GN - Là một sinh viên kỹ sư xây dựng, cũng như bao sinh viên khác, những ngày cuối ở giảng đường, tôi luôn mong sao khi ra trường mình sẽ có một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn.
Nhưng tôi ra trường đúng vào thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, ngành xây dựng cũng gặp nhiều bất ổn, nên rất khó để có được việc làm.
Lúc đấy tôi chỉ biết đứng lặng yên rất lâu trước tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, trong đầu miên man nghĩ đến những khoản nợ học phí và những khoản nợ sinh hoạt, không biết khi nào mới có thể trả được. Tôi ước mong sao có được một nơi làm việc uy tín, với thu nhập ổn định để trả được những khoản nợ nặng nề.
Khoảng hơn tuần sau, tôi được một công ty gọi đến phỏng vấn. Để vào làm cho một tập đoàn với số nhân viên quá lớn như vậy, tôi cũng cảm thấy lo lắng, hơi thiếu tự tin sau khi vượt qua vòng loại phỏng vấn, chuẩn bị bước vào phòng để kiểm tra năng lực.
Anh trưởng phòng kiểm tra năng lực khi nghe giọng tôi liền hỏi: “Em có phải người Quảng không?”. Tôi trả lời: “Dạ, quê em ở Quảng Ngãi ạ”. Anh tự giới thiệu mình cũng là người Quảng (Quảng Nam). Xong anh bảo tôi về chuẩn bị sắp xếp qua tuần sau đến nhận việc mà không phải làm bài test hay trải qua các vòng phỏng vấn như các bạn khác.
Tôi không hiểu tại sao mình lại có sự may mắn kỳ lạ và kỳ diệu đến như vậy. “Phải chăng Ngài đã cảm thấu được khó khăn tột cùng mà tôi đã và đang phải trải qua!?” - tôi thầm hỏi.
Tôi vào làm việc được một khoảng thời gian, khẳng định được thế đứng của mình và dần dần trả hết những khoản nợ mà các anh chị, bạn bè đã giúp đỡ trong lúc tôi chật vật xoay xở với cuộc sống hàng ngày với vài lần bị các công ty trước đó “xù lương”.
Chia sẻ với người nghèo là một trong những cách thực tập hạnh Quan Âm - Ảnh: Uyên Phương
… Sau thời gian dài sinh sống và làm việc tại nơi đây, tôi lại nghĩ: Mình làm ra nhiều tiền để làm gì? Tuổi trẻ ta còn đi được bao lâu và có thể kiếm được thêm bao nhiêu nữa, trong khi đấy - thời gian ta dành cho gia đình ít hơn và ba mẹ cũng sẽ ngày càng già đi.
Trong ý nghĩ lúc ấy tôi chỉ muốn hồi hương, muốn về bên cạnh gia đình, nhưng tất cả cũng chỉ là mong muốn. Thực tế, với một đứa con xa quê lâu năm, không mối mai thân thích thì muốn kiếm được một công việc ở quê với mức thu nhập vừa đủ là điều không dễ.
Trên đoạn đường đến công trường, tôi có đi qua một ngôi chùa nhỏ với tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên đặt phía trước cổng. Tranh thủ những lúc đó, tôi hay dừng lại để thưa thỉnh, khấn nguyện, mong Ngài thường gia hộ đến sức khỏe của ba mẹ tôi nơi quê nhà.
Nhưng thuận lý vô thường, theo thời gian, với sự hao mòn sức khỏe, ba tôi đã đổ một cơn bạo bệnh. Lúc đấy tôi tự nghĩ sẽ phải vứt bỏ tất cả những gì đang có, chấp nhận đánh mất một tương lai vững chắc với công việc ổn định để đổi lấy một điều duy nhất: về ở bên cạnh gia đình trong thời gian còn lại của ba mẹ.
Mọi thứ tưởng chừng như đã sẵn sàng thì vô tình tôi được gặp lại một người bạn vốn mất liên lạc từ rất lâu. Trong buổi gặp lại, không hiểu sao tôi “tự tin” kể nỗi niềm của mình, thế là nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ của bạn. Bạn giới thiệu tôi vào làm cho một công ty tại quê nhà, điều mà trước đây tôi luôn thầm cho là viển vông - khó trở thành hiện thực mỗi khi đứng trước tôn tượng Ngài trong sự vội vã.
Trải qua bao thăng trầm, sóng gió, giờ đây cuộc sống của tôi có thể nói là ổn định, được đoàn tụ bên gia đình như sở nguyện. Nghĩ về tất cả điều ấy, tôi lại nhớ đến những người đã từng giúp tôi một cách vô tư, đầy lòng thương, hiểu. Tôi nghĩ, đấy là những vị Bồ-tát, những vị Bồ-tát ẩn mình đến với tôi như hạnh nguyện “cứu khổ” của Đức Quan Âm.
Giờ đây, mỗi khi đối diện trước tôn tượng Ngài, tôi càng tin mãnh liệt rằng Ngài luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu được cảm nghĩ trong mọi nỗi khổ của chúng sanh, ngay cả khi nỗi khổ ấy chưa thốt thành lời như tôi...