GN - Metteyya Sakyaputta là một tu sĩ Phật giáo, hiện 32 tuổi, đến từ ngôi làng nơi Đức Phật sinh ra. Hiện sư đang tích cực hoạt động nhằm ngăn chặn những tác hại trầm trọng của cuộc sống hiện đại - biến đổi khí hậu và du lịch toàn cầu, với sự giúp đỡ của một nhà khoa học ở thành phố Edmonton, Canada.
Sư Metteyya Sakyaputta cùng các chuyên gia đi khảo sát thực tế
Sư Metteyya Sakyaputta được sinh ra trong một gia đình may mắn so với các gia đình khác trong vùng, khi có diêm và có thể cung cấp lửa cho hàng xóm để nấu ăn và thắp sáng. Khi còn nhỏ, cậu bé Metteyya Sakyaputta đã từ chối học bổng trường y để trở thành một tu sĩ Phật giáo, hiện sư đóng vai trò chính trong một chương trình truyền hình về giáo dục, người sáng lập trường học và là nhà hoạt động về môi trường. Sư đang lãnh đạo một cộng đồng nỗ lực đấu tranh chống biến đổi khí hậu do du lịch toàn cầu và do con người hiện đại mang lại.
Hoạt động này được sự hỗ trợ của những người Canada, đứng đầu là nhà khoa học về môi trường ở tỉnh Alberta, cô Lori Foster. Cô Foster cũng xuất gia. Vào năm 2006, cô đã từng nguyện rằng, khi Metteyya thành tu sĩ, cô sẽ hỗ trợ để sư có thể chuyên tâm cống hiến cho những mục đích cao cả hơn.
Bốn năm sau, cô đã giúp thành lập Hiệp hội Phật giáo nhập thế Canada do sư Metteyya hướng dẫn việc tu tập. Từ ngày thành lập, mỗi năm, sư Metteyya có thể làm Phật sự ở bất kỳ nơi nào từ vài tuần đến vài tháng tại thành phố Edmonton, tỉnh Alberta của Canada.
Đáp lại sự hướng dẫn tu học, các gia đình Phật tử người Canada đã ủng hộ chương trình xây dựng cộng đồng, tập trung cho giáo dục các trẻ em gái, và xây dựng mô hình kinh tế bền vững, sử dụng công nghệ từ năng lượng mặt trời để đối phó hạn hán do biến đổi khí hậu.
Ngôi làng nơi quê hương của sư Metteyya có 800 nhân khẩu, tọa lạc dưới chân núi Chure, Nepal. Trước đây, nơi này là vùng cây cối um tùm, đầm lầy, gần biên giới với Ấn Độ.
Ngôi làng thuộc thánh địa Lumbini, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản sinh. Khu vực này được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới và được sư Metteyya miêu tả là “vùng đất Phật linh thiêng”. Vào tháng 11 vừa qua, sư được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của Tổ chức Phát triển Lumbini để quản lý vùng này.
“Cần có sự sửa đổi”, sư phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại thành phố Vancover gần đây. “Tôi gọi đó là hình phạt mang tính nhân quả”.
Từ thập niên 70, song song với các tu viện cổ từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch được bảo tồn, có nhiều công trình lộng lẫy khác được xây dựng đã chia khu vực này thành hai phần, ngăn cách bởi con kênh với những chiếc xuồng máy chở du khách tấp nập đến chiêm bái.
Gần đó, các khách sạn, sòng bài sang trọng cũng mọc lên, với những câu quảng cáo trên mạng internet như: “Bạn dám đi về nơi hoang dã!”. Và có một công ty giới thiệu bia giá rẻ, được bán trong chai nhựa làm ảnh hưởng đến dân trí của khu vực.
“Bên ngoài các bức tường này là cuộc sống đói nghèo”, sư Metteyya kể. Năm 2018, gần 1,4 triệu người đến nơi này tham quan, mặc dù đường đi từ thủ đô Nepal, Kathmandu đến Lumbini mất 10 tiếng. Khi sân bay mới khánh thành trong năm nay, ước tính 10% tín đồ Phật giáo trong thế giới 7,3 tỷ người sẽ lần lượt đến với Lumbini. Ngoài ra, người từ quốc gia lân cận cũng đến, sẽ tạo nên làn sóng du khách vào Nepal, làm cho hiệu ứng tiêu cực đối với dân làng và môi trường có thể rất nghiêm trọng.
Có sự bất công lớn là những người nghèo nhất trên thế giới đang trả những cái giá đắt cho các công trình xa hoa của những người giàu nhất.
Khi sư Metteyya là một cậu bé, những người nông dân ở đây sản xuất hai hoặc ba vụ mùa gồm gạo, đậu lăng, hoặc đậu gà mỗi năm. Tuy nhiên, nền nông nghiệp tự túc bắt đầu bị xóa sổ, mặc dù nhiều ngôi làng có trẻ em ốm trơ xương do thiếu ăn.
Ngày nay, nếu may mắn, người nông dân chỉ có một vụ mùa mỗi năm. Kiến thức nông nghiệp truyền thống của họ bị lỗi thời do các điều kiện thực tế thay đổi.
Đến mùa mưa, lũ lụt xuất hiện và các dải băng suy giảm nhanh chóng. Sông ngòi, đầm lầy cũng mất dần, mực nước giảm từ 12 đến 58m do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.
Đó cũng là lý do vì sao có nhiều dự án được điều hành bởi sư Metteyya đang quyên góp để hỗ trợ hệ thống bơm nước sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giúp các trang trại do phụ nữ và trẻ em phụ trách. Sư cũng hy vọng nếu ngành nông nghiệp được phục hồi, những người đàn ông chủ lực trong kinh tế gia đình đã rời làng để tìm việc ở nơi khác có thể trở về nhà, cùng chung tay phát triển đời sống tại địa phương.
Các kế hoạch khác của sư Metteyya bao gồm 100 giường ở bệnh viện và tại các trường đào tạo y tá. Và từ những ngày sống, quan sát ở đất nước Canada, nhà sư trẻ này cũng mong ước mở một quán cà phê với đội ngũ nhân viên là các em gái làm công việc pha chế, phục vụ, kế toán và quản lý.
Sư Metteyya cho rằng đó cũng là bước khởi đầu để các em có thể lập nghiệp, thậm chí trở thành người chủ, người điều hành.
Nhờ vậy, hiện có sự thay đổi lớn về truyền thống. Trước đây, các em gái bị hứa hôn khi mới 7 tuổi và có thể kết hôn sau khi đến tuổi dậy thì. Ngày nay, phụ nữ trẻ có thể không kết hôn, có học vị cử nhân cao đẳng, làm việc và tự lái xe máy đã được xã hội chấp nhận.
Những kết quả có được do sự chung tay của nhiều người, trong đó có công của sư Metteyya. Khi mới 15 tuổi, sư đã mở ngôi trường ngoài trời dưới một cây xoài. Ngày nay, hệ thống trường học do sư điều hành có 1.600 học sinh và 60% là các trẻ em nữ.
“Mặc dù đôi lúc thiếu hụt kinh phí trầm trọng nhưng tôi vẫn cố gắng và nỗ lực hết sức có thể cho những công việc mình đang làm”, sư Metteyya tâm sự.
Tâm Nhiên - Nguyệt Bảo An
(theo Vancouver Sun)