hôm nay, cho mình có cuộc sống này. Đặc biệt, tôi muốn nói với tất cả mọi người, hãy luôn là chính mình, dù mình là người khuyết tật hay là ai đi chăng nữa, mình là độc quyền. Không ai giống ai cả, cứ tự tin lên dù như thế nào cũng sẽ có hướng giải quyết cho bản thân mình và cho tất cả mọi người.

* Cảm ơn bạn, chúc bạn luôn an vui với công việc của mình!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày